'Sản xuất sữa tươi chỉ hòa hoặc lỗ'
Theo CEO Hanoimilk, nếu sản xuất sữa tiệt trùng từ 100% sữa tươi thì doanh nghiệp chỉ có thể hòa hoặc lỗ, do đó sữa tươi chỉ bổ dung vào sản phẩm khác, chứ không sản xuất đại trà.
Trong buổi tọa đoàn trực tuyến "Thị trường sữa: Giá cả và chất lượng" được tiến hành trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, trao đổi về việc giá sữa đã tăng tới 30 lần trong vòng 6 năm, đại diện công ty cổ phần Sữa Hà Nội - ông Hà Quang Tuấn cho biết chỉ có sữa bột mới tăng giá nhiều như thế. Riêng sữa nước chỉ tăng 185% trong cùng thời kỳ này.
Theo ông Tuấn, nguồn cung sữa tươi chỉ đáp ứng 27% nhu cầu sữa tươi trong nước, chưa kể các loại sữa khác (sữa bột, sữa tiệt trùng, sữa hoàn nguyên…), 70% sữa còn lại là sử dụng sữa hoàn nguyên để sản xuất. CEO Hanoimilk đánh giá, việc sử dụng sữa hoàn nguyên là nguyên liệu chính để sản xuất sữa tiệt trùng tại Việt Nam cũng giống với các thị trường nước ngoài, thậm chí là ở các quốc gia phát triển.
"Hiện nay, giá thu mua một lít sữa tươi hiện là 14.000 đồng/kg, chiếm 74% giá thành sản xuất. Nếu cộng thêm chi phí quảng cáo, bán hàng, quản lý, tôi cam đoan nếu sản xuất sữa tươi tiệt trùng từ 100% sữa tươi thì doanh nghiệp chỉ hòa hoặc lỗ. Đối với Hanoimilk, do sản lượng thu gom sữa tươi không nhiều, không đủ khối lượng nên chúng tôi chỉ tập trung sữa tươi để bổ sung vào sản phẩm sữa hộp, sữa chua chứ không sản xuất sữa tươi tiệt trùng", vị này chia sẻ.
Với ý kiến hạn chế chi phí quảng cáo, tiếp thị để hạ giá sữa, đại diện Hanoimilk cho rằng, dù số tiền chi cho quảng cáo mỗi năm có thể lên tới cả ngàn tỷ đồng, tiết kiệm khoản này có thể giảm một phần giá thành của các sản phẩm sữa. Tuy nhiên, quyền lợi được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm đối với người tiêu dùng cần được tôn trọng, nên việc sử dụng các biện pháp hành chính như cấm, hạn chế cần được xem xét lại.
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục quản lí thị trường Bộ Công Thương cho hay, không loai trừ trong các sản phẩm sữa xách tay có các loại kém chất lượng, sữa quá hạn sử dụng nhưng được tẩy xóa để tuồn ra thị trường. "Người bán có những thủ đoạn rất tinh vi, như không bày bán công khai mà chỉ khi có người đến mua mới bày ra. Hóa đơn, chứng từ được các đơn vị này hợp thức hóa bằng các chứng từ khác nên rất khó kiểm tra để xử lý", ông Lam cho hay.
Trần Anh (ghi)
Theo Infonet