Những thay đổi tích cực về tư duy, kiến thức thông qua công việc là một hành trình gian nan nhưng rất đáng để đi qua.
6h30, Nguyễn Hoàng An thức giấc. Cô nhanh chóng đánh răng, rửa mặt và ăn sáng. 7h, cô khoác lên mình chiếc áo đồng phục màu xanh trắng để chuẩn bị đi làm.
7h30 sáng, “thị trấn” công nghệ cao bắt đầu sôi động. Trên một quần thể rộng 1 km2, những con người với đồng phục xanh trắng rợp khắp các nẻo đường để bắt đầu một ngày mới. Cũng giống như An, họ là những nhân viên làm việc cho Samsung.
Học hết bậc trung học phổ thông, vì điều kiện gia đình không cho phép, An không theo học lên bậc đại học mà nộp đơn xin vào nhà máy của Samsung. Tại đây, An được nhận vào bộ phận lắp ráp kỹ thuật. Trước khi vào làm chính thức, cô phải trải qua khóa huấn luyện kéo dài 6 ngày 4 đêm chỉ để hiểu rõ tính chất của công việc và tinh thần của Samsung.
Những nhân viên mới được nhận vào nhà máy đều phải trải qua những khoá huấn luyện đặc biệt của Samsung |
Công việc của những ngày đầu rất vất vả. Để thích nghi với hệ thống máy móc công nghệ cao và chuyên nghiệp hàng đầu thế giới không phải là chuyện một sớm một chiều. Mỗi ngày làm việc của cô kéo dài 8 tiếng. Thu nhập của An vào khoảng 5 - 6,5 triệu đồng/tháng.
“Mọi người đều làm việc nghiêm túc và chăm chú, nếu ví như một cỗ máy cũng không có gì quá đáng”, An chia sẻ. Không ai được mắc sai sót, vì chỉ một khâu trong dây chuyền phát sinh lỗi, toàn bộ sản phẩm sẽ phải kiểm tra và làm lại từ đầu. Yêu cầu chính xác tới từng ly của nhà máy khiến một người mới như An không khỏi cảm thấy khó khăn, từ việc tuân thủ lịch làm việc chặt chẽ, cách thích nghi với cường độ công việc và chấp hành các quy định gắt gao về an toàn lao động. Thời gian đầu, cứ mỗi khi rời khỏi nhà máy, An cảm thấy không còn sức làm bất cứ việc gì khác vì cô chưa bao giờ làm quen với việc phải tập trung cao độ trong suốt 8 tiếng làm việc.
“Mọi thứ đều có nguyên tắc rõ ràng. Thậm chí khi di chuyển, bạn cũng phải đi theo đúng vạch đường. Cuộc sống trong khuôn viên nhà máy giống như trong một thành phố thu nhỏ với sự quản lý chặt chẽ nhằm đảm bảo mọi thứ được vận hành đúng và không xảy ra bất kỳ rủi ro nào”, cô chia sẻ.
Ngôi trường thứ hai đã mở ra một cơ hội mới cho những công nhân như An, Hải. |
Không chỉ riêng An, đó là quãng thời gian mà hầu hết công nhân mới tại nhà máy phải trải qua trong thời gian đầu làm việc tại nhà máy. Làm việc ở Samsung được gần 4 năm, Nguyễn Văn Hải có nhiều kinh nghiệm hơn so với An chia sẻ: “Ở đâu thì công việc cũng áp lực như nhau, Samsung cũng không ngoại lệ. Nhưng một khi đã quen thì mọi chuyện sẽ tốt hơn nhiều. Tôi hay nói đùa với anh em mới vào là đừng có nản mà nghỉ vội, rằng một khi đã qua được vài tháng đầu, thì công ty có đuổi mình cũng không muốn nghỉ”.
