Ảnh minh họa: Nguồn: Forbes. |
Vi phạm bản quyền sách điện tử là phân phối và chia sẻ trái phép sách kỹ thuật số có bản quyền mà không có sự cho phép của chủ sở hữu bản quyền hoặc nhà xuất bản. Việc vi phạm có thể có nhiều hình thức, bao gồm tải sách điện tử lên các trang chia sẻ tệp, phân phối bản sao qua email hoặc chia sẻ chúng trên mạng P2P (ví dụ: Skype, MSN...).
Vi phạm bản quyền sách điện tử có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về tài chính và pháp lý cho tác giả, nhà xuất bản và các bên liên quan khác trong ngành xuất bản. Nó có thể dẫn đến mất doanh thu, giảm doanh thu và giảm lợi nhuận cho những người sản xuất và phân phối sách điện tử hợp pháp.
Những thủ đoạn làm sách lậu hiện nay
Hiện nay, nhiều nỗ lực đã được thực hiện để chống vi phạm bản quyền sách điện tử, chẳng hạn công nghệ quản lý quyền kỹ thuật số (DRM), nâng mức xử phạt đối với người vi phạm, các chiến dịch nâng cao nhận thức và giáo dục về vi phạm bản quyền. Dù vậy, vi phạm bản quyền sách điện tử vẫn tiếp tục là một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là ở các quốc gia nơi luật bản quyền không nghiêm ngặt hoặc khó thực thi.
Arvyn Cerezo, biên tập viên của Book Riot, chỉ ra rằng một hành vi vi phạm bản quyền phổ biến nhất là việc tạo ra các bản sao, phiên bản điện tử của những cuốn sách in. Nhiều người chưa nhận thức rằng bản thân họ đang vi phạm pháp luật.
Một số hacker có thể download những ấn phẩm bản ePub hoặc PDF trên các website bán sách. Sau đó họ có thể bẻ khóa DRM do nhà cung cấp tạo ra. Sau khi loại bỏ được DRM, sách điện tử có thể được chia sẻ và lưu trữ trên các nền tảng khác nhau. Thậm chí những kẻ làm lậu thường sử dụng sách như một mồi câu để kiếm doanh thu bằng quảng cáo.
Một cách khác, được áp dụng nhiều hơn với những kẻ làm lậu nghiệp dư là quét (scan) từng trang sách in thành phiên bản điện tử. Từ đó, "tên trộm sách" có thể tạo nên các phiên bản PDF, ePub lưu hành trên thiết bị điện tử, bao gồm cả các máy đọc sách.
Bối cảnh bảo vệ bản quyền sách trở nên phức tạp hơn
Rất có thể nhiều nhà xuất bản Mỹ không biết rằng sách điện tử của họ đang được bán và thu lợi bất hợp pháp ở những nơi khác trên thế giới.
Người dùng có tài khoản frenchnbookish đã chia sẻ trên twitter: "Các BookToker (người làm nội dung về sách trên Tiktok) đang tạo video giải thích các cách khác nhau để ai cũng có thể vi phạm bản quyền sách. Bạn không thể gọi mình là người yêu sách khi bạn đang ăn cắp của những tác giả đang cố kiếm sống và làm việc cật lực để những người như bạn có thể ăn cắp của họ".
Theo GoodEreader, những góc khuất này của Internet đã tạo ra một nền văn hóa vi phạm bản quyền khó có thể ngăn chặn, khiến các nhà xuất bản gặp khó khăn trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ và nguồn doanh thu của họ. Các đơn vị cung cấp nền tảng mạng xã hội không đưa ra các chính sách bảo vệ bản quyền của sách. Trong khi lượng người tham gia những nền tảng này ngày càng đông. Vì vậy, sách lậu càng có không gian để "lộng hành".
Cuộc chiến bảo vệ bản quyền sách gần đây còn trở nên phức tạp hơn khi vụ kiện thư viện miễn phí Internet Archive nổ ra. Các nhà xuất bản Hachette Book Group, HarperCollins, John Wiley & Sons và Penguin Random House đều đã đệ đơn kiện tổ chức này vì tạo ra bản sao và cho mượn 127 cuốn sách điện tử trái phép.
Thẩm phán liên bang John G. Koeltl nói rằng: "Internet Archive đang tạo ra các tác phẩm 'phái sinh' bằng cách biến sách in thành sách điện tử và phân phối chúng. Đơn vị này không còn quyền làm như vậy nữa". Tuy nhiên, vụ kiện này vẫn chưa thể đi đến hồi kết bởi Brewster Kahle, người sáng lập Internet Archive, vẫn đang kiên quyết kháng cáo.
Hệ quả của việc vi phạm bản quyền sách tràn lan
Nielsen (đơn vị chuyên thực hiện các nghiên cứu về truyền thông) đã thực hiện một cuộc khảo sát người tiêu dùng. Ước tính các nhà xuất bản tại Mỹ đã thiệt hại trung bình 315 triệu đôla mỗi năm, từ 2017, do vấn nạn vi phạm bản quyền sách điện tử.
Giao diện đọc ebook của các máy đọc sách hiện nay. Ảnh: GoodEreader. |
Theo ước tính của Parks Associates, tỷ lệ vi phạm bản quyền đối với các dịch vụ phát trực tuyến của Mỹ dự kiến sẽ tăng từ 22% vào năm 2022 lên 24,5% vào năm 2027. Lượng truy cập vào các trang web lưu trữ sách lậu ngày càng tăng kể từ năm 2020, các nhà lãnh đạo vẫn đang đau đầu tìm cách ban hành chính sách bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng.
Riêng thể loại manga tại Nhật, vào ngày 23/4 vừa qua, Hiệp hội Phân phối nội dung quốc tế (CODA) công bố ước tính các ấn phẩm đang bị làm lậu có thể gây ra thiệt hại lớn cho các công ty giải trí của đất nước "Mặt Trời mọc". Nhóm giám sát nghi ngờ sự gia tăng của vi phạm bản quyền là do đại dịch. Mọi người bị cô lập trong nhà của họ và sự gia tăng hoạt động giải trí trong nhà này có thể đã khiến cư dân mạng vi phạm bản quyền.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Từ ngày 21/4, Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.