“Hình ảnh công ty tốt hơn, chuyên nghiệp hơn nhiều so với trước", CEO Sabeco nói về một trong những điều ông hài lòng sau 2 năm tái cấu trúc hãng bia lớn nhất Việt Nam.
Những bức tường của Nhà máy Bia Sài Gòn đã ngả màu, nằm phía sau hàng cây cổ thụ trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5, TP.HCM). Từ xưởng bia nhỏ do người Pháp lập ra năm 1875, nơi đây trở thành tiền đề của một doanh nghiệp vốn hóa 5 tỷ USD ngày nay - Sabeco.
Hơn một năm sau cuộc phỏng vấn ở văn phòng công ty trên một cao ốc quận 1, Zing gặp lại ông Bennett Neo, tổng giám đốc Sabeco, tại nhà máy 145 năm tuổi này. Ông Bennett nói muốn biến địa điểm này thành một bảo tàng sống, sẵn sàng mở cửa đón khách du lịch. “Đây là lịch sử và lịch sử rất quan trọng”, CEO Sabeco nhấn mạnh.
Một năm trước, phần lớn câu chuyện xoay quanh việc thay da đổi thịt Sabeco từ một tập đoàn Nhà nước sang công ty quốc tế sau khi ThaiBev đầu tư với triết lý tôn trọng lịch sử, truyền thống. Năm đầu tiên dưới sự điều hành trọn vẹn của CEO người Singapore, Sabeco đạt mức lợi nhuận kỷ lục. Tuy nhiên, 2020 là câu chuyện hoàn toàn khác với những biến số mới.
- Nửa đầu năm 2020 có phải là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử Sabeco?
- Đúng vậy. Quý I của Sabeco nói riêng và toàn ngành bia nói chung rất xấu. Chúng tôi phải đối mặt với dịch Covid-19, sự thay đổi sau Nghị định 100 và những tin đồn vô căn cứ. Kết quả kinh doanh vì thế đi xuống.
Bước sang quý II, dịch Covid-19, Nghị định 100 vẫn còn đó và một số tin giả vẫn nhắm vào chúng tôi nhưng tình hình kinh doanh tốt dần lên. Làn sóng thứ hai của dịch bệnh quay lại vào tháng 7 tại miền Trung nhưng ảnh hưởng lên công ty không lớn. Kết quả của Sabeco đang tốt hơn qua từng tháng.
- Ngoài dịch bệnh, công ty còn phải đối phó với tin giả?
- Chúng tôi đã vượt qua khó khăn do các tin đồn thất thiệt. Tôi nghĩ có những người chủ đích lan truyền tin giả về Sabeco. Điều đó rất tệ.
- Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, có lúc cổ phiếu Sabeco xuống đáy trong lịch sử. Đó có phải là áp lực với ông?
- Điều chúng tôi quan tâm nhất trong giai đoạn dịch bệnh là sức khỏe, sự an toàn của nhân viên và hoạt động kinh doanh. Giá cổ phiếu cũng quan trọng nhưng sự an toàn và lợi ích của người lao động là ưu tiên hàng đầu.
- Sabeco có chuẩn bị kịch bản sống chung với Covid-19 trong 1-2 năm tới khi chưa thể biết chính xác khi nào đại dịch mới kết thúc?
- Covid-19 xuất hiện làm mọi thứ xáo trộn. Chúng tôi biết trạng thái bình thường mới sẽ xuất hiện và chuẩn bị sẵn sàng. Ngoài việc quan trọng nhất là sự an toàn của nhân sự, một vấn đề khác là mô hình kinh doanh nào nên được áp dụng.
Nếu Covid-19 tiếp diễn, nhiều hoạt động kinh doanh sẽ chuyển từ kênh on-trade (tiêu dùng tại chỗ như nhà hàng, quán ăn) sang off-trade (mua mang về sử dụng như cửa hàng bán lẻ, siêu thị). Có nhiều kênh off-trade khác nhau từ truyền thống, hiện đại đến online. Việc kinh doanh trên 2 nền tảng on-trade và off-trade khác nhau.
Chúng tôi phải dành nhiều nguồn lực hơn để khai thác tốt hơn kênh off-trade. Trong giai đoạn dịch Covid-19, việc tập trung vào kênh off-trade là bắt buộc.
