Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sản xuất kính mắt Gucci, D&G giá 10.000 đồng

Các loại kính dán mác Gucci, Dior, D&G… bán giá hàng triệu đồng nhưng được sản xuất tại tỉnh Thái Bình chỉ với vài chục nghìn đồng tiền vật liệu Trung Quốc.

Sản xuất kính mắt Gucci, D&G giá 10.000 đồng

Các loại kính dán mác Gucci, Dior, D&G… bán giá hàng triệu đồng nhưng được sản xuất tại tỉnh Thái Bình chỉ với vài chục nghìn đồng tiền vật liệu Trung Quốc.

Làng Lịch Động, xã Đông Các, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình được coi là “kinh đô” của các loại kính hàng hiệu. Dọc đường làng Lịch Động, có đến gần 20 cửa hàng kính san sát nhau, đều bày bán các thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Ở tiệm Thế Nghĩa, phóng viên được chủ hiệu giới thiệu giá kính thấp nhất là 3.000, cao nhất 300.000 đồng/ chiếc, nhưng đó chỉ là những chiếc kính được sản xuất theo đơn đặt hàng. “Giá không phụ thuộc nhiều vào mác Gucci, Dior, hay D&G…mà căn cứ vào kiểu dáng và chất liệu. Những kiểu mới được nhập về gọng làm bằng kim loại khắc mác Praza, Gucci… thường bán buôn chỉ chỉ 150.000 - 200.000 đồng. Tuy nhiên các cửa hiệu tại Hà Nội nhập về sẽ bán với giá gấp 10 lần. Bình thường nhìn vào rất khó để phát hiện, phải là người rất 'sành' mới phân biệt được nhờ so sánh độ nặng nhẹ của chất liệu mà thôi”, chủ cửa hàng bật mí.

Theo tìm hiểu của phóng viên gọng, mắt kính hầu hết được nhập từ Trung Quốc về với giá bán theo lô: dòng kính chợ, 1.500 -2.000 đồng/ cặp mắt; 4.000-5.000 đồng/gọng. Một chiếc kính thành phẩm trị giá đầu vào xấp xỉ chục ngàn đồng. Dòng kính “cao cấp” giá có nhỉnh hơn: 25.000 - 30.000 đồng/cặp mắt; 30.000-40.000 đồng/gọng. Mác, nhãn hiệu, giá được dán sau cùng: từ Gucci, Solex, Okey, Ray-ban...  cho tới Hua Fang, Huida, Gokon, Shengmyia đều đủ cả. Gần đây, thợ kính Lịch Động có thêm công nghệ “bắn” chữ chìm trên mắt thuỷ tinh, tinh xảo đến mức “dân chơi” cũng khó phân biệt được với hàng hiệu “xịn”.

Thương hiệu kính nổi tiếng được sản xuất với giá vài chục nghìn đồng.

Lịch Động không phải là nơi sản xuất kính, chỉ thực hiện công đoạn nắn, mài, lắp... thành những cặp kính hoàn chỉnh. Tuy nhiên, thợ kính tại đây có tay nghề rất khéo, chỉ trong ba phút là có thể ráp xong một “con” dù cắt, giũa, mài, bắt vít, nắn... đều bằng những công cụ rất thô sơ như kìm, giũa... cùng với cái môtơ gắn đá mài.

Sau đó thành phẩm được đổ cho những người bán lên nằm vùng ở khắp các tỉnh, hoặc tự mang lên Hà Nội bán theo kiểu “mua tận gốc, bán tận ngọn”. Những chiếc kính sau khi lắp trông “sang” không thua gì kính “xịn”. Sau đó, dân buôn kính có thể “nhìn mặt khách” mà “bắt túi tiền”. Vì thế, một chiếc kính có thể lên vài ba trăm ngàn, nhưng xuống chỉ 15-20 ngàn đồng. Trung bình một ngày, một xưởng lắp kính có thể cho ra đời từ 4-5 trăm cặp kính, với lực lượng lao động chủ yếu là những em nhỏ.

“Chất liệu mắt kính chủ yếu là meca (acrylic), thuỷ tinh không chuyên dùng hoặc không đạt tiêu chuẩn. Chính vì thế có loại kính được lắp bằng phương pháp khoan ghép chỉ có thể giữ được khoảng 1 - 3 tháng là có dấu hiệu bị rạn, nứt và biến dạng kiểu dáng. Loại như vậy kiểu dáng đẹp, bắt mắt nhưng gây nguy hiểm nên các đại lý ở đây đều đặt theo từng đợt bán hết rồi mới lấy chứ không dám nhập ồ ạt về”, một thợ chuyên làm kính cho biết.

Hàng nhái khó kiểm soát

Theo một lãnh đạo xã Đông Các, Lịch Động có khoảng hơn 2.000 hộ, già nửa trong số đó đã mở cơ sở làm kính, và mỗi ngày có hàng ngàn chiếc kính được xuất xưởng. Ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Đông Các, cho biết: “ Những người làm kính ở Lịch Động chủ yếu là làm ăn tự phát, không đăng ký kinh doanh nên UBND xã không thể quản lý chính xác. Những thợ làm gia công, làm nhái rồi sau đó trở thành người kinh doanh kính”.

Kính nhái ở Lịch Động tinh vi đến mức, nếu không phải người trong nghề thì rất khó nhận ra.

Theo Thạc sĩ Lê Mạnh Đức, Trưởng khoa Mắt - Bệnh viện Bưu Điện: Kính chưa được kiểm tra chất lượng sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ người dùng. Sau một thời gian sử dụng kính sẽ bị biến chất mà mắt thường không phát hiện được, nó làm mắt người đeo phải điều tiết liên tục, dẫn đến các tật về mắt như: cận thị, viễn thị…Ngoài ra, nếu việc mài lắp kính không chuẩn, kết hợp với mắt kính không đạt chất lượng sẽ ảnh hưởng đến thị giác.

“Những chiếc kính được làm bằng vật liệu kém chất lượng, dưới ánh nắng mặt trời, mồ hôi phần viền mắt tại vị trí đeo kính sẽ khiến các lớp hóa chất phủ trên bề mặt kính 'hoạt động'. Do tác động của bụi bẩn, chúng gây ra nhiều tác hại cho mắt của những người có cơ địa yếu như đau mắt, rát mắt, dị ứng, mẩn ngứa… Ngoài ra, hầu hết những chiếc kính kém chất lượng này không có tác dụng tránh ánh nắng mặt trời và cản tia UV (tia cực tím). Chúng khiến người sử dụng dễ bị lóa, chói, chóng mặt, nhức đầu; nặng hơn có thể gặp các bệnh như bỏng võng mạc, viêm giác mạc… ”, Thạc sĩ Lê Mạnh Đức nói.

Về Hà Nội không nói tới những "hiệu" kính tủ, kính trải ni lon bày bán dọc vỉa hè đường Láng, đường Trường Chinh, Cầu Giấy, ven công viên Thống Nhất (đường Lê Duẩn)... bước vào các hiệu kính thuốc Tràng Tiền, Lương Văn Can, Bà Triệu... phóng viên cũng bị ám ảnh bởi một câu hỏi: Phần trăm nào đây của làng kính Lịch Động?

Theo VietQ

 

Theo VietQ

Bạn có thể quan tâm