Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Sàn thương mại điện tử lo gặp khó khi nộp thuế hộ người bán

Thông tư 40 của Bộ Tài chính quy định các sàn thương mại điện tử phải kê khai và nộp thuế hộ người bán. Nhiều sàn và chuyên gia cho rằng sẽ vướng nhiều khó khăn khi thực hiện.

San TMDT lo gap kho khi nop thue ho nguoi ban anh 1

Chia sẻ với Zing, đại diện một sàn thương mại điện tử (TMĐT) cho biết đang nhận được nhiều câu hỏi từ các đối tác bán hàng về Thông tư 40 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, chính sàn này vẫn còn lúng túng chưa biết triển khai như thế nào.

Theo quy định mới này, từ ngày 1/8, các sàn TMĐT phải kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh.

Gánh nặng tài chính, nhân sự và kỹ thuật

Chia sẻ với Zing, luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng quy định này có sự mâu thuẫn với pháp luật chuyên ngành về thuế và các quy định liên quan đến hoạt động TMĐT.

Cụ thể, Khoản 1 Điều 24 Luật Thuế Thu nhập cá nhân 2007, sửa đổi năm 2012 nêu rõ cá nhân có thu nhập chịu thuế, tức cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT trong trường hợp này, có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.

"Sàn TMĐT không phải là đơn vị trả thu nhập cho người bán, mà chỉ cung cấp nền tảng kết nối người bán và người mua, thực hiện giao dịch và hỗ trợ thu tiền hộ cho người bán, do đó không phải là đối tượng có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế thay cho người bán theo Điều 24 Luật thuế Thu nhập cá nhân", ông nhấn mạnh.

Các trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn TMĐT theo Điều 36 Khoản 7 Điều 37 Nghị định 52/2013/NĐ-CP cũng không bao gồm việc kê khai và nộp thuế thay cho người bán.

Với Thông tư 40, nghĩa vụ của hàng triệu người bán hàng được chuyển giao sang sàn TMĐT

Luật sư Nguyễn Tiến Hòa

Đại diện một sàn TMĐT phân tích việc thực thi Thông tư 40 đòi hỏi sự đầu tư kỹ lưỡng về hạ tầng như phần mềm xác định doanh thu của nhà bán hàng, phân loại doanh thu chịu thuế và thuế suất, tính toán số thuế cần nộp, số tiền sàn phải trả lại nhà bán hàng, điền mẫu báo cáo số thuế đã nộp...

Bên cạnh đó, các sàn cũng cần đội ngũ nhân sự có chuyên môn về thuế để kiểm tra bảng tính thuế cho từng nhà bán hàng, chuẩn bị tờ khai, nhập liệu bảng kê chi tiết lên phần mềm kê khai thuế và nộp thuế điện tử, chưa kể giải đáp thắc mắc, khiếu nại của nhà bán hàng (nếu có)...

Chưa kể, số lượng người bán hàng cá nhân trên các sàn có độ dao động rất lớn và thường xuyên do họ dịch chuyển giữa các sàn, hoặc ít giao dịch nên tự động bỏ... Số cá nhân kinh doanh nhỏ và không phát sinh giao dịch thường xuyên cũng khá nhiều, gây khó khăn cho các sàn trong việc thực thi Thông tư 40.

Dấu hỏi về tính khả thi

Vướng mắc khác được đưa ra là đa số sàn TMĐT có trụ sở ở Hà Nội hoặc TP.HCM, trong khi một bộ phận không nhỏ người bán đăng ký kinh doanh tại các tỉnh, thành khác. Vì vậy, quy định này có thể gây phiền hà cho các sàn và nhà bán hàng trong việc chứng minh với cơ quan thuế các địa phương về số thuế đã khấu trừ, nộp thay.

"Các cơ quan thuế địa phương sẽ gặp khó trong phân bổ nguồn thu đối với những trường hợp này, và áp lực lớn trong việc kiểm tra và xác nhận nghĩa vụ thuế sẽ bị đẩy về các cơ quan thuế ở TP.HCM và Hà Nội", đại diện một sàn TMĐT đánh giá.

San TMDT lo gap kho khi nop thue ho nguoi ban anh 2

Sàn TMĐT lo ngại về tính khả thi của Thông tư 40. Ảnh minh họa: Phan Nhật.

