Ít người biết rằng BOE, một trong những nhà sản xuất màn hình lớn nhất thế giới, từng suýt phá sản và có lúc chuyển hướng làm trái ngành.
Gần 25 năm trước, Beijing Electron đứng trên bờ vực phá sản khi không thể theo kịp những công nghệ hiện đại của nước ngoài. Giờ đây, với nguồn vốn mạnh mẽ từ chính phủ, BOE Technology Group đã là đối tác của Apple và đang đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp màn hình lớn nhất thế giới.
Đây là một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục của Wang Dongsheng, người từ vị trí kế toán trưởng lên nắm quyền giám đốc khi công ty sản xuất linh kiện điện tử này sắp phá sản. Đã có lúc ông phải kêu gọi mọi nhân viên quyên góp tiền, rồi xoay qua làm nước súc miệng để đủ kinh phí duy trì công ty.
Mọi chuyện thay đổi khi cuối cùng ông Wang nhận được khoản tiền từ Bắc Kinh và chuyển sang định hướng sản xuất màn hình. Giờ đây, BOE là một trong những công ty đi đầu về các công nghệ màn hình mới như màn hình cong, loại màn hình được sử dụng trên các điện thoại màn gập như Huawei Mate X.
BOE giờ đây là một biểu tượng cho tham vọng công nghệ của Trung Quốc. Mặc dù đã từng có lúc cận kề phá sản không chỉ 1 mà 2 lần, công ty này hiện sở hữu một nhà máy có trị giá 7 tỷ USD tại Thành Đô với diện tích bằng 16 sân bóng đá. Đây là nơi BOE sản xuất những màn hình OLED trị giá cao để cung cấp cho Huawei và tương lai là cả Apple.
Đến cuối năm nay, BOE sẽ trở thành nhà cung cấp màn hình OLED lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Samsung, với sản lượng 64.000 tấm nền mỗi tháng, theo phó chủ tịch phụ trách marketing Zhang Yu. Lượng tấm nền đó tương đương 6 triệu màn hình nhỏ, được trang bị cho không chỉ điện thoại mà còn cả các thiết bị đeo, màn hình xe hơi và đồ gia dụng.
Một khi ký kết hợp tác với Apple và trang bị màn hình OLED cho iPhone, BOE sẽ có chỗ đứng vững chắc trong thị trường màn hình di động trị giá 39 tỷ USD.
“Màn hình gập là một sản phẩm cách mạng trong tương lai. Chúng tôi đã có những kế hoạch hoàn chỉnh cho sản phẩm màn OLED. Màn hình điện thoại chỉ là một phần trong kế hoạch đó”, ông Zhang chia sẻ.
Bên trong nhà máy ở Thành Đô, những cánh tay robot liên tục thao tác với những tấm kính có kích thước tương đương quả bóng rổ. Một lớp phim với độ dày chỉ 0,03 mm được phủ lên hợp chất kính, sau đó tới những linh kiện điện tử. Cuối cùng, đèn laser công suất cao sẽ cắt tấm màn hình hoàn chỉnh ra. Tất cả đều được thực hiện hoàn toàn tự động với độ chính xác rất cao nhưng chỉ mất vài giây.
Sau khi đạt được thành tựu trong lĩnh vực màn hình LCD, BOE giờ đã chuyển hướng sang màn hình OLED. Màn hình OLED cũng rất linh hoạt khi có thể uốn cong, vặn xoắn mà không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng hiển thị. Công nghệ OLED đã được Apple sử dụng trên dòng iPhone cao cấp nhất, và chính màn hình của BOE đang được Huawei sử dụng trên chiếc Mate X màn gập.
Thách thức lớn nhất của OLED là chi phí sản xuất. Giá của màn hình OLED cao gấp 5 lần màn LCD. Dù vậy, BOE tin rằng màn hình gập sẽ sớm trở thành xu hướng, giúp tăng sản lượng và giảm chi phí.