- Ngoài Covid-19, Nghị định 100 tác động đáng kể lên ngành bia. Nghị định này thay đổi hành vi tiêu thụ rượu bia của người Việt thế nào?
- Chúng tôi luôn ủng hộ Chính phủ. Sabeco ủng hộ việc sử dụng rượu bia có trách nhiệm, không lái xe sau khi dùng đồ uống có cồn.
Chính sách này được thực thi rất nghiêm ngặt. Tất nhiên, điều đó tác động lên việc kinh doanh. Nhưng không riêng ngành bia, nhiều địa điểm ăn uống phải đóng cửa vì không còn hoạt động tiêu thụ bia rượu và dịch Covid-19.
Với Nghị định 100, người tiêu dùng sẽ có ý thức và trách nhiệm hơn khi sử dụng bia. Thực tế trên thế giới, khi các nước thực hiện những chính sách tương tự một cách nghiêm ngặt, sản lượng tiêu thụ bia ngay lập tức sụt giảm nhưng sẽ phục hồi.
Việt Nam là đất nước đang phát triển với nền kinh tế tăng trưởng, dân số tăng. Hoạt động kinh doanh có nhiều điều kiện để tăng trưởng. Doanh số của Sabeco giảm nhưng sẽ sớm phục hồi trở lại.
Mặt khác, khi hệ thống giao thông công cộng phát triển hơn, người Việt sẽ ít sử dụng phương tiện cá nhân hơn. Khi đó, hành vi lái xe sau khi dùng bia rượu cũng sẽ ít dần.
- Theo ông, thị trường tiêu thụ bia khi nào mới có thể trở lại như trước dịch?
- Có thể trong 1-2 năm nữa. Điều này sẽ phụ thuộc nhiều thứ.
Covid-19 không chỉ ảnh hưởng Việt Nam. Cả thế giới hứng chịu hậu quả của đại dịch. Việt Nam là quốc gia xuất siêu. Khi kinh tế thế giới bị ảnh hưởng, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ đi xuống. Nhiều việc làm sẽ mất đi. Thu nhập khả dụng của người lao động sẽ giảm. Điều này tác động lên mức chi tiêu của người tiêu dùng cho tất cả mặt hàng. Bia không phải là ngoại lệ.
Còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng lên thương mại toàn cầu như quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, xu thế bảo hộ của nhiều quốc gia. Khi cánh cửa thương mại mở ra, công việc kinh doanh sẽ thuận lợi hơn. Nhưng nếu chúng đóng lại, nền kinh tế và các doanh nghiệp đều có thể bị ảnh hưởng.
Nhưng tôi vẫn đặt nhiều hy vọng. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở ASEAN. Khi đất nước phát triển, thu nhập của người dân sẽ tăng lên. Đó là cơ hội tăng trưởng không chỉ cho bia mà nhiều ngành hàng khác. Trong 1-2 năm tới, tôi nghĩ mọi thứ sẽ phục hồi trở lại như trước và thị trường sẽ tiếp tục phát triển.
- 6 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh nhưng Sabeco lại chi nhiều hơn cho hoạt động bán hàng, marketing trong khi nhiều doanh nghiệp tiết giảm chi phí tối đa. Đâu là lý do?
- Trong giai đoạn dịch bệnh, chúng tôi phải thay đổi cách bán hàng, đẩy mạnh kênh off-trade. Công ty triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hơn so với năm trước. Thị trường vẫn luôn tồn tại sự cạnh tranh. Nếu cắt giảm chi phí bán hàng, marketing, doanh thu sẽ còn thấp hơn nữa. Vì vậy, để giữ doanh số ở mức cao nhất trong khả năng, chúng tôi phải chi tiền.
- Ông từng nói khi thị trường ngủ đông cũng là cơ hội để công ty giành được thị phần lớn hơn. Thị phần của Sabeco có tăng lên sau giai đoạn vừa rồi?
- Tôi không bình luận về con số cụ thể nhưng thị phần của Sabeco ngày một tốt hơn so với các công ty đối thủ.
