S300 bảo vệ vùng trời
Sau khi nhấn nút, lần lượt từng tên lửa rời bệ phóng, được các trắc thủ góc bắt và đưa vào chế độ bám sát tự động, tín hiệu mục tiêu địch trên màn hiện sóng biến mất...
Chúng tôi có mặt tại Đoàn 93 (Sư đoàn 367, Quân chủng phòng không - không quân) - đơn vị được giao bảo vệ vùng trời phía nam Tổ quốc - vào một ngày tháng 3, khi đơn vị bước vào ngày huấn luyện mới của tháng đầu tiên ra quân huấn luyện.
Tiếng kẻng báo động từ sở chỉ huy Đoàn vừa dứt, các thành phần trong kíp chiến đấu lao nhanh về khu cất giấu khí tài. Chỉ chốc lát, toàn bộ khu trận địa ầm vang tiếng máy nổ, những xe đặc chủng mang khí tài, trang bị của Đoàn rùng rùng tiến vào chiếm lĩnh công sự. Hệ thống ăng ten của các đài chiếu xạ và điều khiển (30N6E), đài ra đa phát hiện mọi độ cao (96L6E) được nâng lên hoàn toàn tự động. Cách đó không xa, các bệ phóng cũng tự động nâng các cặp ống phóng lên theo phương thẳng đứng. Sau chưa đầy 4 phút, toàn Đoàn đã vào cấp 1, sẵn sàng chiến đấu.
Tác chiến đa mục tiêu
Trong cabin đài 30N6E, dưới ánh sáng mờ của đèn trần, tất cả các thành phần đang tập trung cao độ vào những màn hình cùng nhiều núm nút, công tắc, đèn báo liên tục nhấp nháy. Không khí thật căng thẳng, mọi ánh mắt dồn vào màn hình chờ địch xuất hiện.
Tổ hợp tên lửa S300-PMU1 là loại khí tài thuộc thế hệ mới, hiện đại trên thế giới, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi trong chiến tranh công nghệ cao, tác chiến điện tử mạnh |
“Tăng cường sục sạo hướng chính”, vài giây sau khẩu lệnh của người chỉ huy bắn, đã nghe đại úy Phạm Văn Hiệp, Đài trưởng 96L6E, báo cáo: “Đã phát hiện mục tiêu cùng các tham số của chúng”. Thiếu tá Nguyễn Quốc Thắng, sĩ quan phát hiện của kíp đài 30N6E, nhanh chóng xác định mục tiêu trên màn hiện sóng của mình, đài 96L6E cũng đồng thời lần lượt chỉ thị sang các tốp mục tiêu theo các kênh từ 1 đến 4. Mục tiêu được nhận định là những tốp bay thấp hoặc những quả tên lửa hành trình có độ cao từ 150 đến 200m, vận tốc 200 m/s, bị phát hiện từ cự ly 43 km. Dưới sự chỉ huy của trung tá Phạm Văn Huy, trung úy Nguyễn Xuân Linh, sĩ quan phóng, nhanh chóng mở chuẩn bị tên lửa rồi chỉ định tên lửa lên các kênh mục tiêu, thao tác ấn nút phóng. Lần lượt từng tên lửa rời bệ phóng, được các trắc thủ góc bắt và đưa vào chế độ bám sát tự động... Tín hiệu mục tiêu trên màn hiện sóng biến mất...
Nhưng trận chiến chưa kết thúc. 12 tốp mục tiêu khác bay ở độ cao trung bình và cao lần lượt vào vùng kiểm soát. Phức tạp là có cả máy bay ta đang tác chiến ở khu vực mục tiêu bảo vệ, vì vậy phải vừa diệt địch, vừa đảm bảo an toàn cho máy bay ta. Chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, kíp chiến đấu đã hiệp đồng chặt chẽ, vừa đánh các mục tiêu là máy bay ném bom chiến lược vừa kịp thời tiêu diệt tên lửa địch bắn vào trận địa, bảo vệ khí tài, đồng thời theo dõi, quản lý được máy bay ta suốt trận đánh...