Cường độ làm việc khá cao, thời gian nghỉ ngơi không nhiều nhưng Hải đã kiên trì gắn bó với Samsung một thời gian khá dài. “Nếu bỏ việc về quê làm ruộng thì tôi chỉ có thể kiếm được 2 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này quá ít ỏi để sống mà nuôi vợ con. Ở đâu ngoài nơi này có thể cho tôi được đời sống tương đối ổn như hiện tại?”, anh chia sẻ.
Thu nhập không phải là lý do duy nhất khiến Hải gắn bó với Samsung. “Tôi có thể nghỉ 4 ngày chủ nhật và 2 ngày thứ 7, lại có xe đưa đón nên dù không ở gần công ty, nhưng chuyện đi lại cũng trở nên dễ dàng. Thêm nữa, làm ở các công ty nước ngoài, cái được nhất là họ chú trọng sự an toàn cho nhân viên, những lợi ích cơ bản dành cho người lao động như Samsung đã và đang làm rất tốt từ những ngày đầu thành lập”.
Ước tính, hiện có gần 110.000 công nhân đang làm việc cho nhà máy Samsung Việt Nam. Sự có mặt của Samsung cũng như nhiều hãng điện tử khác không chỉ giải quyết vấn đề việc làm rất lớn cho các địa phương mà còn tạo nên một làn sóng công nghệ cao, giúp đào tạo một đội ngũ lao động lành nghề mà các trường dạy nghề tại các thành phố lớn cũng khó có thể đáp ứng được.
Theo ông Nguyễn Văn Đạo - Phó tổng giám đốc Samsung Vina, giáo dục tại bậc phổ thông và đại học tại Việt Nam chưa phù hợp khi làm việc thực tiễn tại các nhà máy công nghệ cao của Samsung, thậm chí kể cả nhân lực được tuyển chọn từ các trường dạy nghề để làm công nhân lắp ráp. Để người lao động dễ dàng thích nghi với yêu cầu công việc, công ty chủ động mở ra những chương trình đào tạo nghề cho công nhân cho tới các kỹ năng cao cấp về phần mềm và lập trình.
“Bốn năm nhìn lại, tôi không nhớ hết những khóa học ngắn hạn mà anh em nhóm tôi đã tham gia. Chương trình đào tạo ở nhà máy thường được thiết kế tinh giản và trực quan, học xong là áp dụng được ngay. Điều đó giúp ích rất nhiều cho những anh em không giỏi học lý thuyết. Cái này gọi là học từ thực tế công việc mà ai cũng thấy nó có ích cho mình", anh Hải chia sẻ.
Những nỗ lực của Samsung mang về kết quả khả quan. Số lượng nhân viên tay nghề cao đã tăng, chỉ sau hơn 2 năm đào tạo liên tục, các nhà quản lý đã giảm nhẹ phần nào bài toán đau đầu vì thiếu hụt nhân lực trình độ cao.
Trong khi đó, với An và Hải, một lý do lớn khiến họ gắn bó với nhà máy Samsung vì đây lại là cơ hội tuyệt vời cho họ tiếp tục theo đuổi việc học cao hơn. Cánh cửa đại học trở nên rộng mở với họ sau giờ đi làm.
“Cơ hội mở ra cho tất cả mọi người và những ai nỗ lực đều có thể nắm lấy. Mục tiêu của chúng tôi là đào tạo các nhân viên không chỉ biết lắp ráp, mà còn có tư duy của một nhà quản lý sản xuất”, một quản lý cấp cao của Samsung đã từng chia sẻ.
Hiện nay, cứ 3 chiếc điện thoại của Samsung trên thế giới thì có một chiếc được sản xuất tại Việt Nam, do chính những nhân viên như An và Hải làm ra. Không chỉ tự hào khi góp tên mình trên sản phẩm tên tuổi như thế, chỉ sau một vài năm làm việc tại nhà máy công nghệ hàng đầu này, An, Hải đều cảm nhận sâu sắc những thay đổi trong tư duy, quan điểm và đời sống của chính bản thân cũng như những người xung quanh. Với họ, nhà máy Samsung cũng như một hệ giáo dục thứ hai mà họ đang được học trong đời, rất nghiêm túc và hiệu quả.