Nhà máy Thành Đô, đi vào hoạt động năm 2017, là nhà máy OLED đầu tiên của BOE với công suất 32.000 tấm nền mỗi tháng. Một nhà máy khác tại Miên Dương, Tứ Xuyên cũng đang được xây dựng với công suất tương đương.
Dù vậy, tham vọng của BOE lớn gấp đôi. Họ sẽ tiếp tục xây dựng những nhà máy khác ở Trùng Khánh và Phúc Châu để đạt mục tiêu sản xuất vào năm 2020. Những dự án này sẽ tiêu tốn tới 14 tỷ USD.
Ngoài ra, BOE cũng đang nhắm tới màn hình OLED cỡ lớn cho các sản phẩm như TV. Kế hoạch này khiến cho họ trở thành đối thủ trực tiếp của LG, hãng sản xuất tấm nền OLED cho TV lớn nhất hiện nay.
Những dự án tham vọng này cho thấy vị thế của Trung Quốc trong ngành công nghiệp màn hình. BOE và một công ty khác là Tianma Microelectronics hiện chiếm khoảng 1/4 thị phần màn hình OLED dẻo, nhưng tham vọng của họ là bắt kịp những đối thủ đến từ Hàn Quốc vào năm 2020.
“Mọi người sẽ nhận ra rằng BOE giờ đây có thể ảnh hưởng tới toàn bộ thị trường hiển thị. Khi mà các công ty Trung Quốc thách thức sự thống trị của các hãng Hàn Quốc trong lĩnh vực OLED, những hãng điện thoại Trung Quốc sẽ rất vui khi có thể sử dụng một sản phẩm nội địa”, ông Boyce Fan, giám đốc nghiên cứu tại TrendForce nhận định.
Trong thập niên 1960, Beijing Electron là công ty sản xuất linh kiện điện tử lớn nhất Trung Quốc, với sản phẩm nổi bật là bóng đèn điện tử chân không sử dụng công nghệ từ Liên Xô. Tuy nhiên sau khi Trung Quốc cải cách kinh tế trong thập niên 1980, công ty này đã gặp rất nhiều khó khăn khi không thể cạnh tranh với các công nghệ hiện đại của nước ngoài, đặc biệt là công nghệ bán dẫn.
Vào năm 1988, có tới 90% nhân viên được nhận vào làm phải nghỉ vì mức lương quá thấp. Những kỹ sư bám trụ nhận được lương thấp hơn cả lao công tại khách sạn gần đó, và công ty thiếu nhân sự nghiêm trọng khi lao động trẻ, có tay nghề ra đi.
Ông Wang, lúc đó là kế toán trưởng, có cơ hội tìm kiếm công việc ở nơi khác nhưng rồi quyết định nhận vị trí giám đốc. Năm 1992, với quyết tâm trả xong nợ cho công ty, ông đã kêu gọi 2.600 nhân viên quyên góp tiền. Tổng số tiền thu được chỉ khoảng 6,5 triệu tệ, nhưng với nhiều người số tiền quyên góp tương đương tới 5 năm thu nhập.
Dù vậy, số tiền đó cũng chỉ đủ trả lãi vay. Công ty không thể tìm ra được một ngành sản xuất mới khi mà nhu cầu linh kiện điện tử như bóng đèn không còn.
“Chúng tôi thử nghiệm đủ các loại ngành nghề đến nỗi không nhớ hết được”, ông Zhang, người bắt đầu với vị trí kỹ sư hóa học kể lại. Công ty này có lúc còn sản xuất nước súc miệng và tham gia thị trường tuyển dụng nhưng đều không thành công.
Bước ngoặt tới vào năm 1993, khi công ty đổi tên thành Tập đoàn điện tử Đông Phương với định hướng sản xuất TV màu. Công ty này liên doanh với rất nhiều công ty Nhật Bản để sản xuất TV dùng công nghệ CRT, và bắt đầu có lãi.
