Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (mã chứng khoán STB) công bố bán đấu giá tài sản là 3 quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hoà III - Long An, với tổng giá khởi điểm gần 10.000 tỷ đồng.
Sacombank đang rao bán 3 quyền sử dụng đất với tổng giá trị tối thiểu gần 10.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Lê Quân. |
Các tài sản này bao gồm quyền sử dụng 3,72 triệu m2 đất tại Khu công nghiệp Đức Hoà III - Long An của chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng kinh doanh Hạ tầng KCN Sài Gòn - Long An và một phần của Công ty Cổ phần đầu tư AMIC. Mức giá khởi điểm lô đất này được ngân hàng thông báo là 4.000,69 tỷ đồng.
Tài sản thứ 2 cũng là quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III với tổng diện tích hơn 2,74 triệu m2.
Chủ đầu tư lô đất trên là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Liên Thành Long An, Công ty Cổ phần Long “V”, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Long Đức - ILD và Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Mười Đây. Mức giá khởi điểm của lô đất thứ 2 là 3.131,58 tỷ đồng.
Quyền sử dụng đất thứ 3 được Sacombank mang ra đấu giá lần này là lô đất có diện tích 2,75 triệu m2 của chủ đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư Đức Hòa III - Resco và một phần của Công ty Cổ phần Đầu tư AMIC, giá khởi điểm gần 2.854,73 tỷ đồng.
Nếu đấu giá thành công cả 3 lô đất, số tiền ít nhất nhà băng có thể thu về lên tới gần 10.000 tỷ đồng.
Sacombank là ngân hàng rất tích cực xử lý nợ xấu trong năm 2017. |
Theo thông báo bán đấu giá, người mua được tài sản sẽ tự thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phải chịu thanh toán toàn bộ các khoản thuế, chi phí liên quan đến việc nhận chuyển nhượng tài sản, bao gồm phí công chứng, lệ phí trước bạ, thuế thu nhập doanh nghiệp của bên chuyển nhượng và các chi phí khác có liên quan trong quá trình làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản.
Thời gian bán đấu giá được tổ chức sáng nay (18/12) tại hội sở ngân hàng.
Theo thông tin công bố trước đó, ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank, cho biết trong 9 tháng đầu năm, ngân hàng đã xử lý hơn 6.000 tỷ đồng nợ xấu. Mục tiêu trong năm 2017 là xử lý được 15.000-20.000 tỷ đồng nợ xấu.
Trước Sacombank, nhiều ngân hàng khác cũng đồng loạt thực hiện thu giữ tài sản đảm bảo là nhà cửa, quyền sử dụng đất, ôtô… để siết nợ, đồng thời rao bán các tài sản này nhằm mục đích xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42.
Mới đây nhất, VietinBank đã rao bán khoản nợ hơn 74,1 tỷ đồng của công ty ông Trần Anh Vương, người đang đóng vai trò là một trong 4 “Shark” trong chương trình Shark Tank Việt Nam.
Cụ thể, khoản nợ của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp 1 Việt Nam (TH1) bao gồm 63,9 tỷ đồng là dư nợ gốc và lãi phát sinh là gần 10,2 tỷ đồng. Khoản nợ này được VietinBank chi nhánh Hà Nội cấp cho TH1 từ năm 2015 đến nay.
Những ngân hàng tích cực siết nợ và rao bán tài sản đảm bảo thời gian qua cũng phải kể tới Agribank, BIDV và VPBank…