Kết quả đo lường thị phần dựa trên mẫu và có nhiều nguồn dữ liệu khác nhau về thị trường. Vì vậy, không ai biết con số chính xác tuyệt đối. Điều tôi quan tâm là xu hướng thị phần của công ty đang thật sự tiến lên hay thụt lùi chứ không phải là giá trị định lượng tuyệt đối.
- Gần đây, Sabeco ra mắt 2 thương hiệu bia mới. Đây có phải là quyết định mạo hiểm trong thời điểm hiện tại?
- Phân khúc quan trọng nhất trên thị trường bia Việt Nam là phổ thông. Sabeco có một vài thương hiệu lớn trong phân khúc này nhưng vẫn có thể phát triển thương hiệu mới.
Đó là lý do Bia Lạc Việt ra đời để tiếp tục mở rộng, hoàn thiện danh mục sản phẩm. Saigon Chill cũng vậy và hướng đến nhóm khách hàng trẻ trung, năng động. Có thêm thương hiệu, chúng tôi có thể chiếm miếng bánh lớn hơn trên thị trường.
Và đây cũng là thời điểm đặc biệt khi Sabeco tròn 145 tuổi.
- Nhưng thị trường chung đang rất xấu?
- Không sao cả. Không bao giờ có một thời điểm hoàn hảo tuyệt đối. Khi nghĩ về sản phẩm mới, tầm nhìn của chúng tôi không phải chỉ trong một vài tháng mà hướng về những lợi ích Sabeco thu được trong tương lai dài hạn.
- Ông có thể chia sẻ kết quả ban đầu của các sản phẩm mới không?
- Tôi không thể tiết lộ con số cụ thể nhưng kết quả đang đi đúng kỳ vọng. Tất cả số liệu được theo dõi hàng tuần. Lạc Việt ra đời không phải để thay thế Saigon Larger. Nhưng biết đâu đấy trong tương lai, doanh số của nó có thể vượt Saigon Larger.
- Sabeco sẽ tiếp tục tung ra thêm những nhãn hiệu mới chứ?
- Danh mục sản phẩm của Sabeco vẫn chưa đầy đủ 100%. Vẫn còn rất nhiều cơ hội để phát triển sản phẩm mới, thương hiệu mới.
Nhưng chúng tôi cũng có rất nhiều việc khác và cần thứ tự ưu tiên. Sabeco đang đi rất nhanh trong quá trình chuyển đổi. Với những thứ quan trọng nhất, chúng tôi sẽ phải hoàn thành thật tốt trước rồi hướng vào các công việc khác.
- Ông có định làm sản phẩm bia không cồn như đối thủ? Và chiến lược trong phân khúc cao cấp sẽ ra sao, nơi Bia Sài Gòn đang có phần lép vế so với những thương hiệu quốc tế?
- Bạn có muốn uống bia mà nồng độ cồn bằng 0 không? Đó cũng là một phương án chúng tôi có thể xem xét. Tôi nghĩ có những người chọn loại bia này nhưng số lượng chưa nhiều. Nếu nó thật sự có tiềm năng lớn, chúng tôi sẽ cân nhắc khả năng phát triển. Còn về phân khúc cao cấp, chúng tôi vẫn luôn quan sát.
- Khi dịch Covid-19 mới bùng phát, ông nói với nhân viên sẽ phải hy sinh một số thứ trong ngắn hạn để đảm bảo tương lai dài hạn. Sự hy sinh ở đây là gì?
- Trong ngắn hạn, người lao động phải hy sinh vì công ty. Sabeco đã đạt lợi nhuận rất cao và đúng ra nhân viên sẽ có những khoản thưởng, phúc lợi tốt. Nhưng trong tình hình hiện tại khi kết quả kinh doanh đi xuống, khoản thưởng sẽ bị cắt giảm.
Chúng tôi không muốn giảm lương và không bao giờ giảm lương với bất kỳ ai. Thưởng là thứ duy nhất bị cắt giảm. Sabeco không buộc ai phải nghỉ việc vì muốn bảo vệ càng nhiều việc làm càng tốt. Mỗi người hy sinh một phần nhỏ để tất cả cùng giữ được công việc.
