Cách đây 13 năm, một nhóm quan chức y tế của Mỹ đã đưa ra kế hoạch để giải quyết vấn đề mà họ coi là lỗ hổng quan trọng trong hệ thống: thiếu máy thở.
Các máy hỗ trợ hô hấp thường có xu hướng cồng kềnh, đắt tiền và hạn chế về số lượng. Kế hoạch là xây dựng một lượng lớn thiết bị hỗ trợ thở cầm tay giá rẻ để đối phó với đại dịch cúm hoặc bất kỳ cuộc khủng hoảng nào.
Các loại máy thở thường khá cồng kềnh, được đặt cùng giường cấp cứu và yêu cầu sự trợ giúp của nhân viên y tế. Ảnh: Picture Alliance. |
Lỗ hổng trong hệ thống y tế
Dự án có tên mã Aura đã được triển khai sau khi Mỹ chứng kiến nhiều dịch bệnh xuất hiện trên toàn cầu: SARS, MERS, cúm gia cầm và cúm lợn.
Ngân sách đã được thông qua. Một hợp đồng liên bang được ký kết và kế hoạch được triển khai.
Nhưng sau đó mọi việc đi chệch hướng. Một nhà sản xuất thiết bị y tế trị giá hàng tỷ USD đã mua lại công ty nhỏ ở California từng được thuê để thiết kế các thiết bị mới. Cuối cùng dự án đã không sản xuất được cái máy thở nào.
Thất bại đó đã trì hoãn việc phát triển một loại máy thở với giá cả phải chăng hơn ít nhất nửa thập kỷ, loại bỏ khả năng dự trữ máy của bệnh viện, tiểu bang và chính phủ liên bang. Chính phủ Mỹ đã bắt đầu lại với một công ty khác vào năm 2014, các máy thở của họ mới chỉ được phê duyệt vào năm ngoái và hiện vẫn chưa được giao.
Kho dự trữ chiến lược quốc gia Mỹ có hàng nghìn máy thở, nhưng cũng không đủ đáp ứng cho dịch Covid-19. Ảnh: NY Times. |
Ngày nay, dịch Covid-19 đang tàn phá hệ thống y tế Mỹ, và kho dự trữ ứng phó khẩn cấp vẫn đang chờ đợi lô hàng đầu tiên. Việc khan hiếm máy thở đã trở nên nghiêm trọng đến nỗi các bác sĩ phải lựa chọn giữa ai được và không được sử dụng thiết bị này.
Những nỗ lực bị đình trệ trong việc tạo ra một thế hệ máy thở mới giá rẻ hơn, dễ sử dụng hơn đã làm tăng nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng. Nó cũng cho thấy sự đối lập giữa tối đa lợi nhuận từ các công ty và mục tiêu của chính phủ trong việc chuẩn bị cho những cuộc khủng hoảng trong tương lai.
“Chúng tôi đã nhìn thấy vấn đề và cố gắng đổi mới để tìm giải pháp. Kế hoạch đã đạt được những bước tiến nhất định nhưng vẫn chưa đủ”, Thomas R. Frieden, cựu giám đốc của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết.
Kế hoạch bị chệch hướng
Sau nhiều dịch bệnh toàn cầu, các quan chức y tế Mỹ đã tính đến việc chuẩn bị vaccine, thuốc chống virus, đồ bảo hộ cho nhân viên y tế và máy thở.
Năm 2006, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ đã thành lập một bộ phận mới, Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh với nhiệm vụ chuẩn bị sẵn sàng trước các cuộc tấn công hóa học, sinh học, hạt nhân cũng như bệnh truyền nhiễm.
Trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, cơ quan này đã tìm cách tăng số lượng máy thở. Theo ước tính cần thêm khoảng 70.000 máy cho một dịch cúm phát triển ở quy mô lớn.
Loại máy thở nhỏ, giá rẻ được chính phủ Mỹ lựa chọn do Philips sản xuất. Ảnh: Philips. |
Các máy thở có sẵn tại Mỹ vừa cồng kềnh và đắt tiền, đồng thời còn đòi hỏi kỹ năng sử dụng của chuyên gia y tế. Một nhóm chuyên gia được triệu tập vào tháng 11/2007 để đưa ra yêu cầu cho loại máy thở mới dễ sử dụng hơn và có giá dưới 3.000 USD.
Nhiều công ty đã gửi hồ sơ tham gia cho dự án Aura. Cơ quan nghiên cứu đã chọn Newport Medical Instruments, một công ty nhỏ ở California. Hợp đồng được ký kết năm 2010.
Newport là công ty chuyên chế tạo máy thở. Lúc đó, máy thở của họ vẫn có giá khoảng 10.000 USD, và để hạ giá xuống 3.000 USD là điều không đơn giản. Tuy nhiên, các lãnh đạo của Newport vẫn cho rằng có thể làm được nếu tăng số lượng bán ra trên toàn cầu.
Năm 2011, Newport đã chuyển 3 mẫu máy thở tới Washington để đánh giá. Lúc đó, Bộ Y tế Mỹ vẫn cho rằng dự án sẽ được duyệt và sẵn sàng sản xuất quy mô lớn vào năm 2013.
Mọi chuyện thay đổi nhanh chóng năm 2012. Covidien, một trong những công ty hàng đầu về thiết bị y tế mua lại Newport, sau đó không còn mặn mà với việc phát triển máy thở giá rẻ. Những nhân lực đang tham gia dự án được chuyển sang các mảng khác.
Năm 2014, Covidien đề xuất hủy dự án phát triển máy thở giá rẻ vì cho rằng không thể mang lại lợi nhuận cho công ty này. Chính phủ Mỹ chấp thuận và tìm kiếm thỏa thuận với Phillips để sản xuất loại máy thở mới.
Theo đại diện Bộ Y tế Mỹ, hiện nay trong kho dự trữ quốc gia không có một chiếc máy thở nào. Ảnh: Philips. |
Mãi tới tháng 7/2019, FDA mới cấp phép cho máy thở Philips Trilogy Evo. Thiết bị này được ấn định giao khoảng 10.000 chiếc vào giữa năm 2020.
Vào ngày 15/3, Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Trung tâm bệnh truyền nhiễm và dị ứng Mỹ cho biết kho dự trữ nước này hiện có 12.700 máy thở sẵn sàng triển khai. Chính phủ Mỹ cố gắng đưa lượng máy sẵn sàng lên 16.660 chiếc, nhưng cũng chưa bằng 1/4 so với những số liệu ước tính cho một đại dịch cúm.
Điều này đã buộc Philips tăng tốc các đơn hàng sản xuất máy thở.
“Chúng tôi hiện tại không còn bất kỳ chiếc máy thở Trilogy Evo nào trong kho, nhưng sẽ có sớm thôi", đại diện của Bộ Y tế Mỹ cho biết.