Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Saigon Talk: Chuyện kể từ một F0

Người chủ nhà tốt bụng, một F0 nhận được nhiều yêu thương và người bạn làm tình nguyện viên là những chuyện được kể trong Saigon Talk tuần này.

phien ban reply 1988 giua doi that anh 1

Người chủ nhà tốt bụng, một F0 nhận được nhiều yêu thương và người bạn làm tình nguyện viên là những chuyện được kể trong Saigon Talk tuần này.

phien ban reply 1988 giua doi that anh 2phien ban reply 1988 giua doi that anh 3

Phiên bản "Reply 1988" xóm tôi

Từ khi giãn cách, chúng tôi có cơ hội hiểu hơn về hàng xóm bấy lâu của mình, cùng sớm tối đi về, nhưng lại hiếm khi gặp mặt. Có món gì ngon, chúng tôi đều san sẻ cho nhau.

Đợt dịch, khu nhà chỉ được phát một phiếu mua thực phẩm, nên chúng tôi luân phiên đi chợ. Cứ thế, mỗi nhà đều có cơ hội trở thành “bà nội trợ” cho một đại gia đình hơn chục người.

Người khiến chúng tôi cảm động nhất, có lẽ là chú chủ nhà. Khi dân mạng tranh nhau khoe những ổ bánh mì nóng giòn hiếm hoi, cũng là lúc, chúng tôi lại được nhận những bữa sáng ấm lòng từ chú. Không biết chú tìm được ở đâu, nhưng lúc thì mấy ổ bánh mì đặc ruột, khi là bịch bánh sandwich, có hôm là hộp bánh su hoặc gói xôi khúc được đóng chân không.

Từ những ngày bùng dịch của năm ngoái, chú đã gọi tôi ra, hỏi han tình hình từng đứa, xem chúng tôi có bị giảm lương không, có mất việc hay khó khăn gì không. Rồi chú giảm tiền nhà, để gánh bớt nỗi nhọc nhằn của đám trẻ. Tôi đã không còn nhớ, chú trở thành "ông bụt" trong lòng chúng tôi từ lúc nào.

Có lẽ giữa những cái được - mất trong cơn dịch giã, đây là một trong những “cái được” ý nghĩa nhất.

Những lần chạy lên chạy xuống chia đồ ăn giữa các nhà, tôi lại nhớ khung cảnh khu phố ở Ssangmun-dong (Hàn Quốc) trong phim "Reply 1988". Cả nhà tôi đã luyện bộ phim đó tới hai lần, nhớ từng chi tiết và càng cảm thấy khu nhà mình đang sống như một phiên bản mới giữa tâm dịch.

Dịch bệnh khiến chúng tôi bị ngăn cách về địa lý, nhưng lại vô tình kéo những người xa lạ xích lại gần hơn. Sài Gòn, cứ thế mà thương nhau.

- Nguyệt Nhi

phien ban reply 1988 giua doi that anh 4phien ban reply 1988 giua doi that anh 5

Đáp đền tiếp nối

Chuyện không bao giờ mong muốn cũng đã xảy đến với tôi - tôi trở thành F0 đã 10 ngày.

Tôi đang cách ly tại nhà dưới sự hướng dẫn tận tình của một người bạn làm bác sĩ. Đây có lẽ là may mắn lớn nhất giữa chuỗi ngày mọi người tìm kiếm những sự trợ giúp.

Những ngày chiến đấu với cơn bệnh, khi ba mẹ ở quê không thể có mặt bên cạnh thì tôi mới thấm thía được sự yêu thương và đùm bọc của những người xung quanh dành cho mình.

Nhóm bạn thân và đồng nghiệp đã thay phiên gửi đồ ăn, thức uống tới nhà. Có đứa bạn chưa từng vào bếp trước đó, bây giờ cũng nấu món ày món kia rồi ship bồi bổ cho tôi.

Chị bán hàng quen thuộc mà tôi mua suốt mùa dịch và trở thành thân thiết cũng gửi một túi cam tới kèm lời nhắn “mau khỏe để lại mua hàng của chị”. Anh chủ nhà trọ mạnh dạn giảm luôn một tháng tiền thuê nhà để bớt gánh nặng cho một bệnh nhân đang điều trị như tôi.

Nhìn lại số lượng thực phẩm như một cái siêu thị tiện lợi đang có trong nhà, tôi hình dung mình không cần phải đi chợ ngay cả khi khỏe lại.

Tôi ghi nhớ tất cả những ân tình mọi người dành cho mình. Bạn tôi nói là tôi không cần phải nghĩ là mình mang nợ ai hết mà hãy truyền đi sự yêu thương cho những người khác khi khỏe lại.

Tôi chắc chắn sớm khỏe lại, và sẽ ghi tên mình để đăng ký giúp sức cho lực lượng chống dịch. Những đáp đền phải được tiếp nối.

- Tiến Thành

phien ban reply 1988 giua doi that anh 6phien ban reply 1988 giua doi that anh 7

Những ngày không “quạu”

Bạn thân của tui là một đứa nóng tính. Dù nó rất tốt nhưng bị cái hay "quạu". Ngày thường, nếu để nó nhắc gì lần thứ 2 hay diễn đạt lại là nó bắt đầu thấy quạu.

Đợt này Sài Gòn dịch quá, tui mới rủ nó tham gia cùng đội tình nguyện, đi phát thực phẩm cho bà con khó khăn.

Có hôm tụi tui gặp một bác khoảng ngoài 60, tóc hoa râm, dáng gầy còm, khắc khổ. Bác lại nhận một túi thực phẩm xong quay lưng đi, bạn tui mới phát hiện còn sót một túi chưa đưa cho bác. Nó mới với theo gọi 2-3 lần nhưng bác vẫn cứ đi.

Tui đứng cạnh lo có khi nào nó quạu không. Nhưng không. Nó chạy theo, nhẹ nhàng đưa túi thức ăn kia cho bác với thái độ hết sức nhã nhặn.

Rồi một lần khác, có một đứa bé trai tầm 6 tuổi đi cùng người mẹ bán vé số. Nó là đứa trao quà cho hai mẹ con. Đứa bé kia hơi hiếu động nên giỡn và đánh vào người bạn tui một cái mạnh ơi là mạnh.

Biết tính bạn mình, tui mới ra hiệu nó đừng có quạu nha. Cái nó mới quay sang nói tui: “Mày tưởng tao lúc nào cũng quạu ha gì”. Ơ thì tui vốn biết tính nó như dị thật mà.

Rồi nó chỉ nhẹ nhàng nói với đứa bé kia để hông giỡn nữa, trao túi quà cho hai mẹ con vui vẻ.

Kể ra những ngày này tui mới được thấy tính cách khác của bạn mình. Nó chỉ hay quạu với tui thôi chớ nó vẫn rất dễ thương với mọi người. "Hết đợt dịch này thì bỏ luôn cái bệnh hay quạu nha mại".

- Bình Yên

Bạn đọc có thể gửi câu chuyện của mình về hộp mail Saigontalk@zing.vn. Những câu chuyện đó sẽ được chọn và đăng ở Saigon Talk vào chủ nhật hàng tuần.

Minh họa: Mỷ Thi

Bạn có thể quan tâm