Hay ví dụ như hoạt động team building. Đó là một phần trong chính sách phúc lợi nhưng năm nay không được tổ chức. Một phần vì dịch Covid-19 và một phần do công ty đang kiểm soát ngân sách. Chúng tôi hy sinh một số thứ để đảm bảo sự phát triển bền vững của công ty.
Trong quá khứ, bạn có thể làm việc theo cách bình thường. Nhưng trong giai đoạn “bình thường mới”, mọi người càng phải chăm chỉ hơn, suy nghĩ nhiều hơn để tìm cách vượt qua khó khăn. Đó cũng là một sự hy sinh.
- Chính sách cắt giảm phúc lợi vẫn đang được Sabeco áp dụng?
- Công ty đang kiểm soát ngân sách chặt chẽ. Nhưng đặc biệt, ngay lúc này, dù phải hy sinh một số thứ, chúng tôi vẫn làm việc chăm chỉ hơn để giúp đỡ nhiều người hơn.
Sabeco đang tổ chức một giải chạy tiếp sức toàn quốc để gây quỹ ủng hộ người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tôi cũng đang triển khai một dự án cá nhân để gây quỹ trao học bổng cho con cái của nhân viên công ty. Chúng tôi cùng hy sinh, hỗ trợ lẫn nhau và đứng bên nhau.
- Tại sao Sabeco không chọn cách cắt giảm nhân sự để vượt qua giai đoạn khó khăn như nhiều doanh nghiệp khác?
- Tôi tin tưởng khó khăn chỉ là vấn đề ngắn hạn. Việc kinh doanh rồi sẽ hồi phục trở lại.
Chúng tôi đã dày công đào tạo nhân sự. Nếu buộc họ rời đi, sau này chúng tôi sẽ lại phải thu hút nhân tài và đào tạo lại lần nữa. Chúng tôi muốn tất cả nhân viên không ai phải nghỉ việc. Nhiều người phụ thuộc vào tiền lương. Chúng tôi hiểu điều đó và cố gắng hết sức. Mỗi người hy sinh một ít để tất cả cùng duy trì được công việc.
Sabeco có nhiều công ty con, công ty liên kết (tỷ lệ sở hữu dưới 50%) và không thoái vốn ở bất kỳ doanh nghiệp nào. Chúng tôi cũng cố gắng giúp họ nhiều nhất có thể.
- Quá trình tái cấu trúc Sabeco, chuyển đổi một doanh nghiệp Nhà nước sang một công ty quốc tế có có bị ảnh hưởng vì đại dịch sau những thành công ban đầu?
- Thật sự dịch bệnh cho chúng tôi thời gian để nhìn lại. Mọi thứ cứ chạy liên tục, liên tục rồi Covid-19 xuất hiện. Covid-19 khiến tôi và ban điều hành có thời gian để suy nghĩ nhiều hơn.
Dịch bệnh xuất hiện kéo theo hoạt động của kênh on-trade đi xuống. Lúc này, sự tập trung phải chuyển từ kênh on-trade sang off-trade. Chúng tôi nhận ra Sabeco không mạnh về off-trade, không giỏi về online. Dịch bệnh buộc chúng tôi tập trung cải thiện những thứ chưa làm tốt. Đó là mặt tích cực. Chúng tôi có cơ hội ngồi xuống nhìn lại, nghĩ lại, hoạch định lại nhiều thứ.
Covid-19 cũng giúp nhân viên Sabeco nhận ra nhiều điều. Trước đây, mọi người quen với việc công ty luôn tăng trưởng và bản thân nhận được những khoản thưởng tốt. Đây là lúc họ biết rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng bằng phẳng.
Nếu mọi thứ luôn trơn tru, bạn có thể không bao giờ biết quý trọng những thứ đang có. Covid-19 giúp chúng tôi hiểu mọi thứ không thể luôn luôn thuận lợi và học cách vượt qua khó khăn cùng nhau.
Sabeco là một tập đoàn khổng lồ. Chúng tôi có mạng lưới 26 nhà máy bia chứ không phải chỉ vài điểm sản xuất như những công ty khác. Khi Covid-19 xảy ra, chúng tôi phải học cách làm việc hiệu quả cùng nhau trong trường hợp khẩn cấp để hoạt động ổn định.
