Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sacombank ra sao dưới thời Chủ tịch Đặng Văn Thành?

Gần 20 năm ngồi ghế chủ tịch HĐQT, ông Đặng Văn Thành là một trong những người đưa Sacombank từ một ngân hàng nhỏ thành thương hiệu lớn.

Sacombank ra sao dưới thời Chủ tịch Đặng Văn Thành?

Gần 20 năm ngồi ghế chủ tịch HĐQT, ông Đặng Văn Thành là một trong những người đưa Sacombank từ một ngân hàng nhỏ thành thương hiệu lớn.

Ông Đặng Văn Thành bắt đầu làm việc tại Sacombank từ năm 1993 với vai trò là Ủy viên HĐQT Sacombank, bắt đầu giữ chức Chủ tịch HĐQT Sacombank từ năm 1994. Ông được xem là người tạo nên “hồn” cho Sacombank và đưa nhà băng này, từ một ngân hàng địa phương được sinh ra bởi việc hợp nhất Ngân hàng phát triển kinh tế Gò Vấp (TP.HCM) với 3 hợp tác xã tín dụng quận trở thành một thương hiệu lớn trong ngành tài chính ở Việt Nam. Dưới dự dẫn dắt của ông Đặng Văn Thành, Sacombank ngay khi vừa thành lập đã là ngân hàng đầu tiên khai trương chi nhánh tại Hà Nội, phát hành kỳ phiếu có mục đích và chuyển tiền nhanh giữa Hà Nội đi TP.HCM, giảm thanh toán tiền mặt.

 

 Từ một ngân hàng được hợp nhất bởi các định chế địa phương, Sacombank trở thành một trong những cái tên lớn trên thị trường tài chính

Năm 1996, Sacombank là ngân hàng đầu tiên phát hành cổ phiếu đại chúng với mệnh giá “khủng” lên tới 200.000 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là sự kiện nhà băng này hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 7.100 tỷ đồng với gần 9.000 cổ đông tham gia góp vốn. Sacombank cũng ghi dấu ấn với việc là ngân hàng đi tiên phong trong thành lập tổ tín dụng ngoài địa bàn, đưa vốn về nông thôn, góp phần cải thiện đời sống của các hộ nông dân và hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi trong nền kinh tế. Năm 2006, Sacombank là ngân hàng đầu tiên niêm yết 190 triệu cổ phiếu, song Chủ tịch Đặng Văn Thành không kỳ vọng về giá mà chỉ mong muốn thu hút được nhà đầu tư chiến lược.

Nhìn lại kết quả kinh doanh của Sacombank từ những năm 2005 đến nay - thời kỳ Đặng Văn Thành còn “cầm cương”, có thể thấy, ngân hàng này hoạt động tương đối ổn định với các chỉ tiêu tăng dần đều. Năm 2005, vốn tự có đạt trên 1.700 tỷ đồng, tăng 11 lần so với năm 2000, mạng lưới giao dịch hiện diện tại 31/64 tỉnh thành trên cả nước, lợi nhuận tăng trưởng bình quân 67%/năm, thị giá cổ phiếu được thị trường chấp thuận cao hơn 5 lần so với mệnh giá.

Năm 2006, tại báo cáo thường niên, ông Đặng Văn Thành tuyên bố, Sacombank luôn xem khách hàng là hạt nhân, nhân viên là tài sản quý giá, tối đa hóa giá trị cho cổ đông và nhà đầu tư là mục tiêu hàng đầu. Tăng trưởng bình quân năm 2006, theo báo cáo là 50-70% so với 2005, là ngân hàng duy nhất đạt 2/8 kỷ lục từ ngày thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động, có vốn điều lệ cao, mạng lưới hoạt động rộng nhất tại Việt Nam.

Cho đến trước 2008, Sacombank vẫn có mức tăng trưởng khá. Chỉ đến quý II/2008, nhà băng này bắt đầu điều chỉnh một số chỉ tiêu như lợi nhuận. Lý giải sự kiện này, ông Đặng Văn Thành cho hay đây chỉ là động thái nhằm thích nghi với chính sách tiền tệ thắt chặt.

Năm 2009, cổ phiếu của nhà băng này được bình chọn là 1 trong 19 cổ phiếu vàng. Tại báo cáo thường niên 2011 của Sacombank, ông Đặng Văn Thành chia sẻ những lời tâm huyết và gửi lời cảm ơn tới cổ đông, nhà đầu tư, đội ngũ nhân viên… để làm nên Sacombank từ 3 tỷ vốn điều lệ lên hơn 10.000 tỷ, từ 100 cán bộ nhân viên lên gần 10.000 người. Số liệu cuối cùng tính đến 31/10 khi ông Đặng Văn Thành còn làm Chủ tịch HĐQT, Sacombank có tổng tài sản tăng 7%, tăng tín dụng 9,1% so với cuối 2011, tiền gửi khách hàng tăng 17%, song chưa thấy ngân hàng này công bố lợi nhuận.

Thời kỳ ông Thành làm Chủ tịch HĐQT, Sacombank cũng là một trong những ngân hàng tiên phong giảm lợi nhuận để đầu tư vào bất động sản, mua các vị trí đẹp làm văn phòng, phòng giao dịch thay vì đi thuê như nhiều nhà băng khác. Đến nay, mạng lưới của nhà băng này lên tới 416 điểm giao dịch cùng với các chi nhánh tại 2 nước Lào, Campuchia.

Trước thương vụ thâu tóm Sacombank bởi nhóm cổ đông nắm 51% cổ phần, ông Thành đã từng khẳng định, nếu những người đầu tư vào nhà băng này hội tụ đủ các điều kiện thì sẽ được chào đón và quả quyết, hội đồng sáng lập cũng sẽ mời gọi cá nhân, tổ chức góp vốn, trở thành thành viên HĐQT, đóng góp cho chiến lược phát triển của STB.

Tuy vậy, cũng dưới thời ông Đặng Văn Thành, Sacombank bị rơi vào vòng xoáy thâu tóm, cuối cùng thì vị thuyền trưởng của nó đã phải rời khỏi con tàu này. Trả lời về việc ngân hàng rơi vào tay nhóm cổ đông khác nắm giữ 51% cổ phần sẽ tác động đến tỷ lệ cổ phần nắm giữ của mình, ông Đặng Văn Thành cho hay điều này không quan trọng bằng việc nhóm cổ đông mới có thực sự vì sự phát triển của Sacombank hay chỉ để “trục lợi”.

Hiện tại, khi ông Đặng Văn Thành thôi làm chủ tịch HĐQT Sacombank, các thành viên cũ trong HĐQT ngân hàng này tính đến ngày 2/11 chỉ còn Đặng Hồng Anh và Trần Xuân Huy- cùng đảm nhiệm chức danh Phó chủ tịch HĐQT. Đặng Hồng Anh là con trai ông Đặng Văn Thành.

Lan Anh

Theo Infonet

Lan Anh

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm