Theo Evening News, một cuốn sách dùng để gian lận của sĩ tử Trung Quốc thời xưa vừa được ra mắt tại một hội thảo giữa các nhà sưu tập ở Changsha, tỉnh Hồ Nam. Nó là phiên bản thu nhỏ từ các bộ sách Tứ thư Ngũ kinh của Khổng Tử.
Cuốn sách chỉ lớn hơn hộp diêm một chút trong khi các chữ cái trong đó bé bằng hạt gạo. Long Guisheng, chủ cửa hiệu bán sách cổ ở Hồ Nam, cho hay cuốn sách này được các sĩ tử thời nhà Minh và nhà Thanh (1368 – 1911) sử dụng như “phao cứu trợ” lúc đi thi.
Theo Daily Telegraph, cuốn sách “gian lận” nói trên được phát hiện ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông vào năm 2009, gồm 160 trang. Mỗi trang dài 6 cm, rộng 5 cm.
Cuốn sách "gian lận" được trưng bày ở Changsha, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Theo SCMP, các sĩ tử thời xưa thậm chí còn mang theo những cuốn sách có kích thước nhỏ hơn thế này bằng cách may chúng vào quần áo hoặc giấu trong giày.
“Nếu gian lận trót lọt, họ sẽ có nhiều khả năng đỗ đạt hơn”, ông Long nói.
Thông tin về chủ nhân cũng như giá trị của cuốn sách hiện chưa được tiết lộ. Phó chủ tịch Hiệp hội các Nhà sưu tập Trung Quốc Shi Xiaoyan cho hay giá của cuốn sách này rất cao. Trước đó, một cuốn sách tương tự được tìm thấy ở Hải Nam dày 32 trang với 32 triệu ký tự có giá hơn 10.680 USD.
Trung Quốc tổ chức các kỳ thi khoa bảng để tuyển chọn quan chức trong vòng 1.300 năm với đề thi dựa trên những tác phẩm kinh điển. Hệ thống thi cử này để lại những ảnh hưởng nhất định đến kỳ tuyển sinh đại học hiện nay ở Trung Quốc.