Năm 2008, một người giấu mặt tự xưng tên Satoshi Nakamoto đã bất ngờ đưa ra đồng tiền bitcoin. Gần đây bitcoin tăng giá lên mức kỷ lục 1.242 USD/bitcoin. Nhiều nước đang lo ngại hậu quả từ bitcoin gây ra như rửa tiền, buôn lậu ma túy…Tại Việt Nam, ngày càng nhiều trang mạng, diễn đàn mở ra để lôi kéo, hướng dẫn cách chơi, cách "đào" bitcoin. Có những trang mạng còn đưa ra những ví dụ, dẫn chứng thành công cũng như giao dịch trao đổi “thật” từ bitcoin. Tuy nhiên, không ai có thể xác thực được những giao dịch “thật” này thực tế thế nào.
Ông Huỳnh Trung Minh, Giám đốc miền Nam Khối Ngân hàng bán lẻ VIB, với tư cách cá nhân, cho biết ở Việt Nam chưa cho phép giao dịch dạng tiền tệ này, vì thế chắc chắn các trang mạng này đều là chơi tự phát theo kiểu lan truyền qua mạng Internet, truyền miệng... không chính thống.
- Thưa ông, nói một cách đơn giản bitcoin có thể hiểu là gì và chơi như thế nào?
- Đây là hình thức gần giống kinh doanh tiền tệ. Nói một cách đơn giản, nó gần như chúng ta đi mua xổ số. Tất cả người tham gia dùng tiền thật để đổi thành đồng bitcoin. Và cả mạng lưới những người sở hữu bitcoin tạo nên một “mỏ vàng”, sau đó những người tham gia cùng nhau “đào” vàng, người có “nguồn lực” mạnh (ở đây là hệ thống máy tính cực mạnh và kiến thức tin học) sẽ có cơ may “đào” được nhiều vàng hơn. Dường như chưa có sự hiểu biết đầy đủ của người dân về vấn đề này.
Bitcoin hoạt động dựa vào thuật toán mã cao cấp dưới dạng mã nguồn mở, mỗi người tham gia bitcoin sẽ có một “chìa khóa riêng” để quản lý các đồng bitcoin, tạo ra nhiều địa chỉ khác nhau để quản lý các bitcoin mình có và tham gia giao dịch trong mạng lưới. Những người tham gia không cần định danh, chính vì thế bitcoin không nằm dưới sự kiểm soát của bất kỳ chính phủ hay ngân hàng trung ương nào.
Bắt đầu xuất hiện vào năm 2008, bitcoin là sản phẩm của một lập trình viên hoặc một nhóm lập trình không rõ danh tính. Tuy nhiên, các đồng bitcoin hiếm khi được dùng trong các giao dịch truyền thống hằng ngày vì giá trị của mỗi đồng bitcoin không ổn định và bị điều chỉnh dựa trên số lượng người mong muốn có nó, càng nhiều người muốn có bitcoin, giá trị của bitcoin sẽ càng tăng như giá trị của các cổ phiếu bluechip trên thị trường chứng khoán. Chính vì vậy người ta cố gắng tạo ra vẻ hấp dẫn cho bitcoin để ngày càng nhiều người muốn có, đó là một dạng đầu cơ.
Hiện giá trị một bitcoin đã lên tới cả ngàn USD. Trên thực tế đã có những ví dụ về việc sử dụng bitcoin để mua bánh pizza hay thậm chí mua xe Lamborghini. Tuy nhiên, những ví dụ này không nói rõ thêm là để mua được một bánh pizza, anh A chuyển bitcoin cho anh B, anh B dùng thẻ tín dụng của mình để gọi đặt pizza và nhờ giao hàng cho anh A.
Thế nên chơi bitcoin giống tham gia xổ số may rủi với hy vọng sẽ có ngày trúng độc đắc. Tuy nhiên, xác suất trúng thưởng của mỗi đơn vị vé số có giá trị đầu tư như nhau lại không giống nhau, khác với hình thức xổ số truyền thống.
Bitcoin đang tạo ra cơn sốt trong giới đầu tư Việt Nam. |
- Nghĩa là việc chơi bitcoin là tự phát, nhưng tại các trang mạng mà một số người Việt Nam tham gia đều giới thiệu mở tài khoản ở một số ngân hàng lớn, thậm chí là ngân hàng quốc doanh?
- Đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Một người có thể đến bất cứ ngân hàng nào mở tài khoản thanh toán. Và người mở tài khoản thích ngân hàng nào thì mở ở ngân hàng đó. Chẳng hạn, mở tài khoản thanh toán và thẻ tín dụng ở VIB thì thẻ này có thể thanh toán ở bất kỳ đâu. Và khi người ta mở thẻ ở ngân hàng rồi, chỉ cần phía bán bitcoin yêu cầu thanh toán qua mạng thì giao dịch thanh toán này dễ dàng thực hiện. Tuy nhiên, đây cũng có thể là chiêu lợi dụng danh tiếng của ngân hàng, tạo niềm tin và thôi thúc khách hàng tham gia.