Song song với việc kê khai, nộp thuế thay, Thông tư mới cũng yêu cầu các sàn TMĐT cung cấp thông tin về cá nhân kinh doanh gồm họ tên; số định danh cá nhân hoặc CMND/CCCD/hộ chiếu; mã số thuế; địa chỉ; email; số điện thoại; loại hàng hóa, dịch vụ cung cấp; doanh thu; tài khoản ngân hàng... Nếu cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ, các sàn phải bổ sung chậm nhất trước ngày 1/8.

Tuy nhiên, điều này không chỉ gây khó khăn và tạo gánh nặng cho Tiki, Shopee, Lazada, Sendo... Một số sàn không tham gia trực tiếp vào giao dịch giữa người mua và người bán mà chỉ tạo nền tảng đăng tải thông tin như Chotot.vn, Batdongsan.com.vn... không thể kiểm soát hay có thông tin về doanh thu, tài khoản ngân hàng, CCCD, mã số thuế, địa chỉ... của người bán.

Do đó, các doanh nghiệp cho rằng cơ quan thuế nên cân nhắc chỉ áp dụng yêu cầu cung cấp thông tin và khai thuế, nộp thuế thay đối với các sàn có thực hiện chức năng là trung gian thanh toán giữa người mua và người bán.

Áp dụng từ tháng 8 thì tính khả thi không cao và cần có sự hướng dẫn thêm

Đại diện Sendo

"Việc có một quy trình kê khai và đảm bảo tính doanh thu chính xác giữa các sàn với nhau và với cơ quan chức năng các tỉnh thành không phải đơn giản.

Do đó, đặt ngày áp dụng từ tháng 8 thì tính khả thi không cao và chúng tôi cần cơ quan thuế có sự hướng dẫn thêm", đại diện Sendo nói với Zing.

Cá nhân kinh doanh trên sàn lo lắng

Trong khi đó, Hồng Nhung, một người đang bán hàng trên 2 sàn TMĐT, cho rằng nguy cơ thất thoát của các cá nhân kinh doanh là không nhỏ, nếu Thông tư 40 không được nghiên cứu và triển khai cẩn thận.

Theo Thông tư này, cá nhân kinh doanh có thu nhập năm từ 100 triệu đồng trở lên sẽ phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN, tổng cộng là 1,5% tổng doanh thu.

Nếu cá nhân phát sinh doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống tại nhiều nơi và dự kiến hoặc xác định được tổng doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì có thể ủy quyền cho các tổ chức chi trả khai thuế thay, nộp thuế thay đối với doanh thu phát sinh tại đơn vị được ủy quyền trong năm tính thuế.

Tuy nhiên, Hồng Nhung cho biết đến nay vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết đối với trường hợp này, bởi việc "dự kiến hay xác định" tổng doanh thu năm có đạt trên 100 triệu đồng hay không khá khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp.

San TMDT lo gap kho khi nop thue ho nguoi ban anh 3

Nhà bán hàng cá nhân bối rối trước quy định mới. Ảnh minh họa: Bizfly.

"Khi không được phổ biến rõ ràng, đầy đủ thì những nhận định cho rằng kinh doanh qua các sàn TMĐT là tăng nghĩa vụ nộp thuế qua từng giao dịch sẽ gây bất lợi cho hoạt động TMĐT vốn đang là cứu cánh của nhiều cá nhân kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh", luật sư Nguyễn Tiến Hòa đưa nhận định.

Theo luật sư Nguyễn Tiến Hòa, quy định mới sẽ khiến các sàn TMĐT mất tính cạnh tranh so với các nền tảng khác như Facebook... hiện không chịu quản lý chặt chẽ của pháp luật về TMĐT.

"Tham khảo thực tiễn từ các quốc gia khác như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Singapore, Malaysia hay Philippines thì các cá nhân vẫn tự chịu trách nhiệm kê khai và nộp thuế. Quy định như vậy được áp dụng hoàn toàn hợp lý và khả thi về mặt pháp lý cũng như thực tiễn", vị luật sư nhấn mạnh.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đánh giá một số quy định trong Thông tư chưa có tính khả thi cao và có thể gây ra nhiều tác động lớn đối với hoạt động kinh doanh của các sàn TMĐT cũng như hàng trăm nghìn cá nhân kinh doanh trên sàn.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm