Sạc iPhone giả - mối nguy hiểm chết người
Trong vòng chưa đầy một tuần, đã có tới hai vụ tai nạn vì điện giật từ sạc iPhone. Không qua đời ngay như cô tiếp viên hàng không Ma Ailun, nhưng anh Wu Jian cũng đang trong trạng thái hôn mê và có thể đã bị tổn thương tới não.
Vào cuối năm ngoái, một sự việc tương tự cũng xảy ra tại Anh, với một chiếc iPod. Điểm chung của những tai nạn này là những người bị nạn đều sử dụng sạc không chính hãng của Apple. Phụ kiện chính hãng có giá 20 USD, trong khi những sản phẩm phụ kiện nhái hoặc thay thế thường có giá dưới 5 USD, thậm chí chỉ 1 hoặc 2 USD, rõ ràng là dễ mua hơn rất nhiều.
Nhìn bên ngoài, thường thì các loại sạc nhái có kiểu dáng không khác gì sản phẩm xịn. Khi nhìn kỹ, đôi khi ta có thể nhận ra sự khác biệt ở các dòng chữ nhỏ in trên sản phẩm: có thể là "Design by Abble" hay "Designed by California", thay vì "Designed by Apple in California" như hàng xịn; nhưng nói chung chúng rất khó phân biệt khi nhìn bên ngoài. Tuy vậy, thành phần bên trong của hàng nhái và hàng xịn rất khác nhau. Quartz dẫn lời blogger Ken Shirriff:
Bên trong bộ sạc là một bộ cấp nguồn chuyển mạch rất nhỏ gọn, giúp chuyển đổi từ nguồn điện xoay chiều sang dòng điện một chiều ở đầu ra với điện áp 5V. Đầu tiên dòng xoay chiều được chuyển thành dòng một chiều cao áp. Qua biến áp, dòng một chiều trên được hạ xuống điện áp thấp hơn, đưa qua bộ lọc, thành dòng điện 5V ở đầu ra của cổng USB. Mạch hồi đáp sẽ đảm bảo cho điện áp luôn được ổn định ở mức 5V.
Các loại sạc của những hãng danh tiếng sử dụng một mạch tích hợp (IC) riêng để điều khiển quá trình này, nhưng các loại sạc rẻ tiền sử dụng các IC rẻ tiền và không đảm bảo.
Bên cạnh đó, các loại sạc rởm cũng không có các phương pháp tránh đoản mạch, hiện tượng có thể khiến cho sạc nóng lên hoặc dòng điện tăng một cách đột ngột.
Trong trường hợp "may mắn" nhất, các loại sạc rởm sẽ không thể sạc cho điện thoại của bạn. Tệ hơn thì chúng có thể làm hỏng điện thoại, hoặc thậm chí gây cháy. Và tất nhiên, trường hợp tồi tệ nhất là chúng sẽ khiến người dùng bị giật điện, gây nguy hiểm đến tính mạng. Theo Sherriff, điện áp bên trong bộ sạc có thể lên tới 340V DC, đủ để gây chết người.
Thực ra việc đảm bảo an toàn với các bộ sạc không quá phức tạp và đắt đỏ. Sherriff tính ra rằng một bộ sạc xịn của iPhone 4 chỉ có tổng giá trị linh kiện chưa tới 1 USD, cũng giống như bộ sạc của Samsung. Tuy nhiên sạc chính hãng của Samsung có giá bán lẻ từ 8 đến 10 USD, trong khi giá bộ sạc của Apple đắt gấp đôi. Việc nó sử dụng các chân cắm riêng cũng khiến nó trở nên bất tiện với một số người dùng, khi mà hầu hết các thiết bị hiện nay đều sử dụng chuẩn Micro USB.
Ở cáp kết nối Lightning trên iPhone 5, Apple đã trang bị thêm một chip mã hóa riêng để hạn chế các loại dây nhái. Dù thế các nhà sản xuất Trung Quốc đã rất nhanh vượt qua được chip mã hóa này, và đưa ra thị trường các loại cáp kết nối Lightning nhái với giá rẻ hơn hẳn. Và với người dùng các loại thiết bị trước, phụ kiện chuyển đổi có giá vài chục USD của Apple có vẻ rất đắt, nếu so với các loại cáp rẻ bèo của Trung Quốc.
Tuy vậy, khi nói tới sự an toàn của bản thân thì vài chục USD, hay vài trăm ngàn tiền Việt có lẽ không hề đắt.
Theo VnReview