Covid-19 đem đến cho Sabeco rất nhiều bài học. Với những gì đã học được, chúng tôi sẽ tiếp tục tiến về phía trước, sẽ đi nhanh hơn, làm tốt hơn.
- Ông từng nói Sabeco sẽ cần khoảng 3 năm để tái cấu trúc. Sau Covid-19, quá trình này có chậm lại?
- Thực tế quá trình chuyển đổi sẽ mất 3-5 năm. Mọi thứ vẫn tiếp tục chạy, không hề giảm tốc. Trong thời kỳ Covid-19, Sabeco vẫn tung ra thương hiệu mới, thay đổi hệ thống tính lương, xây dựng các kế hoạch kinh doanh mới, đầu tư vào kênh off-trade.
Quá trình chuyển đổi Sabeco có thể kéo dài 4, 5 hay 6 năm, có thể chậm hơn dự kiến từ 6 tháng đến 1 năm. Trên con đường của mình, bạn có thể định đi qua những điểm này nhưng thực tế lại phải rẽ sang những điểm khác. Điều quan trọng nhất là tầm nhìn về tương lai dài hạn của công ty.
- Theo ông, nếu định lượng, Sabeco đã tái cấu trúc được bao nhiêu phần trăm?
- Không có con số phần trăm cụ thể vì việc chuyển đổi luôn diễn ra.
Chúng tôi có bảy trụ cột trong kinh doanh. Về bán hàng, có nhiều việc tôi muốn làm với nhà phân phối, nhân viên và hệ thống. Với danh mục sản phẩm, chúng tôi mới có một vài thương hiệu và có thể sẽ cần những cái tên mới.
Chuỗi cung ứng đang rất hiệu quả. Chúng tôi hoàn thành hệ thống theo dõi, quản lý rất tốt. Với hoạt động sản xuất, rất nhiều chỉ số như hiệu suất sử dụng nước, năng lượng được cải thiện. Chất lượng, độ tươi của bia khi đến tay khách hàng tốt hơn.
Về nhân sự, chúng tôi thu hút được những người giỏi nhất chưa? Câu trả lời là chưa nhưng chúng tôi đang tiến đến mục tiêu này. Cách trả lương của chúng tôi tốt hay chưa? Chưa, nhưng mục tiêu này cũng đang dần hoàn thành.
Từng công việc ở những giai đoạn khác nhau. Mọi người nằm trong những khâu khác nhau của quá trình chuyển đổi Sabeco.
Tôi hài lòng vì quá trình này đang đi theo kế hoạch một cách tốt đẹp. Tôi ước có thể đi nhanh hơn nhưng phải nhìn nhận thực tế đây là một khối công việc khổng lồ, cực kỳ phức tạp.
Sabeco như một con tàu lớn. Khi con tàu lớn di chuyển giữa đại dương, nếu muốn rẽ trái, có thể bạn sẽ mất đến vài tiếng. Còn một chiếc thuyền bé chỉ mất một giây để rẽ trái. Tôi không kỳ vọng những thay đổi diễn ra quá nhanh với một con tàu lớn.
- Đâu là kết quả ông hài lòng nhất trong hơn 2 năm tái cấu trúc Sabeco?
- Nhân sự công ty cố gắng làm việc cùng nhau nhiều hơn nếu so với trong quá khứ. Tư duy làm việc của mọi người đang thay đổi dù còn chậm. Điều này làm tôi hạnh phúc.
Một điều khác là chất lượng bia. Cách đây vài tuần, có người hỏi tôi đã thay đổi công thức của bia Saigon Special phải không vì họ thấy uống ngon hơn. Có nhiều phản hồi tương tự từ năm ngoái. Nhưng công thức không hề thay đổi. Điều duy nhất thay đổi là việc kiểm soát chất lượng, đảm bảo sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng giữ được những gì vốn có.
Hình ảnh công ty cũng đang tốt hơn, chuyên nghiệp hơn nhiều so với trước. Tôi nghĩ nhiều người có thể thấy rõ Sabeco, Bia Sài Gòn đã khác.
- Ông vẫn giữ sự tự tin về tương lai của Sabeco như một năm trước dù vừa trải qua đại dịch chứ?
- Đương nhiên. Chúng tôi không bao giờ nhìn vấn đề trong ngắn hạn. Tầm nhìn luôn là dài hạn.