Kết thúc trận đánh, trung tá Phạm Văn Huy vừa lần lượt chỉ cho chúng tôi những tốp mục tiêu và tham số của chúng cùng kết quả xạ kích của kíp chiến đấu mà máy tính ghi lại suốt quá trình chiến đấu, vừa cho biết: “Đây là bài tập phức tạp nhất trong những bài tập Đoàn thường xuyên luyện tập, bởi mục tiêu có khá đầy đủ các loại: từ tên lửa hành trình đến máy bay chiến thuật bay cao, máy bay ném bom chiến lược, tác chiến trong điều kiện địch gây nhiễu nặng và sử dụng tên lửa không đối đất đánh vào trận địa. Có 15/16 tốp có kết quả xạ kích là: 1 (diệt). Tức là 100% những tốp địch mà cấp trên yêu cầu Đoàn xạ kích đã bị tiêu diệt”.
Làm chủ khí tài hiện đại
Thượng tá Lâm Xuân Hải, Đoàn trưởng Đoàn 93, cho biết thêm: “Tiền thân của Đoàn là Tiểu đoàn 93 (thuộc Trung đoàn 261) - một đơn vị có truyền thống đáng tự hào, từng tham gia chiến dịch lịch sử 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12.1972, với thành tích bắn rơi 3 máy bay chiến lược B52. Hiện nay, Đoàn được trang bị tổ hợp tên lửa S300-PMU1. Đây là loại khí tài thuộc thế hệ mới, hiện đại trên thế giới, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi trong chiến tranh công nghệ cao, tác chiến điện tử mạnh. Mặc dù các thành phần cơ bản trong kíp chiến đấu của Đoàn đều đã được học tập ở nước ngoài về, nhưng để nhanh chóng làm chủ thật sự khí tài, trang bị mới, cán bộ, chiến sĩ của Đoàn phải không ngừng học tập, nắm chắc tính năng, kỹ chiến thuật của từng thành phần trong tổ hợp”.
Đoàn 93 luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời phía nam của Tổ quốc. |
Cũng theo thượng tá Hải, khí tài mới nên công tác huấn luyện cũng có những đặc thù, những vấn đề mới cần giải quyết. “Ví dụ, để có giáo án huấn luyện, các đồng chí cán bộ đã từng học tập ở nước ngoài phải trên cơ sở kiến thức đã được học, kết hợp tự nghiên cứu tài liệu viết bằng tiếng Nga để biên soạn giáo án. Hiện nay, tiếng Nga trở thành nội dung huấn luyện chính khóa. Có rất nhiều cán bộ của Đoàn sử dụng thành thạo tiếng Nga, số còn lại có thể đọc và hiểu được ngoại ngữ này trên máy. Quá trình huấn luyện luôn gắn tính năng kỹ chiến thuật của khí tài với cách đánh của Việt Nam và đối tượng, địa hình, địa bàn tác chiến.
Hiện nay, Đoàn 93 có 1 kíp chiến đấu giỏi và 1 kíp khá. Năm 2012 vừa qua, thực hành diễn tập MN-12, CB-12 có thực binh do Quân chủng đạo diễn với những tình huống khó khăn, phức tạp, đòi hỏi cao, nhưng Đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Tư lệnh tặng bằng khen. Các cán bộ, kỹ sư của Đoàn cũng đã có rất nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị cao phục vụ cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện như: thiết bị truyền số liệu từ đài 96L6E sang đài 30N6E; thiết bị nạp ắc quy khô đặc chủng cho máy tính trung tâm; thiết bị truyền dẫn tín hiệu mục tiêu SCD-6793..., tiết kiệm cho ngân sách trên 700 triệu đồng”.
Từ năm 2006 đến nay, lãnh đạo Bộ Quốc phòng nhiều lần đến thăm, kiểm tra Đoàn 93 và đều có chung nhận xét: Đoàn sẵn sàng chiến đấu cao và không ngừng tiến bộ mọi mặt. Đây là sự ghi nhận, đồng thời là niềm tin của cấp trên vào sự nỗ lực vươn lên làm chủ khí tài, trang bị hiện đại của Đoàn 93 trong sự nghiệp bảo vệ bầu trời phía nam Tổ quốc những năm qua.
Theo Thanh Niên