Sau bộ sách Hít hà mùi đất nước đoạt giải B Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 6 năm 2023, Quỳnh Hương (còn được biết đến với bút danh Mình là Hũ hay Hũ) trở lại với tác phẩm Chầm chậm như nước (tiếng Việt) và Slow flow (tiếng Anh). Đây là tác phẩm cô kết hợp cùng họa sĩ Tiny Pochi, như lời khẳng định sẽ phát triển tập trung vào thể loại sách tranh dành cho trẻ em.
Tác giả Quỳnh Hương (trái) cùng sách Slow flow tại một thư viện Hàn Quốc. Ảnh: NVCC. |
Giới thiệu Chầm chậm như nước đến bạn bè quốc tế
Trước khi tác phẩm chính thức ra mắt tại Việt Nam, tác giả Quỳnh Hương đã có một buổi giới thiệu và đọc sách đặc biệt tại Chiang Mai trong sự kiện "International Children’s Book" (Sách Thiếu nhi Quốc tế) do Slowbooks, Mountain Mind Publishing và các sinh viên khoa nhân học tại Đại học Chiang Mai phối hợp tổ chức. Sự kiện cũng nằm trong chuỗi dự án "Slowbooks World Reading Tour" - mang sách tranh trẻ em đi giới thiệu kết hợp thực hiện các dự án ý nghĩa của Slowbooks.
Tại đây, tác giả Quỳnh Hương đọc Chầm chậm như nước và Slow flow song song với việc triển lãm, talkshow và workshop cho những người chăm sóc trẻ tại thành phố Chiang Mai. Talkshow có sự tham gia của các tiến sĩ văn học và nghệ thuật có tiếng tại TP Chiang Mai, thảo luận về đóng góp của sách thiếu nhi trong việc nuôi dưỡng niềm hạnh phúc và tình yêu thiên nhiên, từ đó thúc đẩy trẻ em và cả người lớn có những hành động cụ thể bảo vệ thiên nhiên.
Tác giả ra giới thiệu sách Slow flow và Chầm chậm như nước tại Chiang Mai, Thái Lan. Ảnh: Slowbooks. |
Tiến sĩ Virine Hutasangkas (Giảng viên Đại học Chiang Mai, Thái Lan) chia sẻ: "Slow flow thực sự nuôi dưỡng trái tim của người lớn chứ không chỉ dành cho trẻ em. Cần có nhiều hơn nữa những cuốn sách tạo được cảm giác bình an và đưa ra những chỗ trống êm dịu cho trẻ em bước vào để được ấp ôm".
Chị Wiratee Tapingkae - Người sáng lập Mountain Mind Publishing - cũng nhận xét: "Cuốn sách này làm cho tôi cảm động. Tôi như được làm một em bé lần nữa tìm lại chính mình trước những lựa chọn của cuộc đời. Khi nghe bài hát được viết lên từ lời cuốn sách, tôi đã rất cảm động".
Cả hai phiên bản Chầm chậm như nước (tiếng Việt) và Slow flow (tiếng Anh) đều là "lời gốc" do tác giả Quỳnh Hương viết chứ không phải tác phẩm dịch. Bìa hai phiên bản cũng khác nhau do các tác giả nghiên cứu về phong cách sách tranh phù hợp với người Việt và sách tranh có thể đưa ra thị trường quốc tế.
Hai tác giả làm sách có tư duy cầu tiến và và hướng đến tính quốc tế, đã nghiên cứu kỹ lưỡng về các thị trường sách tranh khác nhau trên thế giới. Tác phẩm in khổ to (21x25 cm), có bìa áo và các kỹ thuật in với nhiều điểm nhấn cho độc giả khám phá. Cuối mỗi cuốn sách là một bản nhạc bài hát dựa trên lời thơ của cuốn sách.
Tháng 5 này, Slowbooks trao tặng Slow flow cho một số thư viện sách tranh tại Hàn Quốc. Một số hiệu sách độc lập tại Hàn Quốc cũng trưng bày Slow flow và mời bạn đọc Hàn Quốc đến đọc cuốn sách. Ngày 31/5, tác giả Quỳnh Hương sẽ có một buổi ra mắt chính thức tại Busan, Hàn Quốc.
