Trao đổi với Zing, quản lý của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh cho biết tối 3/7, Nửa đời ngơ ngác là vở diễn cuối cùng, khép lại hành trình dài của sân khấu trong 13 năm qua. Kết thúc vở diễn, các diễn viên tiến đến hàng ghế khán giả để chụp ảnh kỷ niệm.
Từ ngày 4/7, sân khấu tạm ngưng biểu diễn để chuyển sang phương thức hoạt động mới: diễn theo mùa. Cụ thể, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh sẽ có hai mùa diễn chính là mùa Tết Nguyên đán và giữa năm.
Một cảnh trên sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh. Ảnh: Sân khấu Hoàng Thái Thanh. |
Mỗi mùa diễn kéo dài 3-5 tháng với 1 hoặc 2 vở diễn cố định suốt thời gian đó. Các vở diễn cũ sẽ không còn được tái hiện lại trên sân khấu.
Theo quản lý của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, đây là hướng đi mới nhằm nỗ lực thoát khỏi những khó khăn trong thời gian qua.
Trước đó, trong buổi họp báo giới thiệu vở diễn mới, nghệ sĩ Ái Như - người sáng lập sân khấu Hoàng Thái Thanh - cho biết hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, sân khấu nhiều lần đóng cửa. Khi hoạt động lại, rất ít tác phẩm có lãi, đa số chỉ hòa vốn. Giám đốc sân khấu phải bỏ tiền túi để bù lỗ, trang trải nhiều chi phí và trả lương cho nhân viên. Số lượng khán giả mua vé đến xem kịch cũng ngày càng thưa thớt.
Ngoài ra, sân khấu kịch bị cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí trên mạng xã hội, phim ảnh, game show. Thu nhập thấp, nhiều diễn viên của sân khấu phải chạy show bên ngoài ảnh hưởng không nhớ tới lịch diễn. Do đó, nhiều nghệ sĩ hy vọng hướng đi mới sẽ giúp sân khấu Hoàng Thái Thanh vượt qua những khó khăn.
Sân khấu Hoàng Thái Thanh ra đời năm 2009, do hai nghệ sĩ Ái Như - Thành Hội thành lập. Trong 13 năm hoạt động, nhiều vở diễn nổi tiếng của sân khấu kịch đã ra đời, như Nửa đời ngơ ngác, Tục lụy, Bao giờ sông cạn, Bông hồng cài áo, Vườn nho đắng, Con ma nhà họ Hứa, 29 anh về...