Ông Wang cũng cử rất nhiều kỹ sư đi học tập tại Nhật Bản và các trường đại học Trung Quốc để nghiên cứu những công nghệ mới vào lúc đó như TFT LCD. Điều đó giúp họ bắt kịp những xu hướng như màn hình phẳng đầu những năm 2000 mà không cần phải liên doanh với các công ty Hàn Quốc, Nhật Bản.
Những cải cách về chuyển đổi sở hữu tư nhân, rồi trở thành công ty đại chúng năm 1997 cũng giúp công ty đảm bảo nguồn vốn để hoạt động. Tới năm 2001, công ty chính thức đổi tên thành Beijing Oriental Electronics (BOE), mở đầu cho một giai đoạn thành công ngắn ngủi.
Đến cuối thập niên 2000, sau nhiều năm gặp khó khăn về tài chính do các khoản đầu tư để xây dựng dây chuyền mới, công ty này tiếp tục đứng trước một sự lựa chọn quan trọng: theo đuổi công nghệ hiển thị nào. Sau cùng, họ quyết định chọn màn OLED dẻo.
“Đấy là một sự lựa chọn rất mạo hiểm, và mọi người đều đứng trước áp lực cực kỳ lớn”, ông Zhang kể lại. Nếu trong vòng 3 năm BOE không thể thương mại hóa màn hình OLED thì công ty sẽ sụp đổ với chi phí hoạt động và nợ quá lớn.
Họ bắt đầu sản xuất thử nghiệm vào năm 2011, và cho ra mắt những sản phẩm mẫu đầu tiên năm 2013. Sau nhiều năm nghiên cứu và cải thiện công nghệ, giờ đây BOE đã có vị thế vững chắc trong ngành công nghiệp hiển thị.
Mặc dù được đánh giá rất cao trong thành công của BOE, ông Wang rất ít khi xuất hiện trên truyền thông. Trong những cuốn sách viết về BOE, thông tin về ông Wang cũng khá ít. Người ta chỉ biết rằng ông trở thành giám đốc của BOE năm 35 tuổi, và trong nhiều năm luôn đề cao giá trị của đổi mới công nghệ.
“Việc tôn trọng công nghệ và liên tục đổi mới là những giá trị cốt lõi của BOE”, ông Wang nói trong một bài phát biểu.
Dù vậy, không thể phủ nhận những sự trợ giúp mà BOE nhận được từ chính phủ và các địa phương tại Trung Quốc. Gần đây, công ty này đạt được thỏa thuận nhận nguồn vốn hơn 20 tỷ tệ để xây dựng thêm một nhà máy tại thành phố Phúc Châu. Nhiều chính sách khác giúp cho họ có lợi thế để nhận đất, khai thác năng lượng và thuế.
Trước đó, trong chi phí xây dựng nhà máy tại Trùng Khánh dự kiến lên tới 46,5 tỷ tệ, BOE chỉ cần trả trước 10 tỷ tệ, còn thành phố đầu tư 16 tỷ tệ. Với nhà máy ở Vũ Hán tổng mức đầu tư 46 tỷ tệ, BOE cũng chỉ trả trước 6 tỷ, còn thành phố bỏ ra tới 20 tỷ tệ.
Nhờ những ưu đãi như vậy, BOE vẫn có thể hoạt động dù khoản nợ của công ty đã tăng 4 lần, lên tới 118 tỷ tệ kể từ khi họ bắt đầu sản xuất màn hình OLED vào năm 2014. Chính sách ưu đãi kiểu này là một trong những lý do khiến tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp dụng những biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc.
Tuy BOE không gặp nhiều sự phản đối như Huawei bởi họ vẫn là một công ty đại chúng, họ vẫn vấp phải thái độ thiếu thiện cảm từ nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc.
