Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Săn hàng thùng kiểu đi cướp, đi vồ

Kiện hàng thùng vừa khui ra, hàng chục người chạy vào giành giật. Việc khách hàng tranh cướp khiến món đồ rách tươm và diễn ra phổ biến.

Ở những ki ốt hàng thùng giá rẻ tại khu vực Hàng Da, Đông Tác, Kim Liên... tại Hà Nội, cảnh giành giật đồ thường xuyên diễn ra. Người trong nghề thường gọi là đi cướp hay đi vồ. 

Tại những điểm này, hàng được bán dưới dạng đổ đống với giá chỉ bằng 1/2-1/3 so với mua theo cả kiện. Mỗi tháng, các ki ốt bán buôn thường nhập về khoảng 5-6 kiện hàng. Mỗi kiện có khoảng vài trăm chiếc nên người nào nhanh chân mới mua được sản phẩm ưng ý. ​

Trước khi khui kiện hàng 30 phút đến 1 tiếng, khách đến mua đã đứng chật kín trước cửa hàng. Ai cũng mong muốn ôm hàng để chọn được nhiều đồ độc nên tình trạng giành giật, tranh nhau diễn ra khá thường xuyên.

Có mặt trong nhóm người đi vồ hàng thùng hôm 15/11, Nguyễn Thư, chủ cửa hàng quần áo ở Kim Mã (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chị phải thường xuyên đi săn hàng thùng giá rẻ kiểu này. Mới học kinh doanh, nguồn vốn hạn chế nên thay vì bao các kiện chọn sẵn từ Trung Quốc, Campuchia, chị phải đi săn, tranh cướp để mua được hàng giá rẻ.

Để săn được những quần áo hàng thùng đẹp, độc, giá rẻ, người buôn phải canh hàng tiếng đồng hồ. Ảnh: Thu Hường.

Khi kiện hàng vừa mở, hàng chục người xúm vào giành giật. ​Có trường hợp khách cãi lộn chỉ vì một chiếc áo. Thậm chí nhiều đồ bị xé nát vì mỗi người giật một đầu, không ai chịu nhường ai. Song theo chị Thư, việc đi vồ hàng thùng là văn hóa của nghề này.

"Sau khi đống quần áo đã nằm gọn trong tay, mỗi khách mua lẻ lại chọn ra những chiếc còn mới, có giá trị. Song, thường mỗi người chỉ mua được khoảng 5-6 chiếc nếu kiện đẹp. Thậm chí, có khách giành giật được hàng chục chiếc nhưng phải về tay không vì hàng quá xấu. Những cái bị bỏ lại sẽ được chủ kiện treo lên bán tiếp với giá mềm hơn", chị cho hay. ​

Cũng theo khách hàng này, việc "đi vồ" phụ thuộc nhiều vào may mắn và kinh nghiệm. Nếu chọn được nhiều chiếc đẹp, độc, giá bán ra phải cao gấp 10-20 lần mua vào. Tuy nhiên, việc đi vồ chỉ mất thời gian, bởi khách hàng có thể mua những sản phẩm nào tùy thích.

Tranh cướp để mua hàng thùng giá rẻ Để mua được nhiều sản phẩm ưng ý, giá rẻ, những người buôn nhỏ lẻ phải chờ hàng tiếng đồng hồ trước khi khui kiện.

Có kinh nghiệm bán quần áo 5 năm nay, Ty Thế Vũ, chủ cửa hàng hàng thùng ở 165 (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, việc săn hàng thùng theo kiểu giành giật thường chỉ dành cho những người ham rẻ. Người buôn lớn, sở hữu cửa hàng to thường mua theo kiện được chọn sẵn ngay từ nước ngoài. Tuy nhiên, do giá mua cả kiện tương đối cao nên không phải ai cũng mua được theo hình thức này.

Ngoài ra, việc mua hàng thùng theo kiện như vậy còn cần kinh nghiệm cũng như các phương án cụ thể cho giải quyết hàng tồn. Các kiện hàng ở nước ngoài được đóng sẵn, tỷ lệ hàng đẹp tương đối cao song vẫn có hàng xấu. Hàng đẹp bán giá cao có thể kéo vốn và đem lãi về nhưng với hàng xấu, người kinh doanh phải có phương án giải phóng hết, không để tồn kho. Chưa kể, người bán phải có kinh nghiệm và tận tay đi chọn kiện mới có cơ hội tìm được hàng tốt.

Theo anh Vũ, trào lưu đi vồ không còn phổ biến như vài năm về trước nhưng vẫn còn sức hút hầu hết khách buôn hàng thùng. Thậm chí, có người sở hữu 2-3 cửa hàng hàng thùng lớn ở Hà Nội, nhưng thỉnh thoảng vẫn đi vồ để kiếm thêm.

"Khó khăn lớn của việc kinh doanh hàng thùng hiện nay là nguồn nhập hàng rẻ ngày càng hạn chế do người buôn lớn thường kết hợp kinh doanh trực tuyến để thanh lý hàng tồn. Vì thế, muốn mua được giá rẻ, các chủ hàng bán lẻ phải đi vồ", anh cho hay.

Chị Thanh Thủy, chủ một ki ốt hàng thùng ở Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, vồ hàng được cho là văn hóa trong kinh doanh hàng thùng. Với những kiện hàng "nước 1" (mang từ nước ngoài về chưa qua chọn lọc nhiều), lượng người sẵn sàng chờ để vồ hàng có lúc lên đến 15-20, gấp đôi bình thường.

Theo chủ ki ốt trên, hình thức bán hàng này không đem về nhiều lãi nhưng lại giúp chủ hàng giảm được lượng hàng tồn. "Thông thường, quần áo hạng trung chỉ bán được với giá 10.000-50.000 đồng một sản phẩm, những chiếc mác hàng hiệu khoảng 100.000-200.000 đồng. Với giá mua vào như vậy, khi bán ra, các chủ buôn có thể lãi gấp rưỡi, gấp đôi thậm chí hơn", chị cho biết.

Đó cũng là lý do thay vì chọn hàng một cách bình tĩnh, người đi buôn chấp nhận chờ đợi, giành giật để tranh cướp các món đồ. Cũng theo chị Thủy, việc đi cướp gần như là văn hóa của nghề này song cũng không ít lần khách tranh giật đồ xảy ra cãi lộn, quần áo bị xé rách tươm khiến chị rất khó xử.

Hàng hiệu sida bạc triệu hút khách

Hàng thùng hay còn gọi là hàng sida, hàng đã qua sử dụng, dù có giá từ vài trăm đến ba bốn triệu đồng nhưng vẫn hút khách.

 
 
 
 
 
 
 
 
 

Ngọc Lan

Bạn có thể quan tâm