S-Fone đến hồi kết, SIM bị 'thổi giá' bất thường
Những chiếc SIM tứ quý, lộc phát đầu 095 bỗng nhiên có giá đắt gấp đôi bình thường, sau khi S-Fone chấm dứt hợp đồng với nhân viên và chưa thể công bố rõ ràng lộ trình chuyển đổi công nghệ từ CDMA lên 3G WCDMA.
>>Điện thoại CDMA 'đắp chiếu' ở Việt Nam
>>Samsung Galaxy S II chạy CDMA và GSM ra mắt
"Đại gia xuống, thiếu gia lên"
Cho đến thời điểm hiện tại, số phận S-Fone vẫn được rất nhiều người quan tâm, bởi đây là nhà mạng đầu tiên xuất hiện, phá thế độc quyền của VinaPhone và MobiFone trên thị trường viễn thông Việt Nam, và cũng là nhà mạng duy nhất sử dụng công nghệ CDMA tại Việt Nam cho đến thời điểm này.
Mặc dù vậy, sau gần 10 năm hoạt động, số lượng người dùng của S-Fone bị tuột dốc và hiện tại ước tính chỉ còn vài trăm nghìn thuê bao hoạt động, thậm chí là sử dụng theo dạng "SIM phụ", khi số chính của họ là thuê bao của một trong 3 nhà mạng lớn VinaPhone, MobiFone và Viettel.
Trên các diễn đàn SIM số, SIM S-Fone bất ngờ được thổi giá tương tự như SIM EVN trước khi về tay Viettel trong một vài tháng.
Lê Tuấn Anh - một tay buôn SIM khẳng định: "Xét về mặt cơ sở hạ tầng, S-Fone có thể không được các hãng khác mặn mà, nhưng tài nguyên đầu số và tần số nhà mạng này sở hữu là thứ đáng giá. Cho dù S-Fone phá sản thì điều chắc chắn là khách hàng của S-Fone sẽ được chuyển sang nhà mạng khác, chứ không có chuyện là S-Fone đền cho khách 65.000 đồng giá trị tiền SIM và... huề cả làng".
Thị trường SIM di động sau thương vụ EVN về tay Viettel và sự xuất hiện của Vietnamobile cũng như Beeline (Gtel hiện nay) nói chung là xuống dốc. SIM dạng đẹp như tứ quý 6, 8, 9 đều bị giảm khoảng 20-30% giá rao và giao dịch cũng bị sụt. Một chiếc SIM đầu 10 số đuôi tứ quý 8 nếu trước đây được rao thẳng tắp với giá khoảng 45-50 triệu đồng thì hiện tại chỉ còn 30-35 triệu đồng/SIM.
Thế nhưng, bất chấp giá "chợ đen" SIM đẹp của các nhà mạng lao dốc thì SIM của S-Fone lại đắt bất thường trong vòng 3 tháng trở lại đây. Một chiếc SIM S-Fone tứ quý 6 giá trung bình khoảng 4 triệu đồng/SIM hiện tại đang được rao với giá khoảng 10-12 triệu/SIM, SIM tứ quý 8 và tứ quý 9 thì cộng thêm 4 triệu đồng.
Khi phóng viên liên hệ với một người tên Dũng rao SIM S-Fone trên mạng để mặc cả xuống còn 8 triệu/SIM tứ quý 6 hoặc 12 triệu/SIM tứ quý 8 thì người này rất chắc giá và quả quyết: "S-Fone sắp chuyển mạng rồi. Họ vừa chấm dứt hợp đồng với nhân viên. Nếu S-Fone về tay VNPT là lại có giá, anh cứ yên tâm mua bây giờ còn được chứ vài tháng nữa giá lên là không được đâu".
Mập mờ số phận S-Fone
Nhiều khách hàng, trong đó có anh Lê Nhật Thắng (Hà Nội) phản ánh lên số tổng đài 095.905.8888 về sự cố mất sóng thì câu trả lời quen thuộc là: "Bên em đang chuyển đổi mô hình nên mất sóng ở vài nơi, sẽ khắc phục trong thời gian tới, mong khách hàng thông cảm".
Năm 2004, khi S-Fone mới được ra mắt thì những cửa hàng của hãng rất bắt mắt với vị trí nằm trên phố lớn và nhân viên mặc đồng phục tươi xinh, rạng rỡ, nhưng bây giờ nhìn thấy Trung tâm CSKH duy nhất còn lại của S-Fone tại Hà Nội ở địa chỉ 38 Nguyễn Du, không ai không cảm thấy... chạnh lòng.
Trung tâm CSKH duy nhất của S-Fone tại Hà Nội hiện nay. |
Vẫn nằm trên phố lớn, nhưng giờ đây cửa hàng của S-Fone nằm chung với một cửa hàng... thời trang và luôn có quần áo được treo trên móc ở trước cửa trông rất luộm thuộm. Trong khi ở trong chỉ có 2-3 nhân viên với chiếc máy tính cũ kĩ. Khi được hỏi, nhân viên nói rằng đang "trụ" vì chậm lương và hi vọng tương lai mọi thứ sẽ... khá hơn.
Theo khảo sát của chúng tôi tại Hà Nội, một loạt phố chuyên bán SIM thẻ như Giảng Võ, Nguyễn Thái Học... SIM và thẻ S-Fone đã không còn xuất hiện. Hiếm hoi lắm mới "túm" được một cửa hàng bán thẻ S-Fone tại 55 Tôn Đức Thắng. Chủ cửa hàng cho biết: "Tuần cũng bán được vài cái, mệnh giá thẻ này thấp nhất là 50.000, còn các loại khác (Viettel, MobiFone, VinaPhone) thì 20.000 cũng có".
Trao đổi với một số lãnh đạo của 3 nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone và VinaPhone đều nhận được câu trả lời là họ chưa nhận được thông tin gì về việc nhà mạng của mình có ý định mua lại S-Fone. Trong khi đó, thị trường viễn thông Việt Nam đang bước vào giai đoạn khốc liệt, khi Vietnamobile của Hanoi Telecom và Hutchison đang "kêu cứu" vì giá thuê cột BTS của các nhà mạng lớn tăng đến 300%, trong khi Beeline rút khỏi Việt Nam và thương hiệu này cũng sẽ sớm đổi tên trong thời gian tới.
Theo VTC