Tôi đọc được thông tin Bộ Công an vừa phát hiện đường dây sản xuất, in ấn, tiêu thụ gần 3 triệu sách giáo khoa giả nhãn hiệu sách cung cấp cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12.
Theo các quy định của pháp luật, người sản xuất và in sách giả rồi tiêu thụ sẽ bị xử lý như thế nào?
Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa
Hành vi sản xuất, in ấn, phát hành và buôn bán sách giả để trục lợi, tùy tính chất mức độ vi phạm, có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
Khoản 5, Điều 27 Nghị định 159 của Chính phủ quy định mức phạt tiền 20-30 triệu đối với các hành vi: Tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp từ 300 bản trở lên.
Ngoài ra, tổ chức hay cá nhân in ấn sách mà không được sự cho phép của tác giả còn vi phạm Điều 18 Nghị định 113 của Chính phủ. Mức phạt dành cho hành vi này cao nhất lên đến 35 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm. Đối với tổ chức, mức phạt hành chính gấp 2 lần mức phạt dành cho cá nhân.
Trường hợp người vi phạm mà thu lời bất chính từ 50 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu tác phẩm từ 100 triệu đồng trở lên, thì bị xử lý hình sự theo Điều 225 Bộ luật hình sự về tội Xâm phạm bản quyền tác giả, quyền liên quan.
Theo Điều 225, cá nhân phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 3 năm. Pháp nhân vi phạm thì bị phạt tiền cao nhất là 3 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động tối đa 12 tháng.
Đối với hành vi tiêu thụ, buôn bán sách giả, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 192 Bộ luật hình sự. Theo điều luật này, cá nhân đối diện khung hình phạt lên đến 15 năm tù. Còn pháp nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền lên đến 6 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc vĩnh viễn.