Tối 24/11, tại xã Liên Giang (huyện Đông Hưng, Thái Bình), cách trung tâm thành phố Thái Bình hơn 10 km, hàng trăm người dân kéo về Trạm y tế xã Liên Giang bày tỏ sự bức xúc, cho rằng chính sự tắc trách, thờ ơ và chủ quan của đội ngũ cán bộ trạm y tế nên dẫn đến cái chết của sản phụ Nguyễn Thị Hiền (26 tuổi, xóm 14, thôn Minh Hồng, xã Liên Giang).
Người nhà bệnh nhân bất bình ở bên thi thể sản phụ. |
Dân quây trạm trong đêm
Khoảng 20h, khuôn viên Trạm y tế xã Liên Giang có trên 400 người tụ tập. Tầng 2 của dãy nhà Trạm y tế xã cũng rất đông người dân đi lại, tìm đến các phòng khám, chữa bệnh. Mọi người đến đây đều có chung tâm trạng bất bình trước sự việc sản phụ sau khi sinh đứa con trai nặng hơn 3 kg đã mất quá nhiều máu dẫn đến tử vong.
Theo nhiều người dân có mặt tại hiện trường, sau khi sinh, sản phụ đã bị ra nhiều máu. Tuy nhiên, sau nhiều giờ đồng hồ, sản phụ này mới tử vong. Người dân khẳng định, nếu kíp trực tham gia đỡ đẻ cho sản phụ không thờ ơ, chủ quan và thực hiện theo yêu cầu của người nhà là đưa sản phụ vượt tuyến thì đã không có sự việc thương tâm này xảy ra.
Để gìn giữ trật tự, tránh trường hợp xấu xảy ra (dân biểu tình, đập phá hệ thống nhà cửa, phòng khám, trang thiết bị, đánh đập cán bộ, nhân viên y tế trạm…) lực lượng công an huyện Đông Hưng, công an xã Liên Giang, lực lượng Công an Phòng PA83 (Công an tỉnh), dân quân, phòng CSGT Công an tỉnh Thái Bình cũng đã được điều động, cắt cử về đây từ trước đó nhiều giờ.
Tuy nhiên, người dân vẫn tìm về Trạm y tế Liên Giang ngày một đông, nhiều người quá bất bình đã lớn tiếng chửi bới nhân viên y tế công tác tại nơi này.
Tại hiện trường, anh Nguyễn Văn Dũng, chồng của sản phụ nói trong nước mắt: “Sáng nay vợ tôi đau bụng, bảo tôi nghỉ làm, ở nhà đưa vợ đi đẻ. Gần 7h, tôi đưa vợ đến trạm y tế xã Liên Giang. Đến đây, bác sĩ Nguyễn Thị Bắc khám, bảo gia đình yên tâm, khoảng 9h thì sẽ đẻ. Đúng 9h11, vợ tôi sinh được cháu trai, nặng hơn 3 kg. Tuy nhiên sau khi đẻ xong, đến khoảng 10h thì các bác sĩ cũng chẳng còn ai ngoài bà đỡ đẻ.
Lúc ấy, thấy vợ tôi bị chảy máu nhiều ở vùng kín, người nhà đã điện rối lên xin chuyển vợ vượt tuyến thì bác sĩ Bắc không cho đi. Bà ấy bảo chờ xe cấp cứu và máu vận chuyển về trạm y tế. Chờ đến cả tiếng đồng hồ mà xe cấp cứu vẫn không thấy về bởi bà Bắc nói có xe nhưng máu truyền cho sản phụ không có. Chúng tôi chờ từ 10h50 cho đến khi xe về đến nơi thì vợ tôi cũng đã mất, lúc 12h20”.
Người dân dựng lán, căng bạt trong khuôn viên trạm y tế. |
Trước buồng bệnh để xác sản phụ xấu số, ông Nguyễn Đắc Thiện người dân xã Liên Giang bày tỏ: “Từ trưa đến giờ, thật sự là chúng tôi rất bức xúc. Hơn 9h, sản phụ sinh mẹ tròn con vuông, cháu sinh ra vẫn bú sữa mẹ bình thường. Khi mất đi từng xô máu, người nhà xin chuyển viện thì bác sĩ ở đây lại không cho chuyển viện ngay mà lại phải chờ xe và máu về. Đã mất máu mà truyền nước thì liệu có ích gì, chỉ làm cho máu thêm loãng và mất máu nhiều hơn!”.
Ông Nguyễn Trọng Cảnh, xóm 5, xã Liên Giang cho biết thêm: “Cháu Hiền đi khám thai đầy đủ. Đây là lần đẻ thứ 2 của cháu chứ không phải đẻ lần đầu. Người dân chúng tôi chứng kiến vụ việc như thế này cảm thấy bất bình. Trạm y tế để xảy ra sự việc thế này là không được. Khi sinh ra mẹ con đều khỏe mạnh, bỗng dưng mẹ đột tử thì lỗi tại đâu? Cho đến lúc hơn 22h tử thi vẫn nằm đó mà cơ quan chức năng vẫn không có hướng giải quyết gì thì tôi cũng chẳng thể hiểu được”.
Để có cái nhìn khách quan về nguyên nhân ban đầu dẫn đến cái chết của sản phụ Hiền, chúng tôi đã tìm cách liên hệ với bác sĩ Nguyễn Thị Bắc nhưng bà này không có trong trạm xá vào thời điểm chúng tôi có mặt tại hiện trường (từ hơn 22h). Mọi nỗ lực của chúng tôi nhằm liên hệ với lực lượng khám nghiệm tử thi sản phụ Hiền cũng không được sự hợp tác.
Ông Trần Văn Đạt, Trạm trưởng Trạm y tế xã nói: “Ở đây còn có Giám đốc Trung tâm y tế huyện, có Chủ tịch, Bí thư huyện nên tôi không được phép nói gì. Bao giờ pháp luật kết luận tôi có tội, tôi sẽ nói. Lúc xảy ra vụ việc ở trạm y tế, tôi không có mặt ở đây nên không thể biết được”.
Người dân đổ về trạm y tế xã. |
Cho đến 23h cùng ngày, xác sản phụ Hiền vẫn được để trong một buồng bệnh của Trạm xá, rất đông thân nhân vây quanh gào khóc thảm thiết. Trong khi đó, ở Hội trường tầng 2 của Trạm y tế xã Liên Giang, buổi làm việc bất thường của các cơ quan liên quan, người nhà sản phụ và lãnh đạo huyện Đông Hưng vẫn diễn ra, nhằm trước mắt tìm hướng giải quyết vụ việc thỏa đáng. Trong tiền sảnh của Trạm y tế xã, xe tang đã được kéo về chờ sẵn. Người dân cũng đã dựng lán, căng bạt với quyết tâm thức trắng đêm để tìm lẽ phải, công bằng cho sản phụ và thân nhân.
Phải đến hơn 23h30, gia đình sản phụ đã thỏa hiệp với cơ quan chức năng đồng ý đưa sản phụ về gia đình để lo hậu sự, mai táng. Huyện Đông Hưng sẽ hỗ trợ gia đình toàn bộ chi phí mai táng sản phụ. Lãnh đạo Sở Y tế đã chỉ đạo ngành y tế chuyển cháu bé sơ sinh lên Bệnh viện phụ sản Thái Bình chăm sóc, theo dõi.
Được biết, gia đình anh Dũng rất khó khăn khi anh là lao động chính, trụ cột của gia đình. Khi chị Hiền mất đi, anh Dũng phải chịu cảnh một thân nuôi mẹ già, 2 con nhỏ.