Năm 2003, BOE đã mua lại một công ty Hàn Quốc là Hydis, nhờ đó lấy được công nghệ sản xuất màn hình LCD của công ty này. Khi đó, nhiều người cho rằng BOE chỉ mua Hydis để lấy công nghệ, sau đó để mặc số phận của công ty này. Năm 2008, BOE bán lại Hydis cho một công ty Đài Loan, và Hydis chính thức bị đóng cửa năm 2015.
Khi nói về thương vụ mua lại Hydis, ông Wang Dongsheng không ngần ngại thừa nhận rằng mình cần nhất là công nghệ màn hình LCD của họ.
"Mục đích của thương vụ này là công nghệ lõi. Công nghệ hiển thị tinh thể màn hình phẳng trước đây nằm trong tay của các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản. Mua lại là cách duy nhất chúng tôi có thể sở hữu công nghệ", SCMP dẫn lời ông Wang năm 2003.
Trong bài viết về thương vụ này, tờ Business Korea nhận định đây là một trường hợp tiêu biểu cho việc "chảy máu công nghệ" của Hàn Quốc.
"Ngày càng có nhiều chỉ trích hướng tới các công ty chỉ nhắm tới lấy công nghệ của đơn vị họ mua về mà không hề đầu tư ngược lại", tác giả trên Business Korea nhận định.
Tháng 11/2018, văn phòng công tố quận Suwon cáo buộc 11 nghi phạm, trong đó có nhiều lãnh đạo của công ty Toptec về việc bán bất hợp pháp những công nghệ liên quan đến màn hình OLED cong của Samsung cho 4 công ty.
Các nguồn tin cho rằng BOE là 1 trong 4 công ty này. Trong danh sách còn có một công ty khác đến từ Trung Quốc là China Star Optoelectronics Technology.
"Chúng tôi bị sốc trước thông tin này, khi biết được rằng các đối thủ đang tìm cách bám đuổi công nghệ của chúng tôi", đại diện của Samsung Display nói về vụ việc. Samsung cho rằng vụ việc này khiến họ bị thiệt hại 5,8 tỷ USD doanh thu. Phiên tòa xét xử vẫn chưa diễn ra.
Không chỉ Hàn Quốc, những công ty Nhật Bản cũng bắt đầu cảm thấy sức nóng từ sự cạnh tranh của BOE. Japan Display, một trong những nhà cung cấp màn hình LCD cho iPhone đang gặp khó khăn và muốn tìm kiếm nhà đầu tư để bán lại. Chủ sở hữu của họ trong tương lai có thể là một quỹ đầu tư Trung Quốc.
"Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Chính phủ có thể cho rằng công nghệ hiển thị không phải là công nghệ quan trọng đến mức Nhật Bản cần phải bảo vệ, trong khi các hãng Trung Quốc thì ngày càng mở rộng", một nguồn tin nội bộ của Japan Display thừa nhận.
Một trong những lo ngại đối với BOE là những dự án quá lớn, được triển khai liên tiếp có thể dẫn tới dư thừa nguồn cung cho thị trường màn hình OLED. Đây là một rủi ro cho một công ty có doanh thu năm 2018 khoảng 14,3 tỷ USD, và tổng giá trị 20 tỷ USD.
“Samsung đang dẫn đầu thị trường màn hình OLED tầm trung và cỡ nhỏ. Thị trường này hiện đã gặp tình trạng cung vượt cầu. Nhu cầu màn hình không thực sự lớn bởi mức giá vẫn cao”, Jerry Kang, nhà phân tích tại IHS Markit cho biết.
BOE đã vượt qua LG, trở thành nhà sản xuất màn hình LCD lớn nhất thế giới vào năm 2018. Mục tiêu tiếp theo của họ là OLED, nơi mà Samsung vẫn đang chiếm lợi thế khi là nhà cung cấp duy nhất cho iPhone.
“Sự thành công của chúng tôi có thể giống như một điều kỳ diệu đối với các đối thủ nước ngoài. Nhưng với chúng tôi, đó là một thập kỷ chuẩn bị”, ông Zhang cho biết.