gòmTheo Nikkei Asian Review, hồi tháng 11/2020, hai cựu nhân viên Samsung phải ra hầu tòa ở Suwon vì tội tuồn bí mật công nghệ màn hình OLED cho Trung Quốc. Các công tố viên Suwon cho biết hai người này cấu kết với một nhà sản xuất thiết bị để phát triển máy chế tạo màn hình rồi bán cho một công ty Trung Quốc.
Một trong hai bị cáo là cựu chuyên viên nghiên cứu của hãng Samsung Display. Người thứ ba hầu tòa là giám đốc nhà sản xuất thiết bị trên. “Thiệt hại tài chính sẽ lớn đến mức nào nếu các thông tin này rơi vào tay Trung Quốc?”, một công tố viên đặt câu hỏi trong phiên tòa ở Suwon.
Giới phân tích cho rằng các vấn đề được đưa ra ở tòa án Suwon là cực kỳ quan trọng đối với tương lai của tập đoàn công nghệ Hàn Quốc. Với định giá gần 490 tỷ USD, Samsung Electronics đạt doanh số 213,87 tỷ USD và lợi nhuận 32,5 tỷ USD trong năm 2020. Samsung Electronics chiếm thị phần lớn nhất thế giới tại các thị trường smartphone, tivi và chip nhớ.
Bên trong một phòng thí nghiệm của Samsung. Ảnh: AFP. |
"Con mồi" của các công ty Trung Quốc
Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi công nghệ của Samsung trở thành “con mồi” đối với các công ty công nghệ Trung Quốc. Bảo vệ bí mật kinh doanh của Samsung là vấn đề mang tầm quốc gia đối với Hàn Quốc.
Vụ bắt giữ hai nhân viên Samsung là kết quả của một cuộc điều tra bí mật do Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) thực hiện. Chính phủ Hàn Quốc xác định công nghệ OLED là “công nghệ quốc gia cốt lõi”. NIS có một bộ phận chịu trách nhiệm bảo vệ công nghệ này. Nếu bị kết tội, ba bị cáo trên sẽ lĩnh án tù ít nhất 3 năm.
Trong 5 năm tính đến năm 2019, có tới 123 vụ đánh cắp bí mật công nghệ nhắm vào các công ty Hàn Quốc xảy ra. Báo cáo của NIS cho biết 83 vụ rò rỉ bí mật công nghệ do Trung Quốc thực hiện, phần lớn trong những lĩnh vực mà Hàn Quốc rất mạnh như bán dẫn, màn hình và đóng tàu.
Tất nhiên Samsung không thể ngồi yên để Trung Quốc đánh cắp bí mật công nghệ. Công ty này áp dụng nhiều biện pháp nghiêm ngặt, ví dụ như vô hiệu hóa chức năng chụp hình và ghi âm trên điện thoại của nhân viên ở các phòng thí nghiệm và nhà máy. Tại một phòng thí nghiệm, chuông báo động sẽ reo vang nếu giấy in bị đưa ra khỏi tòa nhà.
Công nghệ màn hình OLED của Samsung bị Trung Quốc nhòm ngó. Ảnh: Samsung. |
Dù chính quyền Hàn Quốc kêu gọi các công ty cho phép nhân viên làm việc tại nhà để chống dịch Covid-19, Samsung vẫn không cho phép nhân viên mang tài liệu chứa thông tin kỹ thuật ra khỏi văn phòng.
Dù vậy, Samsung có tới 287.000 nhân viên trên phạm vi toàn cầu. Và các công ty Trung Quốc sẵn sàng chiêu mộ nhân viên Samsung. Trên mạng Internet, các quảng cáo tuyển dụng nhân viên Samsung và LG đến làm việc tại Trung Quốc với mức đãi ngộ cực cao luôn tràn ngập.
Theo các kỹ sư tại BEO Technology, khoảng 120 nhân viên Hàn Quốc làm việc tại các nhà máy và phòng thí nghiệm của công ty sản xuất tấm nền lớn nhất Trung Quốc, bao gồm hơn 50 cựu kỹ sư Samsung. Nhiều người trong số họ rời bỏ Samsung vào năm 2015 và 2016, khi doanh số của công ty sụt giảm.
Chiêu dụ chuyên viên Hàn Quốc
Nhà máy của BOE ở Thành Đô có các dây chuyền sản xuất giống hệt hệ thống của Samsung Display tại Asa (tỉnh Nam Chungcheong, Hàn Quốc), BOE cũng mua nhiều máy móc Nhật Bản bằng nguồn vốn vay từ chính phủ Trung Quốc.
BOE hiện cung cấp tấm nền OLED cho thị trường sửa chữa iPhone. Công ty Trung Quốc này cũng đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp cho Apple ngay trong năm nay. Nếu BOE thành công, đây sẽ là một mối đe dọa với Samsung trên thị trường toàn cầu.
Nguồn tin Nikkei cho biết các kỹ sư Hàn Quốc làm việc tại Trung Quốc thường dùng tên giả để tránh bị chính quyền Seoul nhòm ngó. Khi về nước nghỉ ngơi hoặc vì công việc gia đình, họ thường đi qua đường Hong Kong và Thượng Hải để tránh bị nghi ngờ.
Một kỹ sư BOE cho biết tránh các chuyến bay thẳng vì sợ bị chính quyền Hàn Quốc bắt giữ vì tội bán bí mật công nghệ cho Trung Quốc. Năm 2020, BOE tuyển Chang Won-Ki, một chuyên gia về tấm nền của Samsung và bổ nhiệm ông này vào vị trí phó chủ tịch một công ty sản xuất bán dẫn màn hình.
BOE (Trung Quốc) tuyển dụng hàng chục kỹ sư của Samsung. Ảnh: Nikkei. |
Chang từ chức sau khi báo chí Hàn Quốc đưa tin về vụ việc này. Chang nói công ty ông làm không cạnh tranh trực tiếp với Samsung, nhưng vẫn quyết định từ chức vì sợ bị mang tiếng bán bí mật công nghệ của Samsung.
Nhân sự của Samsung cũng bị các công ty bán dẫn Trung Quốc chiêu dụ. SMIC, nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu Trung Quốc, tuyển hơn 100 nhà nghiên cứu Hàn Quốc.
Cố Chủ tịch Samsung Lee Kun-Hee từng dự báo về mối đe dọa từ Trung Quốc đối với Samsung. Sau khi ông Lee đột quỵ hồi năm 2014, trách nhiệm điều hành tập đoàn được giao cho Phó chủ tịch Lee Jae-Yong. Tuy nhiên, ông Lee Jae-Yong dính nhiều rắc rối pháp lý và vừa phải quay trở lại nhà tù.
Theo Nikkei, với việc thiếu vắng lãnh đạo, Samsung sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong việc chống lại các đối thủ Trung Quốc.