Apple và Samsung phải quay trở lại tòa án để xác nhận về số tiền bồi thường mà hãng điện tử đến từ Hàn Quốc phải trả cho việc vi phạm các bằng sáng chế. Đây chỉ là một ví dụ mới nhất trong cuộc chiến tranh giành bằng sáng chế của 2 công ty ở khắp các tòa án trên toàn thế giới.
Tháng 8/2012, bồi thẩm đoàn ra kết luận Samsung đã vi phạm sáu bằng sáng chế của Apple và phải bồi thường số tiền kỷ lục về tranh chấp bản quyền. Thắng kiện và 1 tỷ USD tiền bồi thường từ đối thủ được coi là một chiến thắng lớn của Apple.
Apple và Samsung sẽ tiếp tục ra tòa trong việc phân định tiền bồi thường. |
Đến tháng 3/2013, thẩm phán Lucy Koh đã kiểm tra lại về số tiền 1 tỷ USD Samsung bồi thường cho Apple và cho biết, số tiền phạt nói trên sẽ được xem xét lại ở một phiên tòa hoàn toàn mới. Nữ thẩm phán cho biết phán quyết ban đầu tại tòa án ở California đã không tính toán chính xác số tiền thiệt hại mà Apple phải gánh chịu.
Nếu như quá trình kiểm tra kết thúc như phán quyết sơ bộ, thì rất có thể Apple sẽ chỉ nhận đúng 550 triệu USD từ Samsung. 450 triệu USD còn lại có thể tăng hoặc giảm. Số tiền bồi thường ban đầu mà Apple yêu cầu Samsung phải chi trả lên đến 2,5 tỷ USD. Kết quả là hãng này chỉ nhận được chưa tới một nửa con số mà mình đưa ra. Đó là chưa kể số tiền trên có thể sẽ tiếp tục giảm sau khi tòa án đưa ra quyết định chính thức.
Apple lập luận rằng hãng điện tử của Hàn Quốc đã sao chép thiết kế bản gốc của iPhone, iPad và các yếu tố giao diện người dùng. Còn Samsung phản biện rằng những công nghệ đó đã được thử nghiệm trên thiết bị của hãng vài tháng trước khi thế hệ đầu tiên của iPhone được ra mắt.
'Ăn cắp là không đúng'
Ngay khi vừa nhận quyết định của tòa án, Samsung cho biết đó là tin xấu đối với người tiêu dùng và sẽ "dẫn đến ít sự lựa chọn và đổi mới hơn, và giá sản phẩm có khả năng sẽ cao hơn".
Apple cho biết họ hoan nghênh tòa án về việc "tìm ra hành vi cố ý sai phạm của Samsung và thông qua đó gửi một thông điệp lớn rằng ăn cắp là không đúng". Sau phiên tòa mới nhất này, cả hai công ty đều có thể kháng cáo.
"Tôi nghĩ rằng họ sẽ kháng cáo, trừ khi vấn đề đã được giải quyết. Nhưng hiện tại chưa có bên nào đủ “lực” để buộc phải giải quyết vấn đề nếu họ không muốn”. Nhà tư vấn sở hữu trí tuệ Florian Mueller trao đổi với đài BBC.
Trận chiến giữa Apple và Samsung đã leo thang như cách Samsung từng bước giành lấy thị phần của Apple. Apple đã yêu cầu một lệnh cấm bán đối với các sản phẩm của Samsung nằm trong danh sách vi phạm bằng sáng chế. Nhưng quan tòa phán quyết rằng Apple vẫn có thể được bồi thường thỏa đáng về tài chính.
"Việc bồi thường thiệt hại 1 tỷ USD không nguy hiểm bằng một lệnh cấm bán hàng", ông Mueller cho biết. Samsung và Apple hiện đang bị “cấm cửa” trong việc kiện tụng tại hơn 10 quốc gia trên khắp châu Âu.
Các sáng chế công nghệ là nguyên nhân chính kiện tụng giữa hai gã khổng lồ này. |
Chia sẻ công nghệ tốt
Nhiều chuyên gia công nghệ cao cấp tin rằng những cuộc xung đột pháp lý giữa các hãng công nghệ luôn ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng.
Trong một cuộc phỏng vấn, đồng sáng lập Apple Steve Wozniak đã chia sẻ với đài BBC: “Có rất nhiều tính năng trên sản phẩm của Samsung mà tôi rất muốn nhìn thấy nó trên màn hình iPhone. Nếu như Samsung đồng ý, tôi muốn Apple cũng có thể đưa những tính năng đó vào sản phẩm của mình. Các công ty chỉ cần đồng ý cấp phép chéo và chia sẻ các công nghệ cho nhau, thì tất cả các sản phẩm của chúng sẽ ngày càng tốt hơn. Chúng ta sẽ có bước tiến xa hơn.”
Hồi tháng 10 vừa qua, Samsung đã trình lên một bản dự thảo nhằm giải quyết các vấn đề kiện tụng liên quan đến bằng sáng chế cơ bản (gọi tắt là SEP). Theo đó, hãng này sẽ ngừng sử dụng SEP để kiện tụng các đối thủ trên các tòa án châu Âu trong vòng 5 năm tới.
Các cơ quan chức Liên minh châu Âu đã có những đánh giá sơ bộ và cho rằng chính hành động kiện tụng của hãng điện tử Hàn Quốc đã bóp nghẹt cạnh tranh. Samsung có nguy cơ phải đối mặt với án phạt lên đến 18,3 tỷ USD nếu bị kết tội vi phạm luật chống độc quyền tại châu Âu.