South China Morning Post ngày 18/7 đưa tin việc xác minh nhân thân tại sân bay sẽ được tiến hành bởi camera bằng cách đối chiếu nhân diện hành khách với kho dữ liệu về nhân thân. Thông qua máy tính, giới chức sân bay sẽ ghép khách với hành lý, những hành lý không có người mang sẽ dễ dàng bị tìm thấy và soi chiếu để giảm thiểu nguy cơ an ninh.
Sân bay mới của Bắc Kinh có kinh phí xây dựng là 12 tỷ USD và được thiết kế để đón 100 triệu khách/năm. Sân bay tọa lạc cách trung tâm thủ đô Bắc Kinh 50 km về phía nam và sẽ giúp giảm tải áp lực cho sân bay hiện tại ở phía đông bắc thành phố. Nó cũng sẽ phục vụ cho Hùng An, thành phố vệ tinh nằm ở tỉnh láng giềng Hồ Bắc. Đô thị này được xây dựng nhằm chia sẻ dân số với Bắc Kinh vốn đã quá chật chội.
Yitu, một công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo đang chuẩn bị đấu thầu để trở thành nhà cung cấp công nghệ nhận diện khuôn mặt cho sân bay này. Đối thủ của họ, SenseTime Group, cũng lên kế hoạch giành lấy hợp đồng.
Trung Quốc là quốc gia tiên phong trong việc sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt trong cuộc sống hàng ngày. Ảnh: Reuters. |
SenseTime được cho cũng đang thử nghiệm công nghệ nhận diện khuôn mặt ở quy mô nhỏ tại sân bay hiện tại của Bắc Kinh, South China Morning Post dẫn lời một số người giấu tên thân thuộc với vấn đề. Công ty này cũng đã nâng cấp hệ thống IT cho các sân bay ở Thành Đô và Hải Khẩu cùng hơn 30 nhà ga trên khắp Trung Quốc. Họ lắp đặt hệ thống quét khuôn mặt để đối chiếu khách hàng với vé, giảm thiểu sức người đối với những công việc lặp đi lặp lại.
Yitu, công ty có trụ sở tại Thượng Hải, cũng cho biết đang chuẩn bị đấu thầu hợp đồng tại sân bay mới của Bắc Kinh nhưng không cung cấp thêm chi tiết vì các cuộc thương lượng chỉ đang ở giai đoạn sơ khởi. Công ty này đã cung cấp công nghệ nhận diện gương mặt cho sân bay hiện tại của Bắc Kinh.
Gần đây, hãng này còn bắt tay với một bệnh viện ở Thành Đô nhằm cung cấp công nghệ trí tuệ nhân tạo trong việc chẩn đoán, hỗ trợ bác sĩ trong việc xử lý các dữ liệu từ văn bản, kiểm tra di truyền, scan và kiểm tra bệnh lý.
Người phát ngôn của sân bay mới nói rằng việc đấu thầu trang thiết bị bên trong sân bay vẫn đang diễn ra và từ chối cho biết thiết bị cuối cùng được chọn.
Công nghệ nhận diện gương mặt được giới thiệu tại Triển lãm An ninh Công cộng ở Thâm Quyến năm 2017. Ảnh: Reuters. |
Trung Quốc là quốc gia tiên phong trong việc sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt trong cuộc sống hàng ngày, từ việc tìm kiếm nghi phạm đến kiểm tra ra vào tại các khu nhà cao cấp hay giao dịch cho thuê xe.
Ở Mỹ, việc sử dụng công nghệ này lại gây ra tranh cãi. Amazon đã và đang bán các phần mềm nhận diện gương mặt cho các cơ quan chấp pháp và gây ra sự phản đối từ các tổ chức quyền dân sự.