Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Rủi ro từ đàn voi lang thang tại Trung Quốc

Hành trình 500 km của đàn voi Trung Quốc thu hút sự chú ý của cả thế giới. Nhưng đây cũng là hồi chuông cảnh báo về xung đột có thể xảy ra giữa người và voi, theo chuyên gia.

Các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân khiến 15 con voi rời khỏi quê hương ở khu bảo tồn Tây Song Bản Nạp, thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, gần biên giới với Lào.

“Vì lý do nào đó, những con voi này cảm thấy môi trường sống thông thường của chúng không còn phù hợp… Chúng cứ thế rời đi tìm nơi khác”, Ahimsa Campos-Arceiz, chuyên gia về voi tại vườn thực vật nhiệt đới Tây Song Bản Nạp, nói với AFP.

“Nhưng chúng chưa xác định được địa điểm cụ thể. Chúng chỉ loanh quanh đi lại để tìm nơi phù hợp nhất”, theo vị chuyên gia.

Từ khi lên đường vào mùa xuân năm 2020, đàn voi trộm đồ trong cửa hàng và giẫm nát nhiều hoa màu. Chuyến đi của chúng gây thiệt hại hơn một triệu USD và khiến hàng nghìn người dân phải sơ tán.

Đến ngày 24/6, đàn 14 con voi châu Á tiếp tục đi về hướng nam tại quận Nga Sơn, tỉnh Vân Nam. Con voi đực tách đàn từ 19 ngày trước lúc này đang cách đó 35,8 km ở quận Tấn Ninh, thuộc thủ phủ Côn Minh - tỉnh Vân Nam.

dan voi rung trung quoc anh 1

Đàn voi châu Á ở quận Ngọc Khê, tỉnh Vân Nam vào ngày 16/6. Ảnh: China Daily.

Giới chức địa phương đang dùng drone để liên tục theo sát đàn voi lang thang, vì lo lắng chúng có thể lên cơn phá phách nếu quá căng thẳng.

Loài voi dựa vào âm thanh nằm dưới ngưỡng nghe của con người, cụ thể là sự rung chuyển của bàn chân, để giao tiếp. Nhưng ở thị trấn và thành phố, chúng có thể bị rối trí do tiếng động từ phương tiện giao thông.

“Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là việc những con voi này trông rất khỏe mạnh và vui vẻ, dù chúng đang đi giữa khu vực xa lạ và đông người”, ông Campos-Arceiz nói. “Những con voi này còn rất nghịch ngợm. Với tôi đó là dấu hiệu cho thấy chúng đang rất ổn”.

Nạn phá rừng làm mất sinh cảnh

Những cánh rừng nằm ở vùng tây nam tỉnh Vân Nam, quê hương của đàn voi lang thang, đang mau chóng nhường chỗ cho lâm trường trồng cao su hoặc đồi chè. Điều này khiến voi phải co cụm trong những khu bảo tồn không còn nối liền với nhau.

Nhờ luật chống săn bắn và nỗ lực bảo tồn, Trung Quốc là một trong số ít những nơi trên thế giới chứng kiến sự gia tăng trong số lượng voi châu Á được bảo hộ. Số voi châu Á ngoài thiên nhiên đã tăng gấp đôi trong 30 năm qua, lên tới hơn 300 cá thể.

dan voi rung trung quoc anh 2

Đàn voi lăn ra ngủ tại quận Ngọc Khê, tỉnh Vân Nam vào ngày 16/6. Ảnh: Cục An ninh Ngọc Khê.

Nhưng cùng khoảng thời gian ấy, môi trường sống của chúng cũng bị thu hẹp gần 60%, theo Zhang Li, giáo sư sinh thái học tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh.

Một ví dụ cho quá trình này là việc một số nhà máy thủy điện và đường cao tốc chặn đường di cư từ trước của voi.

Sự phân mảnh môi trường sống như vậy khiến voi khó giao lưu và tìm được bạn đời.

Hàng rào điện được xây lên, vốn để bảo vệ dân làng, cũng có rủi ro gây thương tích cho động vật trên đường di chuyển.

Hiện tượng phá rừng đã làm tăng số vụ xung đột giữa voi và người trong khu vực trong những năm gần đây.

Từ năm 2013 đến năm 2019, hơn 70 người bị voi giẫm chết, hàng chục người khác bị thương, theo dữ liệu từ phòng động vật hoang dã ở khu vực.

Rủi ro đàn voi bị thuần hóa vĩnh viễn

Các nhà khoa học chưa chắc chắn biến đổi cảnh quan có phải nguyên nhân khiến đàn voi lang thang hay không. Trong lúc đó, hành trình của đàn voi này khiến chúng trở thành ngôi sao của truyền thông.

Trong lúc người dùng mạng xã hội chăm chú đọc tin tức về đàn voi, đài truyền hình nhà nước mở kênh phát sóng trực tiếp 24/7 để dõi theo đường đi của 15 con vật, trong đó có 2 con voi con mới đẻ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng khi đàn voi vẫn chưa có dấu hiệu quay về hoặc ổn định vị trí, nỗ lực "nắn" đường đi của chúng có thể đem lại rủi ro.

Chẳng hạn, nhà chức trách địa phương đôi lúc dùng xe tải đầy táo và mía để dụ đàn voi. Nhưng điều này có thể khiến chúng vĩnh viễn bị thuần hóa.

dan voi rung trung quoc anh 3

Đàn voi lang thang ăn thức ăn do người địa phương chuẩn bị ở thị trấn Tịch Dương, quận Tấn Ninh, tỉnh Vân Nam vào ngày 3/6. Ảnh: Tân Hoa Xã.

“Có thể ví hành động ấy với việc thường xuyên cho trẻ con ăn kẹo”, Wang Hongxin thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh.

Trong những lần khảo sát môi trường sống của voi ở Vân Nam, ông Wang chứng kiến hiện tượng người dân trồng ngô, tre, và chuối dại tập trung ở một khu vực - còn gọi là “căng-tin cho voi” - để ngăn loài vật này phá hoại ruộng vườn của họ.

Nhưng phương thức ấy cũng sẽ làm thay đổi chế độ ăn của voi, khiến chúng trở nên dễ bị bệnh hơn.

“Hành trình hiện tại của đàn voi khiến chúng ta phải chú ý đến những mối đe dọa mà voi châu Á phải đối mặt”, ông Wang nói, bổ sung rằng xung đột giữa voi và người sẽ xảy ra nếu môi trường sống tự nhiên tiếp tục bị thu hẹp.

“Con người phải lùi lại, để đất đai trở về với thiên nhiên hoang dã”, ông Wang nhận định.

Dấu hiệu bất thường từ đàn voi lang thang ở Trung Quốc

Các nhà khoa học phát hiện những điểm bất thường trong hành vi của bầy voi lang thang tại Trung Quốc. Lúc này, đàn voi vẫn tiếp tục di chuyển và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Lời cảnh báo với Trung Quốc từ đàn voi 'di cư' bất thường

Chuyến đi xa nhà 500 km của đàn voi rừng ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc khiến nỗ lực bảo tồn môi trường sống của loài vật này càng trở nên cấp bách.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm