Các chuyên gia bảo tồn của Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF) cho biết, Sao La còn có tên khác là “Kỳ lân châu Á”. Đây là loài động vật sắp tuyệt chủng và đang sinh sống trong những khu rừng trên dãy Trường Sơn. Sao La được xếp vào danh mục những loài động vật cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới và Sách đỏ của Việt Nam.
Hình ảnh cá thể Sao La, còn có tên khác là "kỳ lân châu Á", chụp tháng 9/2013. Ảnh: AP. |
Kết quả phân tích AND năm 1999 cho thấy, Sao La thuộc họ trâu bò và là họ hàng gần của bò rừng Bison. Dẫu vậy, nếu chỉ nhìn thoáng qua, người ta hoàn toàn không thể nhận ra sự liên quan giữa Sao La và họ hàng của nó.
Chiều dài thân của Sao La chỉ đạt 1,3 đến 1,5 m, chiều cao 90 cm và trọng lượng khoảng 100 kg. Chúng có bộ da màu nâu sẫm, trên mỗi móng có một đốm trắng. Sừng của Sao La dài và mảnh dẻ, hướng thẳng về phía sau. Sừng của loài này có thể dài tới 51 cm. Dù được gọi là “Kỳ lân châu Á” nhưng Sao La vẫn có 2 sừng. Cái tên này cho thấy sự quý giá của loài Sao La trong cộng đồng khoa học.
Sao La sống trong các khu rừng rậm, gần suối, nằm ở độ cao 200 – 600 m trên mực nước biển. Số lượng Sao La trên toàn lãnh thổ Việt Nam không vượt quá 100 cá thể. Do Sao La rất quý hiếm nên giới khoa học chưa thể xác định tập quán sinh sống của chúng.
Một trong 2 cá thể Sao La bị bắt năm 1993. Ảnh: AP. |
Con người phát hiện Sao La ở Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1992, khi nhóm nghiên cứu của WWF và kiểm lâm Việt Nam tìm thấy hộp sọ với những chiếc sừng bất thường trong nhà của một thợ săn ở khu vực hẻo lánh giáp Lào. Sau đó, người ta từng bắt 2 con sao la ở miền Trung Việt Nam vào năm 1993. Tuy nhiên, chúng chết vài tháng sau đó.
Ông Đặng Đình Nguyên, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, kiêm Giám đốc Khu Bảo tồn Sao La Quảng Nam cho biết, lần cuối cùng người ta nhìn thấy một cá thể Sao La trong tự nhiên vào năm 1998.
Phải tới tháng 9 vừa qua, các chuyên gia mới chụp hình được một cá thể Sao La khi nó di chuyển qua tán cây rậm rạp, nơi các chuyên gia đặt nhiều bẫy ảnh.
Ông Văn Ngọc Thịnh , Giám đốc WWF Việt Nam, cho biết: “Khi nhóm nghiên cứu bắt đầu xem ảnh, chúng tôi hoàn toàn không tin vào thứ mà chúng tôi thấy. Sao La là báu vật đối với các nhà bảo tồn ở Đông Nam Á nên họ rất quan tâm tới những ảnh của chúng. Đây là phát hiện ngoạn mục, mở ra hy vọng bảo tồn loài động vật đang sắp tuyệt chủng”.
Hiện tại, WWF kết hợp cùng lực lượng kiểm lâm địa phương tìm kiếm và phá bỏ những chiếc bẫy xung quanh khu vực mà người ta phát hiện Sao La.