Sáng 2/9, đoạn clip ghi nhận lời khai của nghi phạm Nguyễn Văn Đông trong vụ thảm sát năm người tại Đan Phượng (Hà Nội) được nhiều trang thông tin đăng tải.
Trong đoạn clip ấy, Đông nêu rất rõ đã chém những ai, chém bao nhiêu nhát. Trên gương mặt nghi phạm không có một chút hoảng sợ, hối hận về tội ác mình gây ra. Đông tỉnh bơ kể lại những tình tiết gây rợn gáy người nghe...
Gây "nhiễm độc" cho cộng đồng
Tôi giận những ai đã tung đoạn clip ghi lời khai của Đông, đã phá nát bầu không khí bình yên của ngày nghỉ lễ.
Trước đó một ngày, rất nhiều người dân ở Đan Phượng và cả nước run sợ trước những hình ảnh đẫm máu (đã được che mờ) tại hiện trường vụ thảm sát, những hình ảnh này đã được đăng tải trên nhiều trang thông tin. Ngày hôm sau, đoạn clip lời khai của nghi phạm được tung ra, một ngày nặng nề hơn bao giờ hết.
Cùng ngày Đông gây thảm án, tại Đắk Lắk, nghi phạm Y Biên Rmanh chỉ vì không tìm thấy vợ đã dùng cuốc bổ chết một người đi đường. Cũng giống vụ án ở Đan Phượng, đoạn clip ghi lời khai của Y Biên Rmanh miêu tả các tình tiết giết người đáng sợ nhanh chóng được phát tán trên mạng.
Điều gì sẽ xảy ra khi liên tiếp hai đoạn clip lời khai của nghi phạm giết người được phát tán tràn lan đến tùy tiện như thế?
Chắc hẳn trong hai ngày qua, những bậc làm cha mẹ đã cố gắng ngăn cản những đứa con đừng tò mò, click chuột vào các đoạn clip lời khai của hai nghi phạm trên. Bởi họ sợ những đứa trẻ chưa hoàn thiện về nhân cách sẽ bị ám ảnh hoặc bị tiêm nhiễm và trở nên vô cảm.
Những đoạn clip lời khai của nghi phạm giết người đã khơi những cảm xúc tiêu cực về sự bất an trong xã hội. Nếu Nguyễn Văn Đông, Y Biên Rmanh là những nghi phạm sát nhân thì những ai đã phát tán đoạn clip lời khai các nghi phạm đang là những người tiếp tay gây nhiễm độc môi trường sống.
Trách nhiệm của YouTube, Facebook...
Riêng việc đăng tải clip có tính chất bạo lực, các trang mạng xã hội cần phải có trách nhiệm ngăn chặn, phòng ngừa cho cộng đồng từ phía các đơn vị Google, YouTube hay Facebook.
Tại khoản 2 Điều 29 Luật An ninh mạng 2018 có quy định: Chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có trách nhiệm kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp để không gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em...
Như vậy, khi YouTube đặt chân vào Việt Nam thì phải tuân thủ chính sách pháp luật của nước ta.
Trong “nguyên tắc cộng đồng”, YouTube khuyến cáo không cho đăng những clip có nội dung bạo lực hoặc đẫm máu nhằm mục đích gây sốc. YouTube dẫn chứng cụ thể là các cảnh quay hoặc hình ảnh mô tả chất dịch của cơ thể (ví dụ như máu hoặc chất nôn) với mục đích gây sốc hoặc làm khán giả cảm thấy ghê sợ, cảnh đánh nhau có sự tham gia của trẻ vị thành niên… Tất cả khuyến cáo này, YouTube đều minh họa bằng hình ảnh và ghi chú một câu: “Xin lưu ý rằng đây chưa phải là danh sách đầy đủ”.
Trong vụ việc phát tán clip lời khai của các nghi phạm vụ thảm sát, những tình tiết chết chóc được gợi lên không phải từ hình ảnh, chữ viết rõ ràng mà là từ lời nói. Thiết nghĩ các công ty lớn như Google, YouTube, Facebook cần bổ sung vào danh mục cấm đăng tải những clip có âm thanh độc hại tương tự.
Lộ clip lời nghi phạm, trách nhiệm của ai?
Lời khai nhận của nghi phạm trong vụ thảm sát ở Đan Phượng có tính chất máu lạnh, mô tả hành vi dã man của mình một cách rất tự nhiên, thái độ của nghi phạm gần như không thể hiện sự hối tiếc mà xem đó là một việc rất đỗi bình thường. Đây là hành động bạo lực, dã man, rùng rợn.
Một vụ án đang trong giai đoạn điều tra, nghi phạm chịu sự quản thúc chặt chẽ của cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT). Vậy do đâu đoạn clip này lại xuất hiện một cách tùy tiện như vậy?
Có thể thấy trong giai đoạn này, nghi phạm đang chịu sự quản lý của CQTHTT nên những thông tin phát tán trên hoặc do người của CQTHTT thực hiện, hoặc CQTHTT cho phép cá nhân khác thực hiện.
Đáng lẽ CQTHTT không nên để clip này phát tán trên mạng Internet, bởi nó không mang tính tuyên truyền pháp luật, thậm chí còn gây kích động cho những kẻ thích hành xử bằng dao, búa, gây tổn thương đến cộng đồng mạng nói chung.
Theo Điều 177 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định trường hợp cần giữ bí mật điều tra, điều tra viên, cán bộ điều tra, kiểm sát viên, kiểm tra viên phải yêu cầu người tham gia tố tụng không được tiết lộ bí mật điều tra. Yêu cầu này được ghi vào biên bản.
Một trong những hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 14 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự đó là làm lộ bí mật điều tra vụ án. Như vậy, việc giữ bí mật điều tra vụ án thuộc về trách nhiệm của CQTHTT.
Trường hợp điều tra viên, cán bộ điều tra, kiểm sát viên, kiểm tra viên, người tham gia tố tụng tiết lộ bí mật điều tra thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.
Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM