-
Xe BMW chết máy bị bỏ lại giữa đường
22h, TP.HCM vẫn có gió và mưa lớn, nhiều tuyến phố vẫn ngập sâu. Một chiếc xe BMW chết máy bị chủ nhân bỏ lại giữa đường ở P5, Q8. Hay trên đường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh), nhiều ôtô chết máy cũng bị bỏ lại trên đường do không thể gọi được xe cứu hộ. Trong khi đó, nhiều người đi xe máy vẫn phải dắt bộ qua đoạn ngập sâu trên đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: Thuận Thắng, Phạm Hùng, Ngân Giang.
-
TP.HCM ngắt điện tại các khu vực ngập nặng
Tối 25/11, Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết đã chủ động cắt điện tại một số điểm ngập nặng ở các quận 4, 7, Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp để tránh các rủi ro trong mưa bão. Mưa lớn khiến nhiều địa điểm bị ngập nước, hệ thống tủ điện, dây điện bị chìm trong nước, công ty đã chủ động cắt điện để kiểm soát tình hình. Khi mưa bão ổn định sẽ cấp điện lại cho người dân. Cũng theo Điện lực TP.HCM, tới thời điểm này hệ thống điện chưa có sự cố nghiêm trọng. Công ty Điện lực Duyên Hải đã huy động toàn bộ công nhân, lãnh đạo phòng, đội, phân công trực 24/24, chuyển trụ điện dự phòng, vật tư thiết bị, xe cẩu, xe gàu về trực tại Cần Giờ - nơi ảnh hưởng nặng nhất trên địa bàn thành phố. Công ty cũng chuẩn bị sẵn sàng máy phát điện dự phòng cho huyện Nhà Bè, Cần Giờ, chuẩn bị trong trường hợp 2 huyện này phải di dân vì bão. Trung tâm Điều động hệ thống điện TP.HCM, Công ty Lưới điện cao thế, các Ban quản lý dự án điện và các công ty điện lực quận huyện thuộc Tổng công ty Điện lực TP.HCM đang tăng cường lực lượng trực ca, chuẩn bị các phương án vận hành hệ thống điện, trang thiết bị vật tư, phương tiện, sẵn sàng triển khai việc xử lý khi có sự cố điện do bão. Tối 25/11, chung cư Galaxy và nhiều chung cư, khu dân cư ở quận 4 đã bị ngắt điện. Ảnh: Ngân Giang.
-
Ngập sâu, nhiều người không về được nhà
21h trên đường Lê Hồng Phong (phường 4, quận 5, TP.HCM), rất đông hành khách từ bến xe Miền Tây vào thành phố không thể đón được taxi và xe ôm để về nhà do các tuyến đường đang ngập sâu. Nhiều người đã ngủ lại khách sạn đợi đường hết ngập. Ảnh: Hữu Nhân.
-
-
Ngày mai học sinh TP.HCM nghỉ học
Tối 25/11, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết để đảm bảo an toàn, các Phòng Giáo dục thông báo cho học sinh nghỉ học ngày thứ hai (26/11), riêng học sinh huyện Cần Giờ nghỉ đến ngày 27/11.
Trước đó, nhiều trường tại TP.HCM cũng ngừng giảng dạy, học tập và các hoạt động khác từ 12h trưa 24/11 để tránh bão số 9.
-
20h15, mưa vẫn đang rất lớn, gió mạnh. Đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TP.HCM) ngập sâu, nhiều người không thể điều khiển xe, phải dẫn bộ. Ảnh: Trương Khơi.
-
Đêm nay, TP.HCM tiếp tục có mưa lớn
20h, nhiều khu vực ở TP.HCM vẫn đang mưa lớn, gió giật mạnh. Rất nhiều tuyến đường, hẻm nhà dân bị ngập sâu như Điện Biên Phủ, D1, D2, Nguyễn Hữu Cảnh, Bạch Đằng, Ung Văn Khiêm, quốc lộ 13, Xô Viết Nghệ Tĩnh... (quận Bình Thạnh); Xa lộ Hà Nội, Nguyễn Văn Hưởng, Quốc Hương... (quận 2); Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ (quận 7); quốc lộ 1A, Hồ Ngọc Lãm, Bình Trị Đông... (quận Bình Tân); Cây Trâm, Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp)....
Ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng phòng dự báo Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết lượng mưa hiện tại ở quận 1 là 201 mm. Trong khi đó, lượng mưa đo lúc 18h ở Cần Giờ là 185 mm. Ông Quyết dự báo đêm nay và rạng sáng mai (26/11), TP.HCM sẽ tiếp tục mưa trên diện rộng với vũ lượng 100-150 mm. Đến sáng và trưa mai, lượng mưa bắt đầu giảm.