Theo đuổi làm sách tranh thơ chất lượng cao
Sách tranh thơ (poetry picturebook) có đặc điểm là sự tương tác giữa văn thơ và chuỗi hình ảnh minh họa. Khác với tập thơ hoặc tuyển tập minh họa thơ, hình ảnh minh họa xuất hiện trong sách tranh thơ sẽ đóng góp vào câu chuyện của bài thơ, một số hình ảnh còn kết hợp làm nên cấu trúc thơ.
Văn bản và hình ảnh gắn kết hài hòa, trở thành một, ý nghĩa của tác phẩm được tạo ra thông qua sự tương tác phức tạp giữa hình ảnh và lời nói. Kết quả là tác phẩm kết hợp cách diễn giải cá nhân của những người cùng sáng tạo.
Trong thời đại xã hội cần những thông tin nhanh chóng và câu chuyện kịch tính như hiện nay, tạo ra một cuốn sách tranh thơ mà câu chuyện nằm trọn vẹn trong những khoảng không lời là một sự rủi ro. Điều này đòi hỏi những người sáng tạo phải có đủ kỹ thuật và cảm xúc trong dụng công màu nước, phải tạo ra đủ không gian để độc giả đồng sáng tạo với câu chuyện, phải nghiên cứu sâu sắc về màu sắc để tạo được cảm giác thư giãn.
Tác phẩm Slow flow và Chầm chậm như nước (trái) và một phần trích từ Chầm chậm như nước (phải). Ảnh: FBNV. |
Chầm chậm như nước và Slow flow có lẽ đúng như "lời hứa" ngay từ tựa sách, đã làm được điều này. Xuyên suốt cuốn sách là hệ thống các câu chuyện tưởng chừng như đơn giản nhưng lại lớp lang tầng nghĩa. Đơn vị phát hành đã giới thiệu tác phẩm là "sách thân thiện cho 'trẻ em' từ 3 tuổi đến 100 tuổi". Sách bao gồm mười hai bức tranh màu nước vẽ tay, kể hành trình một em bé phi giới tính lớn lên từ dòng sông và kết thúc ở một dòng sông.
Nếu tập trung quan sát nhịp điệu của cuốn sách, độc giả như được đi cùng hành trình lớn lên của một em bé: Cuộn tròn trong bụng mẹ, ra đời, tập bò, tập đi, tập đứng, khám phá thế giới bao la và biết bối rối trước nhiều ngã rẽ. Cuối cùng, trong vô vàn ngã rẽ của cuộc sống, em bé đã chọn lựa con đường khiến mình nở nụ cười.
Tất cả những câu chuyện đó không được diễn ra bằng lời thơ. Lời thơ vốn giản dị, chỉ hướng đến dẫn dắt độc giả, nhưng chạm đến những nét vẽ tinh tế. Tác giả lặp đi lặp lại cụm "chầm chậm như..." như nhắc nhở độc giả quay về với bản thân mình, hòa điệu với em bé và lặng im khám phá thế giới tươi đẹp.
Nguyễn Hữu Quỳnh Hương (bút danh Hũ, hay Mình là Hũ) trước khi trở thành tác giả sách đã là một blogger về sống xanh được quan tâm và theo dõi. Quỳnh Hương đã ra mắt các tựa sách Sống xanh rồi mới sống nhanh (2020) và Thở giữa rừng người (2021)... trước khi chuyên tâm theo đuổi dòng sách tranh thiếu nhi. Tác phẩm Hít hà mùi đất nước (đồng sách tác với họa sĩ Trúc Nhi Hoàng) của Mình là Hũ được vinh danh tại Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2023.
Họa sĩ Tiny Pochi hiện sinh sống và làm việc tại Pháp. Cô từng được đề cử cho Giải thưởng Minh họa toàn cầu (World Illustration Award 2023) và có nhiều tác phẩm tranh màu nước được báo chí tại Pháp đánh giá cao.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.