Cơn bão số 9 Usagi cùng lúc đi qua một dải Nam Trung Bộ và Nam Bộ, ảnh hưởng dọc các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bến Tre, đồng thời trút lượng mưa kỷ lục xuống TP.HCM, biến khu vực nội đô thành vùng trũng chứa nước. Người dân Sài Gòn đã trải qua 1 đêm không ngủ, oằn mình vì ngập, lụt.
Trưa 25/11, cơn mưa lớn trút xuống Sài Gòn kèm giông lốc. Mưa to kéo dài nhiều giờ khiến hàng loạt tuyến đường ngập sâu. Có những khu vực tạo thành hõm chứa nước cao tới 0,8 mét. Người đi xe máy dắt xe, người đi ôtô bỏ lại phương tiện, người đi bộ ngã nhào bởi sóng đánh.
10h đêm, giữa cơn mưa trắng trời, tối om đèn điện, trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7), có đôi vợ chồng già ngồi canh cửa, coi bão.
"Dòng sông" ngoài đường dập dềnh lao vào nhà, nhào qua tấm gỗ ngăn cách mỗi lần có xe máy hoặc ôtô phóng qua. Cơn mưa từ chiều đã khiến đồ dùng, tủ lạnh, máy giặt, giường chiếu ướt sũng.
Vợ chồng ông bà thức để tát nước. Xung quanh họ là rác thải, cành cây, mùi hôi ngai ngái của cống rãnh, sự ẩm ướt khó chịu, và cảm giác lạnh lẽo đến cùng cơn bão.
"Nếu tiếp tục mưa, nước tràn vào nhà, tụi tui không làm được gì, nhưng ít nhất cũng được chứng kiến", ông nói, cảm giác hoàn toàn bất lực. Từ trong nhà, tiếng radio với giọng hát Ngọc Lan cất lên. "Trả lại cho mưa bay. Những ân tình xưa ấy".
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết cường độ như trận mưa chưa từng được ghi nhận, khiến nó trở thành kỷ lục. Ở một đô thị lớn, tưởng như chẳng bao giờ biết đến hậu quả của sóng, lũ như TP.HCM, thì gió bão khiến cây đổ, đường phố biến thành sông, là lời cảnh báo nghiêm khắc cho những bất cập trong đầu tư phát triển hạ tầng.
Giấc ngủ đứng trong đêm mưa
Thoa và Lâm thuê căn nhà 1 tầng trệt trên đường Huỳnh Tấn Phát để bán hủ tíu và trái cây. Tối 25/11, mưa lớn, nước lên tràn vào ngôi nhà, làm ướt sũng tấm nệm. Vậy là cả đêm, Thoa ôm bé Cường đang học lớp 1, ngủ đứng.
Bàn chân chôn trong nước. Một chiếc chăn mỏng khoác trên vai, một chiếc cuốn vào chân Cường để tránh muỗi đốt. Tiếng nước bì bõm bên tai giữa giấc ngủ chập chờn.
Giấc ngủ tương tự thế này cũng đã kéo dài gần như cả mùa triều cường vừa rồi. Giường nâng lên bao nhiêu cũng không đủ. Con ngủ, mẹ bế, bố tát nước.
Những ngày mưa, một ngày của hai vợ chồng, như của nhiều hộ sinh sống dọc đoạn đường này, bắt đầu bằng việc đứng nhìn làn nước như sóng đánh vỗ bờ vào bậc thềm nhà mình, và tiếp tục bằng việc nước cao tới đâu, kê đồ lên đến đấy.
Họ chọn cách trùm kín tất cả những mặt hàng có thể che chắn được: khay tôm, thịt, lòng heo, gan, trứng cút. Vài món đã khô quắt, bắt đầu bốc mùi do liên tục di chuyển từ tủ rã đông ra ngoài. Một rổ tần ô, rau sống, giá đã thâm đen.
Tròn 8 năm trước, cặp đôi quê Phú Thọ kết hôn và cùng nhau vào Sài Gòn sinh sống. "Làm quan thì ra Bắc, làm giàu thì vào Nam", Thoa giải thích.
Nhưng nơi hai người lựa chọn, đường Huỳnh Tấn Phát lại là một trong những điểm ngập nặng ở thành phố mỗi khi mưa xuống và triều cường lên. Kênh rạch thoát nước xung quanh nơi này đều đã bị san lấp để xây dựng khu dân cư.
