Câu chuyện niêm yết của Sabeco kéo dài vài năm, đến hôm nay, 6/12, chính thức thành sự thật khi doanh nghiệp này lên sàn. Giá trị vốn hóa của Sabeco được ghi nhận ở mức tương đương 3 tỷ USD sau khi niêm yết.
Tuy nhiên bức tranh thực tế của thị trường bia khiến cho giá trị vốn hóa lớn của Sabeco không còn nhiều ý nghĩa. Nếu không nỗ lực cạnh tranh, nguy cơ thị trường trở thành “sàn diễn” của doanh nghiệp ngoại là có thật.
Thách thức thị phần
Vị trí dẫn đầu thị phần ngành bia vẫn đang nằm trong tay Sabeco với tỷ lệ 40%. Tuy nhiên trong bản cáo bạch mới công bố về việc niêm yết cổ phiếu trên HSX, doanh nghiệp thẳng thắn nhìn nhận nhiều nỗi lo. Trong đó việc giữ vững tỷ lệ thị phần đang bị thách thức bởi nhiều đối thủ cao cấp khác.
Thị phần của Sabeco đang bị thách thức bởi các doanh nghiệp ngoại. Ảnh: PLO. |
Sabeco vẫn luôn được đánh giá là “người khổng lồ bình dân” song sự chuyển dịch tiêu dùng khiến Sabeco không thể giữ mãi phân khúc này. Tương quan cạnh tranh trên thị trường có thể thay đổi và lúc đó việc chuyển hướng vào thị trường bia cao cấp như một lẽ tất yếu. Đây là lãnh địa Heineken và Sapporo đang chiếm lợi thế.
Theo ước tính của nhiều công ty nghiên cứu thị trường, dù sản lượng bia chỉ bằng 1/2 của Sabeco nhưng lợi nhuận Heineken thu được không thua kém, lên tới trên 2.000 tỷ đồng mỗi năm.
Không chỉ chuyển dịch về cơ cấu sản phẩm, khoảng cách về sản lượng cũng có thể bị thu hẹp bởi các doanh nghiệp ngoại đang có động thái gia tăng năng lực sản xuất tại Việt Nam.
Năm 2015, Sabeco dù đạt sản lượng 1,38 tỷ lít nhưng giới chuyên môn cho là gần như không có tăng trưởng. Trong khi đó, Heineken đã lần đầu tiên vượt qua Habeco để vươn lên vị trí thứ 2.
Trong tháng 7 vừa qua, Heineken mua lại Nhà máy bia Carlsberg ở Vũng Tàu, và có kế hoạch tăng công suất tại tỉnh này gấp 12 lần, từ 50 triệu lít lên 610 triệu lít. Bên cạnh đó, hãng còn tiến hành nâng cấp nhà máy bia ở Quảng Nam từ 25 triệu lít lên 120 triệu lít mỗi năm.
Với việc gia tăng năng lực sản xuất, sản lượng mỗi năm của Heineken tăng đều đặn 15% kể từ năm 2012 cũng là điều dễ hiểu. Năm 2015, doanh nghiệp này sản xuất 729 triệu lít, so với 1,38 tỷ lít của Sabeco.
Thị phần bia Việt Nam. Đồ họa: B.Nguyên. |
Trong khi đó, Sapporo sau khi mua lại cổ phần của liên doanh đã nâng công suất nhà máy ở Long An từ 40 triệu lít lên 100 triệu lít mỗi năm. AB Inbev mới khánh thành nhà máy bia 100 triệu lít/năm còn Masan có 2 nhà máy bia tổng công suất 200 triệu lít/năm…
Việc nâng cao sản lượng cũng đồng nghĩa với thúc đẩy các điểm bán đang được các doanh nghiệp ngoại tập trung đẩy mạnh.
Nhìn nhận về thực tế này, ông Phan Đăng Tuất, người rời khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT Sabeco cách đây chưa lâu, cho hay cuộc cạnh tranh trong ngành bia đang trở nên khốc liệt và giành giật từng điểm bán hàng, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Ngay cả ở những địa phương nhỏ sự cạnh tranh cũng rất gay gắt.
Nguy cơ là sân chơi của khối ngoại
Niêm yết sẽ gỡ bỏ được áp lực về cơ chế nhà nước trên vai Sabeco, tuy nhiên đó cũng là thời điểm doanh nghiệp quàng lên vai nỗi lo bị thâu tóm.
Hiện, số lượng nhà đầu tư ngoại tham gia mua cổ phần của Sabeco ngày một lớn và cũng chỉ nhà đầu tư ngoại mới đủ tiềm lực để đáp ứng được mức giá rất cao của Sabeco.
Theo ước tính của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, năm 2015, sản lượng bia cả nước đạt 3,4 tỷ lít. Tuy nhiên quy mô các doanh nghiệp có công suất lớn, từ 50 triệu lít đến 100 triệu lít mỗi năm, ngày càng tăng. Sự thâm nhập ngày càng mạnh mẽ của các tập đoàn bia lớn trên thế giới khiến cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Để củng cố vị thế trong phân khúc dòng bia phổ thông, Heineken có thể chi đậm để sở hữu ở Sabeco. Heineken đã nắm giữ khoảng 5% cổ phần và có ý định trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco.
Việc gia tăng sở hữu ở Sabeco sẽ giúp Heineken rút ngắn khoảng cách thị phần với chính đối tác này.
Không chỉ Heineken, ThaiBev - hãng bia nổi tiếng của Thái Lan - cũng tỏ ra quyết tâm sở hữu một phần Sabeco. Tháng 11/2014, ThaiBev đã ngỏ ý muốn sở hữu 53% cổ phần của công ty và định giá khoảng 2 tỷ USD.
Bên cạnh đó, nhiều hãng bia ngoại đang tìm cách tiến càng sâu vào thị trường bia Việt Nam. Carlsberg đặt mục tiêu nâng tỷ lệ sở hữu tại Habeco từ 17% lên 30%. Việc bán nhà máy tại Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây cũng được xem một cách để dồn lực vào thị trường phía Bắc, nhất là thương vụ Habeco.
Ngoài sở hữu cổ phần ở Habeco, Carlsberg còn nắm 100% cổ phần của bia Huế (Huda Beer), 60% cổ phần liên doanh Nhà máy Bia Đông Nam Á (Halida) cùng một số công ty nhỏ khác.
Còn hãng bia hàng đầu Nhật Bản cũng đã mua lại toàn bộ cổ phần của Vinataba trong liên doanh. Sau đó, Sapporo đã thay đổi nhận diện sản phẩm và đã mở rộng mạng lưới phân phối với 4.000 cửa hàng trên khắp cả nước.
Trong khi đó Singha - hãng bia đứng đầu của Thái Lan - đã rót vốn để nắm giữ 25% cổ phần tại Masan Consumer Holdings - đơn vị đầu tư Nhà máy Bia Masan Brewery HG tại Hậu Giang, với công suất 100 triệu lít/năm.
Những đầu tư mạnh mẽ này của khối ngoại hứa hẹn sẽ dần làm thay đổi thứ bậc trên thị trường bia. Trong đó, thứ hạng dẫn đầu của Sabeco, Habeco có nguy cơ bị đe dọa.
Các chuyên gia còn dự báo, dù Heineken hay bất cứ một hãng bia nước ngoài nào sở hữu cổ phần ở Sabeco, Habeco thì sớm muộn gì thị trường bia Việt Nam cũng sẽ là "cuộc chơi" của những hãng bia ngoại.