Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sản lượng bán hàng Hòa Phát thấp nhất 2 năm

Công ty thép đầu ngành ghi nhận mức sản xuất và bán hàng giảm sâu trong tháng 1, bởi nhu cầu thị trường thấp khi trùng 2 kỳ nghỉ lễ lớn.

Tập đoàn Hòa Phát mới thông báo sản xuất 392.000 tấn thép thô trong tháng 1, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 402.000 tấn, chỉ bằng 64% so với tháng đầu năm ngoái.

Riêng thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao đóng góp 304.000 tấn, chỉ bị giảm 20% so với tháng 1/2022. Sản lượng HRC đạt 86.000 tấn và cung cấp gần 13.000 tấn phôi thép cho các nhà máy khác.

Sản lượng bán hàng cũng đã suy giảm 28% nếu so với tháng liền trước. Đây là tháng có mức xuất bán thấp nhất kể từ đầu năm 2021 đến nay.

Doanh nghiệp cho biết cả kỳ tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đều nằm trong tháng 1 nên nhu cầu thị trường vật liệu xây dựng nói chung và sắt thép nói riêng đều thấp, dẫn đến sản lượng sản xuất và bán hàng đều giảm đáng kể.

SẢN LƯỢNG BÁN HÀNG THEO THÁNG CỦA HÒA PHÁT

NhãnTháng 1/2022Tháng 2Tháng 3Tháng 4Tháng 5Tháng 6Tháng 7Tháng 8Tháng 9Tháng 10Tháng 11Tháng 12Tháng 1/2022
Sản lượng Nghìn tấn 631708832600660560526628555492443558402

Tập đoàn này ghi nhận khối lượng xuất khẩu thép (thép thanh, thép cuộn) đạt 46.000 tấn trong tháng vừa qua, đến các thị trường như châu Mỹ, châu Á và châu Đại Dương...

Về các sản phẩm hạ nguồn, ống thép Hòa Phát xuất bán hơn 53.000 tấn, tăng 6% so với tháng đầu năm 2022. Tôn mạ các loại đạt 21.000 tấn, chỉ tương đương 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện các nhà máy của Hòa Phát có công suất đến 8,5 triệu tấn thép/năm. Tuy nhiên, tập đoàn này đang phải điều chỉnh giảm sản xuất để phù hợp với diễn biến thị trường nhưng vẫn đang triển khai dự án Khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất 2.

Triển vọng ngành thép trong năm 2023 được dự báo tiếp tục khó khăn, đặc biệt trong nửa đầu năm. VNDirect đánh giá các nhà sản xuất thép trong nước đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như nhu cầu xây dựng toàn cầu giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng và dư thừa nguồn cung từ cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, triển vọng trong năm 2023 của ngành này cũng bị đè nặng bởi sự ảm đạm của thị trường bất động sản dân cư.

Hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn trước khi tình hình được cải thiện trong nửa cuối năm 2023. Kỳ vọng này đến từ việc giá nguyên liệu đầu vào giảm, trong khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại và đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy nhu cầu thép toàn cầu phục hồi.

Vào cuối tháng 1, các công ty ngành thép đã đồng loạt nâng giá bán các mặt hàng. Theo đó, thép Việt Đức, Hòa Phát, Việt Ý, Pomina... tăng giá trên toàn quốc đối với sản phẩm thép cuộn xây dựng và thép cây ở mức trung bình 200.000-400.000 đồng/tấn.

Riêng thép Việt Nhật là thương hiệu có mức tăng mạnh nhất tới 710.000 đồng/tấn với hai loại thép thanh vằn D10 CB300 và CB240 đều lên 15,58 triệu đồng/tấn trong đợt vừa rồi.

Sáng nay, Hòa Phát cũng có đợt tăng giá tiếp theo khi nâng thêm 300.000 đồng/tấn đối với các loại thép cuộn xây dựng và thép cây, áp dụng tại miền Bắc kể từ ngày 6/2.

Giá thép đồng loạt tăng tới hơn 700.000 đồng/tấn

Từ đầu năm đến nay, giá thép có dấu hiệu bật tăng liên tiếp trở lại. Mới đây, mỗi tấn thép lại tăng thêm tới 710.000 đồng so với đầu tháng.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm