Lão nông ham “săn” chè cổ
Câu chuyện “săn” chè cổ thụ bắt nguồn từ lão nông Nguyễn Văn Tuân ở xã Minh Tiến, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Từ nhỏ ông Tuân đã nghe các cụ cao niên kể về rừng chè Bát Tiên cổ thụ trên núi cao gần 1000 m, thuộc địa phận thôn Lưu Quang.
Cây chè cổ thụ 2 người ôm không xuể. |
Lời kể rằng đó là rừng chè của các tiên ông ngự trị. Nơi đó âm u, sương khói bao phủ suốt ngày đêm, lại có dãy núi Hồng cao chót vót làm bức tường thành bảo vệ rừng chè trước bất kỳ kẻ nào có ý đồ xâm phạm.
Đây cũng là khu vực rừng rậm, nhiều thú dữ như hổ báo và các loại trăn, rắn lớn nên hầu như không ai đủ gan lên đó.
Cụ Thảo, 92 tuổi móm mém kể rằng, hồi còn nhỏ hay chăn trâu ở khu vực chân núi. Thỉnh thoảng cụ lại nghe thấy những tiếng hát từ trên núi vọng lại và mùi chè thơm thoang thoảng bay qua.
Có một điều lạ là đàn trâu không bao giờ dám lên trên sườn núi ăn cỏ. Sau này, cụ Thảo cũng vài lần nhắc nhở con cháu không được lên trên núi vì sợ điềm chẳng lành. Từ đó, người ta chỉ được nghe loáng thoáng những câu chuyện về rừng chè cổ nửa hư nửa thực qua lời đồn.
Không tin vào chuyện thần tiên, ông Tuân đã vài lần đeo ba lô lên núi nhưng đều không có kết quả. Năm 2008, phóng viên cũng đã một lần cùng ông Tuân lên núi cả tuần lễ nhưng không tìm ra rừng chè cổ thụ như lời đồn của dân làng. Không bỏ cuộc, ông Tuân tiếp tục hành trình đến từng ngọn núi để tìm ra được chè tiên.
Thế rồi trong một lần đi “săn” chè cổ đầu năm 2011, ông Tuân mệt lả ngồi tựa lưng vào gốc cây bên núi nghỉ ngơi. Ngắt lá chè từ một nhánh cây trong khe núi cho vào miệng, mùi vị lạ kỳ đã khiến ông Tuân không khỏi ngỡ ngàng. Ông bật dậy, nhìn xung quanh thì chính cây cổ thụ mình tựa lưng vào là một cây chè Bát Tiên khổng lồ mà bao nhiêu năm qua ông kiếm tìm.
Ngẩn ngơ trong rừng cho đến xẩm tối, ông Tuân mới xuống núi và giấu tịt câu chuyện chè cổ với tất cả mọi người vì sợ kẻ xấu sẽ chặt hạ hoặc làm một điều gì đó bất kính với “thần linh”.
Suýt chặt hạ vì tưởng… xà cừKhông “săn” chè cổ như ông Tuân, không tin vào những câu chuyện ma quái mà người làng hay kể, ông Trần Văn Lập, vốn là một tiều phu ở xã Minh Tiến, lại vô tình bắt gặp rừng chè này cách đây 2 năm.
Thân cây cao tới 30 mét. |
Trong một lần đi lấy củi, ông Lập thấy một con trăn hoa khá lớn trườn qua khe núi lên phía trên. Định bắt con trăn lớn ấy nên ông Lập đi theo, đến lưng chừng núi thì con trăn chui vào một cái hang nhỏ gần đó rồi mất hút.
Mất dấu “quái vật” nhưng ông Lập lại thấy mấy cây gỗ lạ. Nhìn kỹ, ông Lập cho rằng đó là cây xà cừ nên đã vài lần định vác búa rìu vào chặt hạ lấy củi.
Tháng 4/2011, ông Lập cùng 2 người con chuẩn bị sẵn sàng như cưa máy, dao rựa, cưa tay và một con trâu kéo vào rừng chặt hạ xà cừ. Lưỡi cưa vừa chạm đến thân cây thì ông Tuân xuất hiện và ngăn lại.
Chính bố con ông Lập cũng bất ngờ khi biết đây là cây chè cổ Bát Tiên mà những cao niên thường kể.
