Một cuốn sách tranh của họa sĩ Norman Rockwell mà Trần Đức Quyền mua được. Ảnh: Đức Huy. |
Từ khi còn là sinh viên năm nhất, Trần Đình Quyền (24 tuổi, trú tại Tây Mỗ, Hà Nội) đã quyết định sưu tầm sách. Từ các bộ truyện tranh cũ thu mua ở hàng đồng nát hay trên Đường Láng, Quyền đều giữ lại và phân loại chúng trong tủ sách của mình.
Trong một lần tình cờ tìm kiếm thông tin về những dòng sách nước ngoài, Quyền biết đến các cuốn sách tuổi đời trên 100 năm đang được rao bán tại Mỹ. Phải mất nhiều tháng trời, Quyền mới có thể kết nối được với đầu mối ở nước ngoài để họ bán sách cho mình.
Các cuốn sách Quyền sưu tầm có giá từ 1.000 USD cho đến 8.000 USD. Đa phần là các cuốn sách tranh trong lĩnh vực y học giải phẫu, nghệ thuật, hội họa và văn học. Các cuốn sách tranh này được in khổ A2, mạ vàng phần viền và bọc bằng da. Một số ấn phẩm được các thư viện bán lại, một số khác Quyền mua được từ các thương lái nước ngoài.
Quyền từng tham gia vào các phiên đấu giá sách online tại Anh, Mỹ nhưng anh chưa từng giành được cuốn sách nào. Quyền giải thích rằng môi trường đấu giá nước ngoài rất khắc nghiệt, họ cạnh tranh nhanh, trả giá cao.
Để có được số tiền sưu tập sách cổ, Quyền thường mua bán những cuốn sách hiếm, chẳng hạn sách xuất bản lần đầu, sách có chữ ký tác giả, sách giới hạn trên thế giới... Mỗi cuốn sách hiếm thường được bán ra với giá từ 500 cho đến 3.000 USD tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, Quyền cho biết chất giấy của sách ngoại rất tốt nên mối mọt không xâm nhập, việc bảo quản cũng đơn giản hơn.
Cùng đam mê với Quyền, anh Lê Anh Đức (35 tuổi, tại TP.HCM) cũng thường tìm kiếm trên thị trường những cuốn sách ngoại có tuổi đời trên 100 năm. Đa phần, anh Đức đều lấy sách từ nước ngoài. Mỗi lô sách của anh có thể lên đến 600 triệu đồng. “Ở nước ngoài hay có những buổi garage sale của một gia đình tổ chức. Đấy là khi họ muốn thanh lý đồ cũ của người chủ trước trong ngôi nhà của họ. Thông qua những buổi như này, tôi có tìm được một số cuốn sách cổ với giá hời”, anh Đức chia sẻ.
Anh Đức cho biết, trong một lần tìm kiếm trên mạng anh có mua được một cuốn Kinh Thánh từ thế kỷ thứ XVII với giá 3000 USD. Thế nhưng đây không phải dòng sách thuộc lĩnh vực của mình nên anh đã bán lại với giá 16.000 USD. Đối với anh Đức, những cuốn sách cổ luôn đem đến một cảm giác rất đặc biệt. “Sách cổ đối với mình là những khó báu. Một số cuốn sách lưu trữ khá nhiều kiến thức về văn minh thế giới và khu vực. Sau khi đọc qua một lần mình thấy bất ngờ với những thứ được viết trong đó. Dẫu vậy, các cuốn sách cổ thường khá khó đọc vì một số từ không thể tra trong từ điển hiện đại”, anh Đức nói.
Quá trình săn sách ngoại cổ không đơn giản chỉ thông qua các cuộc đấu giá hay làm việc với một số thương lái bên nước ngoài. Công việc này buộc người chơi phải có một kiến thức nhất định về sách cổ. Đối với những dòng sách hiếm, các tác giả bên nước ngoài sẽ có giấy chứng nhận hoặc một bằng chứng cụ thể. Nhưng với sách cổ, người mua phải tìm hiểu về chất liệu giấy, công nghệ in ấn nước ngoài cũng như thông tin được in trong sách.
Anh Nguyễn Đức Tùng (29 tuổi, một người sưu tầm sách ngoại tại Hà Nội) chia sẻ: “Chất giấy của nước ngoài thời điểm 100 năm trước đã có thể sánh ngang với giấy in trong nước hiện tại rồi. Công nghệ in ấn, đóng bìa của họ cũng khác. Các chất da đóng trên cuốn sách phải là da thật, không phải da PU thông thường”.
Các cuốn sách ngoại cổ hiện vẫn còn khá hiếm trên thị trường Việt Nam. Giá của chúng thường dao động từ 1.000 đến 5.000 USD. Không chỉ dừng lại ở một hình thức đặc biệt, những cuốn sách này thường là các bộ sưu tập tranh ảnh, cơ sở lưu trữ thông tin được tác giả làm rất kỹ lưỡng.