Cho ý kiến tại hội trường về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án thành phần để xây sân bay Long Thành, chiều 8/6), đa số các đại biểu Quốc hội tán thành ban hành nghị quyết nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn lo lắng.
Xóa bỏ hình ảnh sân golf thông thoáng bên sân bay ách tắc
Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM) phân tích nếu chờ đến khi Quốc hội thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án sân bay Long Thành, mới thực hiện giải phóng mặt bằng, thì phải đến năm 2022 mới bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, để triển khai các hạng mục.
"Điều này sẽ khiến việc khai thác dự án sân bay Long Thành khó đảm bảo được tiến độ giai đoạn một vào năm 2025. Mặt khác, sân bay Tân Sơn Nhất dù có nâng cấp mở rộng đúng tiến độ cũng không đáp được nhu cầu vận chuyển hành khách, lúc đó áp lực lên sân bay Tân Sơn Nhất là rất lớn", đại biểu Tuấn nói và cho rằng cấp thiết tách dự án thành phần này.
Tuy nhiên, đại biểu TP.HCM cũng băn khăn về gian đoạn 2018-2019, dự án cần thêm hơn 5.200 tỷ đồng để bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng hơn 2.000 ha cho dự án sân bay Long Thành.
Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM). Ảnh: Phạm Duy |
Vị đại biểu đặt câu hỏi kế hoạch bố trí hơn 5.200 tỷ đồng này như thế nào và ông kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, các bộ ngành, tỉnh Đồng Nai lên kế hoạch chi tiết để đảm bảo sớm bố trí nguồn vốn này, thông qua Quốc hội vào kỳ họp thứ 4.
"Đồng thời tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất lên 43-45 triệu hành khách/năm, xóa bỏ hình ảnh sân golf thông thoáng bên cạnh sân bay bề bộn, ách tắc", đại biểu Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, lo lắng vấn đề triển khai các phương án sơ bộ hỗ trợ và bồi thường để ổn định cuộc sống cho người dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM. Ảnh: Phạm Duy. |
"Tôi vẫn thấy có nhiều chỗ chưa khả thi, cần phải bàn bạc. Tôi đặt ra một vấn đề, phương án này chưa được bàn bạc cụ thể với người dân, tạo sự đồng thuận, công khai minh bạch để người dân yên tâm. Trong quá trình đền bù giữa phương án và thực tiễn phát sinh rất nhiều vấn đề cần phải có thời gian và tâm huyết mới triển khai được", bà Tâm băn khoăn.
Theo Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, sự song hành trong quá trình chuẩn bị thông qua dự án Long Thành là mở rộng và nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất làm sao cho hoạt động tiết kiệm nhất, nhất là nguồn lực đất đai ở đây.
Bà cho biết hiện, người dân TP.HCM vẫn chưa yên tâm, vẫn còn rất bất bình về cái cách sử dụng đất trong khuôn viên của sân bay Tân Sơn Nhất.
Giảm biên chế sẽ có nguồn vốn làm sân bay
Tranh luận lại ý kiến các đại biểu lo lắng về nguồn vốn 23.000 tỷ đồng cho dự án thành phần này, đại biểu Phạm Minh Chính (đoàn Quảng Ninh), Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng để có tiền triển khai dự án, một mặt cần xin cơ chế đặc thù để giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành, mặt khác phải tiết kiệm chi thường xuyên trên phạm vi cả nước.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phân tích hai năm vừa qua, biên chế không giảm mà còn tăng, cùng đó, chi thường xuyên cũng tăng lên. Con số tuyệt đối năm 2016 tăng trên 50.000 tỷ đồng, năm 2017 tăng là 114.000 tỷ đồng (so với năm 2015).
Đại biểu Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Ảnh: Quochoi.vn |
Ông Phạm Minh Chính cho biết mỗi năm tiết kiệm chi thường xuyên 1% thôi đã tiết kiệm được trên 10.000 tỷ đồng. “Như vậy chỉ cần 2 năm (2017, 2018) là có trên 20.000 tỷ đồng, đủ tiền để giải phóng mặt bằng làm sân bay Long Thành. Muốn làm được việc này thì phải giảm đầu mối, giảm biên chế theo đúng tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị”, ông Phạm Minh Chính tính toán.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng cho rằng các đại biểu cứ băn khoăn 23.000 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư lấy đâu ra. Nhưng, các cơ quan quan, chính quyền chỉ cần thực hiện tốt theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, giảm biên chế, giảm đầu mối thì sẽ có nguồn vốn này theo báo cáo mà Bộ Tài chính cung cấp.
Báo cáo giải trình tiếp thu, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa khẳng định với trách nhiệm của bộ sẽ cùng tỉnh Đồng Nai hoàn thiện báo cáo bổ sung dự án tái định cư thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, về chủ trương xây sân bay Long Thành đã bàn bàn rất kỹ, xuất phát từ nhu cầu ngành hàng không, sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay đã vượt quá công suất (32,5 triệu khách/năm, trong khi công suất chỉ có 28 triệu khách.
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa khẳng định việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc để nâng thêm công suất lên 25 triệu hành khách/năm là bất khả thi.
Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa. Ảnh: Phạm Duy. |
Theo ông Trương Quang Nghĩa có nhiều lý do cho việc không nên mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía bắc là chi phí giải phóng mặt bằng lớn, ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng đến người dân…
Tư lệnh ngành giao thông cho biết phương án khả thi nhất và cũng tiết kiệm nhất cho việc giải quyết những tồn tại ở sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay là xây dựng thêm nhà ga T4 với công suất 10-15 triệu hành khách/năm (tổng công suất sân bay sẽ lên khoảng 40-43 triệu hành khách/năm).
Về nguồn vốn đang ở giai đoạn giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng GTVT cho hay nên thể huy động ODA hay tư nhân mà chỉ có thể lấy vốn ngân sách.
"Trong báo cáo nghiên cứu khả thi, chúng tôi phải có trách nhiệm ngay đối với việc nguồn thu từ khai thác quỹ đất ở sân bay Long Thành, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào dự án", ông Nghĩa nói.