Để kiểm chứng, ông Lập cho con trai trèo lên ngọn cây hái vài lá xuống thử thì đúng là vị chè Bát Tiên quý hiếm. Họ quyết định giữ kín bí mật về rừng chè cổ thụ nhưng thông tin vẫn bị rò rỉ.
Trước thông tin có được từ người dân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đại Từ đã nhanh chóng thành lập đội khảo sát rừng chè Bát Tiên cổ.
Từ thị trấn Đại Từ vượt 20 cây số mới đến được trung tâm xã Minh Tiến. Đến đây, tất cả phải đi bộ leo núi, băng rừng gần 4 giờ đồng hồ mới lên được khu vực có rừng chè cổ thụ.
Rừng chè hiện ra trước mắt, cả đoàn ngỡ ngàng trước vẻ đẹp và cổ thụ của những “cụ” chè Bát Tiên. Xen bên thân chè là những cây trúc già cỗi đã úa vàng và nhiều loại cây gỗ lạ tạo cho rừng chè một “hàng rào dây thép gai” vững chắc nên rất khó để đột nhập.
Người dẫn đường phải dùng đến dao rựa phát gai mây cho thoáng. Càng vào sâu bên trong, rừng chè càng hiện ra rõ mồn một. Có những cây cao trên 20 mét và đường kính lên tới trên 1 mét.
Trưởng đoàn khảo sát là ông Trương Mạnh Kiểm, hiện đang là Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết thực sự choáng ngợp trước một di sản tuyệt vời mà Thái Nguyên có được. Có những cây lớn 3 người ôm không xuể và độ cao tới gần 30 mét. Tán cây chè xòe rộng phủ kín một vùng và thi thoảng lại có mùi thơm quyện với cây rừng ngào ngạt.
“Nằm trên dãy núi Hồng với độ cao gần 1000 mét so với mực nước biển nên rừng chè dường như rất hoang sơ, đó có lẽ là lý do mà rừng chè còn tồn tại cho đến ngày nay”, ông Kiểm phán đoán.
“Bài toán” khó về bảo tồn
Qua khảo sát cho thấy, trong rừng chè cổ có trên chục cây được gọi là “cụ chè” vì kích cỡ “khủng” cùng độ tuổi. Theo phán đoán của Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đại Từ Lê Thanh Sơn thì những cây chè ở đây có tuổi thọ hàng trăm năm. Còn nhiều người dựa vào kích cỡ thân cây và những “mắt” có trên vỏ cây thì cho rằng, rừng chè đã có cách đây hàng ngàn năm.
Phải leo rất cao mới hái được búp chè. |
Theo quan sát của phóng viên, bên cạnh những “cụ chè” còn tồn tại xanh mướt thì nhiều thân cây chè bị đổ đã và đang rục muỗng có kích cỡ lớn hơn rất nhiều. Đây là điều chứng tỏ, nơi đây đã từng có rừng chè hoang dã tồn tại lâu đời với quy mô lớn trên dãy núi Hồng.
Ông Lê Thanh Sơn, sau khi “lệnh” cho nhân viên lên hái lá chè nếm thử đã rất hồi hộp. Đúng như một số người trước đây trong xã Minh Tiến được nếm thử, chè cổ thụ nơi đây có vị mát và hương thơm như chè Bát Tiên.
Hiện đoàn khảo sát đã lấy mẫu giống và gửi Viện Chè Trung Ương để nghiên cứu. Ông Sơn cho rằng, rất có thể chè cổ là nguồn gốc chè Thái Nguyên bây giờ. Cùng với sự phát hiện tuyệt vời về chè, câu chuyện chăm sóc bảo vệ để bảo tồn rừng chè cổ này cũng là một trong những bài toán khó và cấp bách của ngành Nông nghiệp huyện Đại Từ.
Bởi lẽ, hiện nay nhiều người địa phương vì tò mò đã “khăn gói quả mướp” lên thăm “cụ chè”. Tuy nhiên, cũng không ít kẻ hám lợi đang lăm le chờ cơ hội chặt đưa “cụ” đi bán.
Ông Sơn cho biết: “Cùng với công tác bảo vệ, huyện Đại Từ đồng thời có kế hoạch sưu tầm và xây dựng vườn chè cổ nhằm thu hút du khách tham quan, thưởng thức các loại chè ngon của địa phương, tạo thêm một sản phẩm du lịch đặc sắc cho Festival Trà quốc tế sắp tới tại Thái Nguyên”.