"Đêm nay đầy người ngủ đứng, đâu phải mỗi mình", hai người giải thích cho Cường khi thằng bé yêu cầu được nằm ngủ, không nằm trên tay mẹ nữa.
"Đêm nay đầy người ngủ đứng, đâu phải mỗi mình"
Hồi tháng 7, Lâm đã phải bán đi chiếc xe máy Vision dành cho việc chạy xe ôm, rồi vay mượn thêm họ hàng để nâng nền nhà. Một ít tiền dành ra để mua nồi niêu nấu hủ tíu, phần lớn còn lại dự định làm căn gác lửng. Tổng cộng hơn 65 triệu.
Nhưng nước ở đây luôn dâng cao hơn sau các trận mưa. Cơn mưa sau có lưu lượng vượt cơn mưa trước, triều cường mỗi lần lên lại đạt mức đỉnh mới. Lâm và Thoa không còn nhiều thứ để bán đi, cũng không có nguồn thu mới để kiếm ra tiền nâng nền nhà.
Xe hủ tíu, gánh trái cây không phải lựa chọn mua sắm của những người đi qua con đường trời nắng thì bụi mù mịt, trời mưa thì ngập lụt này. Hai vợ chồng một ngày chỉ thu về khoảng 200.000 đồng, trừ đi tiền thuê nhà, ăn uống, đóng học cho con, họ hoàn toàn không có tích lũy.
"Có bán gì khác cũng không ai mua. Trời mưa, nước ngập, người ta chỉ muốn về nhà", Lâm kết luận.
Người chết, người mất tích trong bão
Bà Hồ Thị Hoa (45 tuổi) chắc chắn sẽ nhớ mãi cơn bão số 9 Usagi. Chiều 25/11, chồng bà, ông Nguyễn Văn Tân (58 tuổi) được phát hiện bị cây xanh trên đường Nguyễn Văn Linh (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) đè chết khi đang đi trên đường.
Những người có mặt ở hiện trường cho biết người đàn ông quê Đồng Tháp đã đi qua đúng lúc gió lớn, cây bật gốc ngã đè lên.
"Hai mươi mấy người mới khiêng nổi cây lên được một chút xíu để kéo anh ấy ra", ông Nguyễn Văn Tùng (41 tuổi, ngụ quận 8) một trong những người đưa ông Tân đi cấp cứu kể lại.
Ông Nguyễn Văn Tân (58 tuổi, quê Đồng Tháp, tạm trú ở quận 7, TP.HCM) đi xe máy trên đường Nguyễn Văn Linh bị một cây xanh đường kính 2,3 m đè trúng. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng hơn 30 phút sau đã tử vong. Ảnh: Lê Quân. |
Cha của nạn nhân, ông Trầm, năm nay đã 86 tuổi, cho biết hôm nay cũng là ngày giỗ bố ông. Ông Tân đang trên đường đi từ nhà trọ ở quận 7 về khu vực vòng xoay An Lạc để cúng giỗ ông nội thì gặp nạn.
"Còn đâu đứa con thường xuyên bốc số, xếp hàng, đưa tôi đi bệnh viện. Tháng nào nó cũng đón tôi từ quê lên Sài Gòn khám sớm để kịp về trong ngày", người cha già đau đớn, đặt câu hỏi với lực lượng cứu hộ, với con dâu, với cả người đưa con trai mình đi cấp cứu.
Không ai trả lời được ông câu này.
Cũng trong tối mưa bão, một thanh niên 18 tuổi đi cùng bạn trên đường Bến Lội, quận Bình Tân. Khi ngang qua khu vực nước chảy xiết ở kênh Đen, phường Bình Trị Đông A, 2 người bị nước đẩy ngã. Chàng trai cùng xe máy bị nước cuốn xuống cống mất tích, người còn lại may mắn bơi được vào bờ.
Đại diện Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết dòng nước chảy xiết, là khu vực cống thoát cho cả phường. Đến chiều 26/11, thông tin từ lực lượng cứu hộ cho biết vẫn chưa tìm thấy nạn nhân.
Cả thành phố là một điểm ngập
Theo báo cáo của Trung tâm chống ngập, trong chiều tối 25/11, lượng mưa và số điểm ngập tăng lên liên tục, toàn thành phố có 66 tuyến đường ngập.
Lý giải về nguyên nhân ngập diện rộng chưa từng thấy ở TP.HCM, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước, cho biết lượng mưa quá lớn, có nơi đến hơn 400 mm. Trong khi hệ thống cống chỉ thoát được 86 mm/3 giờ, kênh rạch thoát được 96 mm/3 giờ. Vì vậy lượng mưa gấp nhiều lần với khả năng thoát nước.