-
Cảnh báo lũ quét, sạt ở đất ở Khánh Hòa, Ninh Thuận
Theo bản tin mới nhất của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, trong 4 giờ qua, một số nơi ở tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận có mưa to đến rất to như Khánh Phú 123 mm, Cam An Bắc 106 mm, Khánh Nam 58 mm, Suối Cát 80 mm (Khánh Hòa); Phan Rang 50 mm, Mỹ Sơn 43 mm (Ninh Thuận). Trong 3 giờ tới, khu vực này tiếp tục mưa to 20-50 mm.
Cơ quan này cảnh báo trong 3-6 giờ tới, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng trũng thấp ở tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận đặc biệt là huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải, thành phố Phan Rang (Ninh Thuận), Cam Ranh, Cam Lâm, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa). Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.
-
Cột điện đổ đè trúng xe Mercedes
Chiều cùng ngày, ôtô Mercedes đậu trước số nhà 19 Thái Văn Lung (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) đã bị cột điện đổ đè trúng, làm vỡ kính sau xe. Sự cố khiến nhiều nhà dân bị cắt điện. Ảnh: Lê Quân.
-
Từ đêm 25/11 nhiều nơi mưa to
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho hay đêm 25 sáng 26/11 do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển và đất liền từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao 2-4 m. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có gió giật mạnh và khả năng lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ.
Các tỉnh phía nam của Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa to, lượng mưa phổ biến 70-150 mm, có nơi trên 150 mm, khu vực Bắc Tây Nguyên và miền Tây Nam Bộ mưa 50-70 mm.
Từ đêm 25/11 đến đêm 27/11, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động của đới gió đông, các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa to, lượng mưa phổ biến ở tỉnh Quảng Trị, Khánh Hòa (50-80 mm/ngày); Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Phú Yên (80-150 mm/ngày); Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (100-200 mm/ngày).
-
Khánh Hòa điều bộ đội, xe thiết giáp hỗ trợ người dân
Ngày 25/11, Khánh Hòa điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng với xe thiết giáp về các khu vực xung yếu bị ngập lũ, sạt lở núi để ứng cứu hỗ trợ sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn. Mưa ngập đã gây ách tắc trên đại lộ Nguyễn Tất Thành nối từ TP Nha Trang đi sân bay Cam Ranh cũng như nhiều tuyến đường khác ở địa phương.
-
Một người đi xe máy bị cây đè tử vong
Chiều 25/11, ông Nguyễn Văn Tân (58 tuổi, quê Đồng Tháp, tạm trú ở quận 7, TP.HCM) đi xe máy trên đường Nguyễn Văn Linh (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) thì bị một cây xanh đường kính 2,3 m đè trúng.
Theo công an xã Bình Hưng, 14h15 nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng hơn 30 phút sau đã tử vong. Ảnh: Lê Quân.
-
Gần 18h, TP.HCM vẫn mưa lớn kèm gió mạnh, nhiều tuyến đường bị ngập nặng, phương tiện đi lại khó khăn. Trong ảnh, đường Nguyễn Hữu Cảnh và khu vực chân cầu vẫn ngập sâu. Ảnh: Lê Quân.
-
Nhiều nơi ở Khánh Hòa bị cô lập
Mưa lớn sau bão số 9, các hồ chứa xả lũ dồn dập khiến nhiều địa phương ở Khánh Hòa bị cô lập. Người dân sống dọc quốc lộ 1 đoạn qua TP Cam Ranh phải dùng bao cát làm bờ kè chống nước lũ tràn vào nhà.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Nha Trang, đến trưa 25/11, địa phương đã sơ tán gần 1.400 hộ dân với gần 6.000 người ra khỏi vùng nguy hiểm. Trong khí đó, ở TP Nha Trang, các xã, phường phải sơ tán dân ra khỏi vùng lở núi gồm: Phước Đồng, Vĩnh Hòa, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thái, Vĩnh Lương, Vĩnh Phước.
-
-
-
Đường sắt Bắc - Nam vẫn tê liệt
Trưa 25/11, bão số 9 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào khu vực từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Bến Tre. Mưa lớn đã khiến nhiều địa phương bị ngập nặng, hàng chục nghìn người dân phải sơ tán đến nơi an toàn. Đến chiều 25/11, nhiều đoạn đường sắt Bắc - Nam đoạn qua Suối Cát (huyện Cam Lâm) còn ngập sâu nên chưa thể khắc phục được các vị trí sạt lở. Ảnh: Minh Hoàng, An Bình.
Sài Gòn ngập nặng, xe BMW chết máy bị bỏ lại giữa đường
22h, TP.HCM vẫn có gió và mưa lớn, nhiều tuyến phố vẫn ngập sâu. Nhiều ôtô chết máy bị chủ nhân bỏ lại giữa đường do không thể gọi được xe cứu hộ.