Ngày 23/11, lãnh đạo công ty Samsung Electronics công khai xin lỗi vì không thể tạo ra môi trường làm việc lành mạnh và an toàn cho các công nhân tại xưởng chế tạo chip và màn hình điện tử, dẫn đến việc nhiều người mắc bệnh, thậm chí tử vong trong những năm qua.
Ông Kinam Kim, giám đốc bộ phận giải pháp thiết bị của Samsung, cúi đầu nhận lỗi vì công ty không thể quản lý "các hiểm họa về sức khỏe" xảy đến với người lao động.
"Chúng tôi chân thành xin lỗi các công nhân, những người đã phải chịu đựng tình trạng sức khỏe kém, và gia đình của họ", AP dẫn lời ông Kim nói trong cuộc họp báo tại Seoul trước sự hiện diện của nhiều nhà hoạt động vì quyền lợi của người lao động và gia đình của các nạn nhân.
Ông Kinam Kim, giám đốc bộ phận giải pháp thiết bị của Samsung, cúi đầu nhận lỗi tại cuộc họp báo hôm 23/11. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, lãnh đạo Samsung không trực tiếp thừa nhận môi trường làm việc tệ hại đã dẫn đến tình trạng sức khỏe không đảm bảo của nhiều công nhân, dù ông có nói về những sai lầm của công ty trong việc đề ra tiêu chuẩn an toàn.
Trong nhiều năm, hàng chục công nhân Samsung đã mắc các bệnh nghiêm trọng như ung thư máu và phát triển khối u trong não.
Năm 2007, tài xế taxi Hwang Sang Gi từ chối chấp nhận cách giải quyết của tập đoàn sau khi con gái ông qua đời vì ung thư máu trong lúc làm việc tại một phân xưởng của Samsung. Ông Hwang cho rằng Samsung phải nhận trách nhiệm về những vấn đề liên quan đến điều kiện làm việc tại các nhà máy sử dụng nhiều hóa chất.
"Không một lời xin lỗi nào là đủ, xét đến việc chúng tôi đã phải chịu đựng sự dối trá và sỉ nhục từ Samsung trong hơn 11 năm qua. (Chúng tôi đã phải chịu) nỗi đau do bệnh nghề nghiệp, nỗi đau do mất người thân", ông Hwang phát biểu tại cuộc họp báo ngày 23/11. "Nhưng tôi xem lời xin lỗi hôm nay là một lời hứa từ Samsung Electronics" nhằm cải thiện môi trường làm việc, ông nói.
Ông Hwang Sang Gi (phải), người có con gái thiệt mạng vì ung thư máu sau khi làm việc tại Samsung, bắt tay ông Kinam Kim. Ảnh: AP. |
Theo chính sách của Samsung, tập đoàn sẽ bồi thường cho công nhân mắc phải một số bệnh nghề nghiệp trong quá trình làm việc tại nhà máy sản xuất chip và màn hình điện tử từ năm 1984. Trong đó, người mắc bệnh ung thư máu sẽ nhận được khoản tiền 132.000 USD.
Nữ công nhân sảy thai hoặc sinh con mắc các bệnh bẩm sinh như ung thư cũng sẽ nhận được bồi thường.
Từ năm 2008, hàng chục công nhân đã yêu cầu các gói bồi thường an toàn lao động từ chính phủ, nhưng rất ít người được phê duyệt. Một nửa số trường hợp bị từ chối, nửa còn lại vẫn đang được xem xét.
Gia đình các nạn nhân thường phải bán nhà hoặc sử dụng hết tiền tiết kiệm để chữa bệnh cho người thân. Một số nạn nhân mắc chấn thương vĩnh viễn và không thể đi làm.