Sáng 15/1, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ, kế hoạch công tác năm 2016. Tại hội nghị này, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, đã nêu rõ công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị là khâu quan trọng quyết định đến việc quản lý đô thị.
Theo ông Hùng, hiện tượng đáng lo ngại hiện nay là việc triển khai các nhiệm vụ sau khi quy hoạch chung được phê duyệt hết sức trì trệ không đáp ứng được yêu cầu quản lý, cấp phép, triển khai dự án.
Điển hình là "Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050" đã được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt ngày 26/7/2011 - ông Hùng dẫn chứng. Gần 5 năm trôi qua mà nhiều quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết chưa được phê duyệt, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc công trình cao tầng nội đô lịch sử chưa được ban hành.
“Nếu quy hoạch chi tiết được duyệt, quy chế này được ban hành sớm thì sẽ giảm rất nhiều thời gian thỏa thuận quy hoạch tránh được cơ chế xin cho dự án nhà cao tầng. Sẽ không có chuyện tranh luận nhà số 8B Lê Trực cấp phép cao 18 tầng chiều cao 53 m có đúng quy hoạch và quy chế quy hoạch, kiến trúc khu nội đô lịch sử hay không” – ông Hùng phân tích.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Hưng. |
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng thừa nhận, công tác lập, quản lý, thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết... ở một số nơi còn chậm, ảnh hưởng đến công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị.
Công tác quản lý, kiểm soát phát triển đô thị có nơi còn thiếu quyết liệt; việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại một số dự án khu đô thị còn chậm và thiếu đồng bộ.
“Việc phê duyệt quy hoạch chi tiết chậm khiến công tác quản lý xây dựng đô thị tại một số địa phương gặp khó. Điều này dẫn đến cơ chế xin cho dự án nhà cao tầng như anh Hùng nói”, ông Dũng khẳng định.
Theo bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, năm 2015, giá trị sản xuất ngành xây dựng đạt khoảng 974.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sức cạnh tranh của sản phẩm ngành xây dựng còn yếu, chất lượng một số công trình xây dựng còn thấp.
Bên cạnh đó, tình trạng thất thoát, lãng phí, chậm tiến độ thi công vẫn còn là vấn đề gây nhiều bức xúc; việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, công bố một số định mức kinh tế kỹ thuật phục vụ quản lý đầu tư xây dựng vẫn còn chậm. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại một số tổng công ty thuộc Bộ còn chậm so với kế hoạch.