Chiều 25/2, lãnh đạo Vườn Quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau) cho biết, nơi đây có 5.314/8.526 ha rừng bị ảnh hưởng khô hạn. Trong đó, diện tích báo cháy cấp độ 3 (cấp cao) là 506 ha, 2.948 ở cấp 2 và cấp 1 chiếm 1.687ha.
Nắng nóng khiến nước trong các kênh giữa rừng chỉ còn 1,9 m, thấp hơn cùng kỳ năm trước 0,3 m. Để phòng chống cháy rừng, Vườn Quốc gia U Minh Hạ huy động 5 tổ máy bơm, mở thêm 11 chốt canh rừng tại các nơi trọng yếu.
Vài ngày tới, các nơi rừng có cấp độ báo cháy cao sẽ được tăng cường thêm 6 tổ máy bơm.
Nhiều biển báo cảnh báo cháy rừng ở cấp cao tại Vườn Quốc gia Phú Quốc. Ảnh: Việt Tường. |
Ngoài lực lượng cơ hữu bám rừng 24/24, Vườn Quốc gia U Minh Hạ hợp đồng với hàng trăm người dân để phòng chống cháy tại khu vực vùng đệm rộng 25.000 ha.
Ông Trương Thanh Hào, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang cho biết, rừng trong Vườn Quốc gia Phú Quốc cũng có nhiều nơi báo cháy cấp độ 3, một số nơi cấp độ 4 (nguy hiểm). Hiện, Kiểm lâm Kiên Giang đang phối hợp cùng Hạt Kiểm lâm và Vườn Quốc gia Phú Quốc kiểm tra phòng chống cháy rừng ở những nơi trọng yếu.
Ngoài nguy cơ cháy rừng, nắng hạn đang làm cho lúa ở miền Tây bị thiệt hại ngày càng nhiều. Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng… còn ảnh hưởng xâm nhập mặn và đã có 4 tỉnh công bố thiên tai.
Trao đổi với phóng viên Zing.vn, ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, diện tích lúa thiệt hại do hạn và mặn ở tỉnh này tăng từ gần 9.000 ha lên khoảng 11.000 ha.
"Sóc Trăng đang đề nghị Trung ương hỗ trợ 1.300 tỷ đồng để phòng chống hạn, xâm nhập mặn", ông Quyết nói.