Trong hiệu ứng bánh đà, mọi thứ ban đầu sẽ rất ì nhưng khi bánh xe đã chuyển động, nếu muốn bạn cũng không thể dừng nó lại nữa. Điều cốt lõi là đảm bảo bánh đà tiếp tục chạy.
Chặng đường ban đầu từ con số 0 vô cùng khó khăn, chúng tôi đã làm được. Tiếp theo, chúng tôi cần cùng nhau tiếp tục lái bánh xe. Với tinh thần tập thể, sự quyết tâm của HĐQT và ban điều hành, tôi tin Sabeco sẽ đến đích.
- Trong giai đoạn khó khăn vừa qua, công ty mẹ ThaiBev hỗ trợ Sabeco thế nào?
- Sabeco nhận được sự giúp đỡ từ tất cả cổ đông, không riêng ThaiBev. Khi cần sự giúp đỡ, chúng tôi nói chuyện với các cổ đông và mỗi bên đều giúp Sabeco theo những cách khác nhau.
Bộ Công Thương mang đến những mối quan hệ đặc biệt. Khi cần đính chính trước công chúng về tin đồn thất thiệt, Bộ giúp chúng tôi làm điều đó.
Khi cần hỗ trợ marketing, nhân sự, thực thi chiến lược, ThaiBev cử người giúp chúng tôi. ThaiBev là doanh nghiệp sản xuất bia lớn nên họ cũng liên kết với Sabeco giúp giá thành sản xuất giảm.
- 36% cổ phần Sabeco đã được chuyển giao từ Bộ Công Thương sang SCIC để thực hiện lộ trình thoái hết vốn Nhà nước. Ông đánh giá thế nào về động thái này?
- Dù Bộ Công Thương hay SCIC đại diện phần vốn Nhà nước tại Sabeco, chúng tôi vẫn luôn nhận được sự hỗ trợ quan trọng từ đại diện Chính phủ. Ai cũng muốn Sabeco phát triển. Khi công ty kinh doanh tốt, cổ đông sẽ nhận lại nhiều giá trị.
Chúng tôi rất vui khi có cổ đông là đại diện Chính phủ. Nếu Chính phủ thoái vốn, tôi tin tưởng nhà đầu tư dù là ai, họ cũng đều muốn Sabeco phát triển. Không ai đầu tư để hủy hoại giá trị của công ty. Vì vậy, tôi chào đón và luôn hợp tác với bất kỳ cổ đông nào.
- Trong thời điểm Covid-19 ảnh hưởng đến doanh nghiệp, khối lượng công việc của ông có nặng nề hơn trước?
- Thời điểm có mặt ở văn phòng của tôi là lúc 7h30. Trước đây, buổi tối là thời gian để đi đến các điểm bán hàng, gặp gỡ đối tác nhưng trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, tôi không thể ra ngoài.
Áp lực với tôi cũng lớn hơn vì công ty bị ảnh hưởng bởi dịch. Tôi phải suy nghĩ những gì cần làm, cách tương tác với nhân viên, khơi gợi động lực trong lọ. Rất nhiều công việc khác nhau phải giải quyết.
Sabeco có đến 44 công ty thành viên, gần 20 khoản đầu tư. Tôi không chỉ quản lý ngành bia mà còn cả rượu, nước tinh khiết, nước ngọt. Mọi thứ vô cùng phức tạp.
- Ông thường dành thời gian mỗi năm cho các chuyến leo núi trên khắp thế giới. Khi không thể ra nước ngoài, ông vẫn thực hiện sở thích này chứ?
- Tôi vẫn tập luyện hàng ngày và dành thời gian cuối tuần cho việc leo núi. Từ đầu năm, tôi chinh phục hơn 20 ngọn núi nhỏ trên nhiều mùng miền khắp Việt Nam như Bà Đen, Bạch Mã, Cô Tô... Tôi cũng đã khám phá hang Sơn Đoòng trong năm nay.
- Đã bao lâu ông chưa thể gặp gia đình ở Singapore?
- Hơn nửa năm nay tôi chưa thể gặp người thân. Tất nhiên đó là quãng thời gian khó khăn.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.