Ngày 3/8
TP.HCM lập thêm 2 bệnh viện điều trị Covid-19. Chiều 2/8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký quyết định thành lập Bệnh viện điều trị Covid-19 Từ Dũ đặt tại 227 Cống Quỳnh, quận 1 và Bệnh viện điều trị Covid-19 Sài Gòn tại 125 Lê Lợi, quận 1. Bệnh viện điều trị Covid-19 Từ Dũ được thành lập với quy mô 150 giường, 210 nhân viên chuyên môn; còn Bệnh viện điều trị Covid-19 Sài Gòn có 200 giường và 300 nhân viên.
Vận chuyển bưu chính được di chuyển trên đường sau 18h hàng ngày. UBND TP.HCM có văn bản cho phép dịch vụ vận chuyển bưu chính được phép hoạt động và di chuyển trên đường từ 18h đến 6h sáng hàng ngày. Doanh nghiệp bưu chính chỉ được thực hiện dịch vụ vận chuyển bưu chính theo quy định, không được cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa kể cả bằng xe môtô 2 bánh (dịch vụ shipper) trong khung thời gian nêu trên.
Quận 1 tiêm vaccine lưu động cho người dân khu phong tỏa chợ Tân Định. Hàng trăm người dân trong khu vực phong tỏa bên cạnh chợ Tân Định (quận 1) được tổ chức tiêm vaccine ngừa Covid-19 lưu động để giảm nguy cơ lây nhiễm. Theo thống kê của phường Tân Định, toàn bộ khu vực phong tỏa sát chợ Tân Định có hơn 550 người, những ai đủ điều kiện đều được tiêm vaccine, không phân biệt hộ khẩu thường trú hay tạm trú.
TP.HCM tổ chức tiêm vaccine đồng loạt cho shipper. Thành phố triển khai nhiều điểm tiêm vaccine ngừa Covid-19 dành riêng cho lực lượng shipper. Đây là đợt tiêm chủng đồng loạt nhằm duy trì mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa. Các shipper được hãng quản lý khuyến khích không hoạt động trong 2 ngày tính từ thời điểm tiêm chủng.
TP.HCM đón 200 y bác sĩ từ Bệnh viện Bạch Mai vào hỗ trợ chống dịch. Đoàn bác sĩ do GS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, làm trưởng đoàn cùng hơn 200 y bác sĩ khác. Đây là số lượng nhân lực đông nhất tại bệnh viện tuyến trung ương được huy động vào TP.HCM. Đoàn gồm các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế nhiều kinh nghiệm trong công tác chống dịch Covid-19 thuộc đủ các lĩnh vực như cấp cứu, gây mê hồi sức, đột quỵ, chống độc, truyền nhiễm, hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, thận tiết niệu, thần kinh... sẽ phụ trách chuyên môn tại Bệnh viện Dã chiến số 16, đóng tại quận 7.
Siêu thị ở TP.HCM đề xuất combo "mua chung" hàng thiết yếu. Để giảm tải áp lực và hạn chế tiếp xúc, các siêu thị đề xuất địa phương sắp xếp đơn vị hỗ trợ, cung cấp đầu mối cho người dân. Cán bộ phụ trách sẽ tổng hợp đơn đặt hàng chuyển thông tin đến siêu thị gần nhất trên địa bàn để xử lý đơn, nhận và hỗ trợ chuyển phát đến khách hàng.
Có thêm 87 cửa hàng tiện lợi ở TP.HCM chuyển sang bán thực phẩm. 87 cửa hàng tiện lợi GS 25 tại TP.HCM được Sở Công Thương đồng ý cho phép kinh doanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống nhằm chia sẻ áp lực cho kênh phân phối hiện tại. Bên cạnh kinh doanh rau củ, thịt cá, các cửa hàng này còn có bán "combo hàng hóa tổng hợp" gồm rau củ, thịt cá, gia vị, gạo, trứng, sữa... với giá dao động từ 100.000-400.000 đồng.
Bác tin tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM phải đóng tiền. Trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin người trên 65 tuổi, mắc bệnh nền khi tiêm vaccine tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM phải đóng tổng cộng 388.000 đồng. Tuy nhiên, phía bệnh viện đã phản hồi số tiền này là tiền xét nghiệm Covid-19 (tất cả bệnh nhân đều phải xét nghiệm) và chi phí khám, tư vấn cho người bệnh có bệnh lý nền trên 65 tuổi.
TP.HCM bàn giao 226 xe chở người mắc Covid-19. Sở Y tế TP.HCM phối hợp với Sở Giao thông Vận tải TP.HCM bàn giao 226 xe cấp cứu được hoán cải từ xe 15 chỗ cho các quận, huyện và TP Thủ Đức. Những xe này nhằm hỗ trợ tổ phản ứng nhanh vận chuyển người mắc Covid-19 nặng hoặc nguy kịch đến bệnh viện gần nhất.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.