Chiều tối 25/11, rất nhiều tuyến đường, hẻm nhà dân bị ngập sâu khiến xe máy khó khăn di chuyển. Ảnh: Lê Quân. |
Không những vậy, mưa lớn còn kết hợp với triều cường. Mức triều cường hôm qua đạt đến 1,5 m nên ngoài khả năng thoát nước đã được thiết kế từ trước (là 1,32 m).
Trong ngày 25/11, toàn thành phố có 66 tuyến đường ngập
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thống kê có 30 chuyến bay bị trễ và 6 chuyến bay phải đi hạ cánh ở các sân bay khác do tắc nghẽn không lưu.
Cảnh sát PCCC nhận được tổng cộng 1.065 tin báo nhờ hút nước. Đặc biệt, cảnh sát phải liên tục hút nước suốt 9 tiếng tại điểm ngập trạm biến áp 500KV - 220KV Nhà Bè.
Trung tâm chống ngập TP.HCM huy động tổng lực cán bộ công nhân viên ra chống ngập, với gần 700 người, vận hành 27 máy bơm công suất từ 168 đến 64.000 m3/h để hỗ trợ những khu vực ngập nước.
Trong mưa bão, cả thành phố đã trở thành 1 điểm ngập duy nhất, không có ranh giới giữa quận trung tâm, huyện ngoại thành. Những ngôi nhà giữa thành phố xuất hiện cá, cua, ếch, rắn,... ở phòng khách; tầng trệt biến mất; tầng 1 biến thành tầng trệt; vật dụng trôi khắp nhà; rác thải theo đường nước trôi tới.
Cuộc sống người dân đảo lộn, những ngôi nhà với đồ đạc ngập trong nước, hàng chục chiếc ôtô chết máy nằm la liệt trên đường, hàng loạt tầng hầm toà nhà là trụ sở ngân hàng, khách sạn, chung cư... bị nước tràn vào nhấn chìm xe máy, ôtô; mưa gió cũng khiến 19 cây ngã đổ; hai căn nhà tốc mái; 1 người chết, 1 người mất tích, 1 người bị thương.
Sau 1 ngày, người dân Sài Gòn căng thẳng, lo lắng và mệt nhoài.
Sáng 26/11, nhiều tuyến đường tại TP.HCM bị ngập, kẹt xe do ảnh hưởng của cơn bão số 9. Người dân phải di chuyển trong nước để đến cơ quan, công ty trong ngày đầu tuần. Ảnh: Lê Quân. |
Điều gì đã khiến nước đổ vào thành phố như lũ?
Có phải sau khi san lấp các kênh rạch, tới khi mưa lớn, nước sẽ phải chạy lòng vòng tìm các hố ga, ao hồ để thoát. Khi ao hồ vượt quá sức chứa, nước sẽ dồn ứ lên vỉa hè, đường sá?
Có phải khi thiên tai tới, không chỉ làm lộ ra những yếu kém về hạ tầng, về quy hoạch, mà còn cả quy trình?
Rằng chúng ta mải miết đô thị hóa mà không tính đến phương án thoát nước cho cả thành phố?
Rằng không ai hy sinh, pháp luật thì chưa đủ nặng với doanh nghiệp bất động sản thiếu hạ tầng thoát nước?
Và rằng những cơn mưa tất nhiên sẽ vẫn tiếp tục đổ xuống thành phố, cơn mưa sau "kỷ lục" hơn cơn mưa trước, triều cường sau "đạt đỉnh" hơn triều cường trước?
Và rằng tại thành phố duy nhất có Trung tâm chống ngập trong cả nước, những chiến dịch chống ngập đang được thực hiện đầy bất cập và manh mún.
Cho dù dự án chống ngập và những hoạch định chính sách là gì, thì đó cũng là chuyện của tương lai, có thể là tương lai xa nếu nhìn vào các dự án đang tạm ngừng, nợ vốn, chưa thành hình. Hiện tại, nhiều người dân Sài Gòn vẫn chỉ có thể giải quyết tình trạng ngập lụt bằng cách tát nước bằng tay, hoặc trải qua những đêm ngủ chôn chân trong nước.
Hoặc "cháu chỉ mong sáng đi học quần áo khô ráo, mặc đồ ẩm ướt cả ngày tay chân rất ngứa", bé Cường, con của Lâm và Thoa thổ lộ trước khi tiễn khách.