Samsung vừa chính thức công bố báo cáo tài chính quý I. Theo đó, lợi nhuận hoạt động của gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đã sụt giảm mạnh vì giá chip nhớ liên tục lao dốc.
Cụ thể, doanh thu quý I của Samsung đạt 63.750 tỷ won (tương đương 47,6 tỷ USD), sát với ước tính sơ bộ của tập đoàn là 63.000 tỷ won, nhưng thấp hơn dự đoán 63.900 tỷ won của các nhà phân tích được Refinitiv khảo sát.
Samsung lãi hoạt động 640 tỷ won (tương đương 478,55 triệu USD), giảm mạnh từ mức 14.120 tỷ won của một năm trước đó. Đây cũng là con số thấp nhất của tập đoàn này kể từ quý I/2009.
Lợi nhuận hoạt động của Samsung giảm 95% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Reuters. |
Nỗ lực "cứu" lợi nhuận
Hồi đầu tháng này, Samsung cho biết sẽ cắt giảm "đáng kể" sản lượng chip. Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đang lao đao vì nhu cầu chip toàn cầu sụt giảm, dẫn tới giá lao dốc nghiêm trọng.
Động thái bất thường của nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới được đưa ra ngay sau khi hãng báo cáo kết quả sơ bộ quý I, cho thấy lợi nhuận hoạt động giảm mạnh từ 14.120 tỷ won xuống 600 tỷ won.
"Samsung Electronics đã công bố con số đáng thất vọng trong quý đầu năm, nhưng họ cũng tuyên bố cắt giảm sản lượng trong bối cảnh thị trường chip nhớ suy yếu nghiêm trọng", ông SK Kim tại Daiwa Securities Capital Markets nói với CNBC.
"Báo cáo tài chính được SK Hynix ngày hôm qua cũng gây thất vọng. Nhưng tập đoàn đã đưa ra các biện pháp để phục hồi. Sự phục hồi sẽ chủ yếu dựa vào việc cắt giảm sản xuất và bổ sung nhu cầu", ông nói thêm.
Do đó, dù lợi nhuận của các hãng sản xuất chip giảm mạnh, giới đầu tư vẫn lạc quan về cổ phiếu.
Khó phục hồi nhanh
Samsung là công ty sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới. Sản phẩm này được sử dụng trong mọi thứ, từ máy tính đến máy chủ trong trung tâm dữ liệu.
Trong thời kỳ đại dịch, nhu cầu về đồ điện tử đã tăng cao do mọi người bị mắc kẹt ở nhà. Các công ty mua chip ồ ạt để dùng cho những sản phẩm của mình.
Nhưng lạm phát và những lo ngại về tình hình kinh tế vĩ mô khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu. Tồn kho chip nhớ do đó cũng tăng cao.
Chẳng hạn, dữ liệu của IDC chỉ ra các lô hàng máy tính đã sụt giảm 29% trong quý I so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu sụt giảm và tình trạng tồn kho cao khiến giá chip nhớ lao dốc trong vài tháng qua.
Thị trường chip nhớ đang rơi vào thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ
Hãng nghiên cứu CrispIdea
"Thị trường chip nhớ đang rơi vào thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ", hãng CrispIdea nhận định. Theo đó, dù ngành công nghiệp xe điện phát triển, thị trường điện tử tiêu dùng và máy chủ truyền thống vẫn lao dốc nghiêm trọng.
Ngay cả Samsung cũng bi quan về đà phục hồi. Nguyên nhân là các trung tâm dữ liệu quy mô lớn đã thận trọng hơn đối với hoạt động đầu tư. Trong khi đó, khách hàng của họ vẫn đang tìm cách xử lý hàng tồn kho. Tập đoàn tin rằng nhu cầu sẽ phục hồi từ từ trong nửa cuối năm.
Các nhà phân tích tại NH Investment and Securities cũng cho rằng lợi nhuận của Samsung sẽ phục hồi trong quý III. Theo đó, việc cắt giảm sản lượng "sẽ tác động tích cực đến cung - cầu chip nhớ".
Samsung dự kiến ra mắt điện thoại thông minh mới, giảm giá máy tính và mở rộng cài đặt CPU mới nhằm thúc đẩy nhu cầu chip nhớ.
Tại Mỹ, nhu cầu đối với các công ty công nghệ đã phục hồi. Microsoft vừa công bố doanh thu và lợi nhuận quý III (năm tài chính 2023) vượt kỳ vọng. Trong khi đó, sự trở lại của doanh nghiệp Trung Quốc cũng thúc đẩy doanh thu từ quảng cáo cho Meta - công ty mẹ Facebook.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.