Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sách giáo khoa mới có thực sự giảm tải?

Học ngày 2 buổi nhưng học sinh tiểu học vẫn phải làm nhiều bài tập về nhà, đi học thêm. Sách giáo khoa (SGK) mới triển khai một số năm song giáo viên vẫn còn bỡ ngỡ.

Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề giảm tải trong SGK mới. Ảnh: Tiền Phong.

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới hứa hẹn sẽ thay đổi phương thức, chất lượng đầu ra cho học sinh. Triển khai trên thực tế từ năm học 2020-2021, đến nay là năm thứ 3 ở bậc tiểu học; năm thứ 2 bậc THCS và năm đầu tiên ở bậc THPT. Tuy nhiên, cả người học lẫn giáo viên, quản lý vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Trong khi đó, phụ huynh, học sinh chưa nhìn nhận được sự khác biệt.

Có 2 con học tiểu học ở trường công lập (một lớp 4 học chương trình hiện hành, 1 học lớp 2 chương trình GDPT mới), chị Trần Thanh Hương, quận Thanh Xuân (Hà Nội), cho rằng không thấy sự khác biệt. Ngoài học ngày 2 buổi ở trường theo thời khoá biểu, con chị Hương vẫn phải đi học thêm ở ngoài các môn Toán, Tiếng Việt do chính cô giáo đứng lớp dạy. Mỗi tối, giáo viên vẫn giao nhiều bài tập trong SGK lẫn phiếu bài tập. Các con phải làm đến 22h mới xong.

“Gặp bài toán khó, con vò đầu bứt tai không giải được. Nếu cứ ngồi nghĩ sẽ rất muộn nên tôi giục con bỏ bài đi ngủ. Ngoài ra, ở trường, con muốn học thêm kỹ năng gì như múa, vẽ, võ… phải đóng thêm tiền. Theo sát việc học của con, tôi không thấy sự khác biệt giữa học sách mới và sách cũ”, chị Hương nói.

Trong khi đó, phụ huynh con học lớp 2 khối trường tư thục lại “kêu” giáo viên giao quá nhiều bài tập thực hành, ứng dụng cuộc sống. Điều bất cập là con không thể làm được những “dự án”, bài tập ứng dụng khó nên tối về bố mẹ lại phải “bò ra” làm cùng con.

Nhiều năm dạy học lớp 4 và lớp 5, năm nay cô giáo Nguyễn Việt Hương, trường Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng (TP Thái Nguyên), được phân công đứng lớp 3, là năm đầu tiên dạy học SGK mới. Cô Hương cho biết do mới dạy SGK mới được vài tháng, giáo viên vẫn còn bỡ ngỡ.

Tuy nhiên, SGK đã có sự giảm tải so với chương trình hiện hành. Cô cảm nhận học sinh vui tươi, hứng thú với bài học hơn chương trình cũ. Học sinh đã học ngày 2 buổi nên giải quyết hết bài tập trên lớp, không giao bài tập về nhà.

Ngay cả phần bài tập trong SGK Tiếng Việt cũng chỉ yêu cầu học sinh về nhà đọc thêm sách báo, sau khi đọc xong viết tên truyện để báo cáo trong phần thu hoạch. “Tuy nhiên, để tổ chức nhiều hoạt động kết hợp theo phương pháp giảng dạy mới, giáo viên rất vất vả”, cô Hương nói.

Cô giáo Phạm Thị Ngọc Huệ, giáo viên trường THPT Đông Anh (Hà Nội). đánh giá SGK mới rất hay. Giáo viên có thể tổ chức các lớp học đảo ngược, trong đó học sinh lần lượt trả lời được hết các câu hỏi đã lĩnh hội đủ kiến thức. Tuy nhiên, kiến thức SGK lớp 10 năm nay, năm đầu tiên thay sách, không có nội dung nào được cắt giảm so với năm ngoái. Thậm chí, một số kiến thức của lớp 11 trước đây lại đưa vào lớp 10.

“So với chương trình hiện hành, kiến thức trong SGK mới vẫn là những nội dung đó được sắp xếp lại theo cách khác nhau và có hướng tiếp cận khác nhau. Nói giảm tải là không có", cô Huệ nói.

Quỹ lớp trường công dự chi gần 300 triệu, riêng chụp ảnh 60 triệu đồng

Thêm một lớp học ở trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM) bị phản ánh tình trạng ban phụ huynh lớp dự chi quá nhiều khoản và quá nhiều tiền cho các hoạt động chung.

https://tienphong.vn/sach-giao-khoa-moi-co-thuc-su-giam-tai-post1475481.tpo?gidzl=08qUN7JS-6e1b1XQSSVvRGEM7bzhoFzg6PWO3ZhAhp59pqjLRiYlOHoV70GuoVqn6CaT1pD6Pj46Tz_zRG

Hà Linh / Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm