Theo Reuters, ban lãnh đạo tại Samsung Electronics đang rất chờ đợi quyết định ân xá cho ông Lee Jae-yong, Phó chủ tịch tập đoàn này. Người được mệnh danh "Thái tử Samsung" đã chịu bản án 2,5 năm vì hối lộ từ năm 2017. Ông được tại ngoại sau một năm để tiếp tục xét xử. Đến tháng 1, ông Lee tiếp tục trở lại ngồi tù, sau khi quyết định không kháng cáo.
Việc ông Lee ra tù sẽ giúp Samsung tiếp tục xử lý các dự án đầu tư, mua bán và sáp nhập lớn, vốn cần quyết định cuối cùng của vị phó chủ tịch. Một trong những quyết định quan trọng nhất là về vị trí đặt nhà máy sản xuất chip tại Mỹ, có trị giá 17 tỷ USD.
"Thái tử Samsung" xuất hiện tại một phiên tòa. Ảnh: Reuters. |
Kinam Kim, CEO luân phiên đứng đầu mảng chip và linh kiện tại Samsung, đã gửi thông điệp trực tiếp tới Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào tháng 6, cho rằng sự trở lại của ông Lee là rất quan trọng.
"Ngành bán dẫn cần các quyết định đầu tư lớn, và các quyết định chỉ có thể được đưa ra nhanh chóng khi người đứng đầu tập đoàn có mặt", văn phòng Tổng thống Hàn Quốc dẫn lời của ông Kim cho biết.
Bản án ban đầu của ông Lee kéo dài 5 năm, và ông ngồi tù từ tháng 8/2017. Bản án sau đó bị đình chỉ, hạn tù được rút ngắn xuống còn 30 tháng. Tổng thời gian ngồi tù của ông cho đến nay là 18 tháng, đủ điều kiện để có thể ân xá.
Vào tháng 7, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã nới lỏng quy định về điều kiện được ân xá cho những người lần đầu tiên phạm tội có hành vi tốt như ông Lee xuống 60% thời hạn bản án. Theo Reuters, thời hạn trung bình để tội phạm Hàn Quốc được ân xá là 80% bản án.
Quyết định ân xá sẽ được đưa ra vào ngày 9/8. Nếu được chấp nhận, ông có thể được thả tự do vào ngày 15/8, là Quốc khánh của Hàn Quốc.
Nếu được ân xá, ông Lee sẽ cần Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc chấp thuận trở lại làm việc, bởi luật pháp nước này cấm người bị kết án làm việc trong một số lĩnh vực nhất định trong vòng 5 năm sau khi thi hành án. Các chuyên gia pháp lý nói rằng khả năng ông được làm việc trở lại là khá cao, bởi số tiền tham ô đã được hoàn trả đầy đủ.
Ông Lee xuất hiện tại tòa vào tháng 1/2021 sau khi quyết định không kháng cáo. Ảnh: EPA. |
Theo Bloomberg, các khảo sát cho thấy cứ 10 người Hàn Quốc có tới 7 người ủng hộ ân xá "Thái tử Samsung" trong thời điểm đất nước này vật lộn với dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng của ngành bán dẫn.
Bộ Tư pháp Hàn Quốc và Samsung đều từ chối bình luận về thông tin của Reuters.
Hoạt động kinh doanh của Samsung hầu như không bị ảnh hưởng bởi việc ông Lee ngồi tù. Lợi nhuận hoạt động trong quý gần nhất tăng 54%. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cơ cấu tổ chức của Samsung khiến khó có ai ngoài ông Lee được quyền đưa ra quyết định lớn liên quan đến các lĩnh vực chính gồm di động, điện tử tiêu dùng và bán dẫn.
"Các CEO ở Hàn Quốc giống giám đốc vận hành hơn. Họ quan tâm đến lợi nhuận ngắn hạn, trong khi chủ sở hữu đảm nhận duy trì khả năng cạnh tranh dài hạn vì nhiệm kỳ của họ là trọn đời", Jaeyong Song, giáo sư tại Đại học Quốc gia Seoul nhận định.