- Vậy theo ông, tại sao phải thôi thúc khách hàng tham gia?
- Vì như tôi đã nói ở trên, nhiều người tham gia càng tốt, càng có ham muốn... thì giá trị của bitcoin sẽ được đẩy lên cao. Giống đánh bài, sẽ có những người thắng lớn và những người còn lại sẽ lao vào để chờ vận may của mình đến. Chơi có lời, có lỗ nhưng những người thua lỗ ít ai biết. Vì vậy rủi ro vô cùng lớn với người chơi.
- Nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quản lý tiền tệ, thưa ông?
- Vì các trang web không có tính pháp nhân ở Việt Nam và cũng như không có pháp nhân ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới và không được nhà nước công nhận, nên khi bị quỵt nợ, xù nợ… người chơi muốn đòi thì chẳng biết đòi ai. Thành ra kiện tụng lúc này là kiện củ khoai. Doanh nghiệp có pháp nhân khi có tranh chấp còn khó đòi bồi thường, huống hồ một cái hoàn toàn ảo... Chưa kể các “chìa khóa cá nhân” đều nằm trên mạng hay trong ổ cứng máy tính, nếu máy tính hư hay tài khoản bị hack thì toàn bộ tiền mất hết, cái này giống thả mồi bắt bóng.
Còn đối với hệ thống ngân hàng hay nền kinh tế của một quốc gia, khi quá nhiều người tham gia vào trò chơi tiền ảo thì một dòng tiền đang ở ngân hàng sẽ bị dịch chuyển qua. Bởi một khi thấy việc kiếm tiền một cách quá dễ thì nhiều người lao vào và tìm cách lôi kéo thêm nhiều người khác lao theo. Giống bán hàng đa cấp, kinh doanh vàng trên mạng. Đây cũng là cơ hội để trục lợi của một số băng nhóm, buôn bán hàng hóa trái phép, rửa tiền, chuyển ngân lậu… làm mất tác dụng của cơ chế quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước…
- Nhưng trên mạng có viết năm 2013, đồng tiền ảo này được xếp vào một trong 10 sự kiện kinh tế và cũng là một trong bốn sự kiện công nghệ nổi bật nhất tại nước Mỹ. Điều đó chứng tỏ cũng phải xem lại tính thanh khoản của nó, thưa ông?
Phải kiểm tra xem trang nào viết điều đó. Có phải báo chính thống có uy tín hay không nữa. Chẳng hạn, một web nào đó bên Mỹ hay một số tờ báo nhỏ địa phương, một số website của những người đầu cơ đăng, sau đó nhiều nơi lấy lại đăng. Như có đợt người ta đăng Tổng thống Mỹ Obama tham gia bán hàng đa cấp vậy. Đó là một hình thức quảng cáo, sao xác minh được.
- Nhưng không thể phủ nhận có hấp dẫn mới hút người tham gia?
- Người tham gia vì muốn có lời cao, muốn nhanh giàu hay cũng có thể là tìm cơ hội đầu tư cho tương lai, vì thực tế thanh toán điện tử là một hình thức giao dịch hiện đại và chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Đặc biệt là do sự gia tăng quá nhanh về giá trị của bitcoin từ lúc được công bố tỉ giá đầu tiên vào tháng 10/2009: 1 USD đổi được 1.309.03 bitcoin, đến nay 1 bitcoin đã được trao đổi trên 1.000 USD. Giờ đây một số người thấy là nếu không tham gia sẽ bị chậm chân… tuy nhiên phải đặt câu hỏi tại sao không có tổ chức tài chính nào ở Việt Nam tham gia hay thậm chí chính phủ Mỹ và Trung Quốc đều tìm cách ngăn chặn?
- Lý do nào khiến các ngân hàng đứng ngoài cuộc, thưa ông?
- Những tập đoàn tài chính thực sự thì không tham gia. Câu hỏi có thể đặt ra là: nếu đây là hình thức kinh doanh tiền tệ chính thống, chắc chắn ngân hàng luôn coi đây là kênh đầu tư. Vì chính ngân hàng cũng đầu tư vào chứng khoán. Tại sao ngân hàng không đầu tư vào cái này? Điều đó cho thấy sự không rõ ràng, không chính thống và minh bạch.
- Theo ông thì bitcoin dù là tiền ảo nhưng vẫn phải dùng đến tiền mặt?
- Đúng vậy. Thử hỏi có sòng bạc nào mà cho đặt bằng tiền mặt đâu. Thường các sòng bạc họ không cho dùng tiền mặt mà yêu cầu người chơi đổi sang một số chíp. Đánh xong nếu thắng, số chíp đem ngược ra đổi tiền mặt. Lý do đưa USD đổi lấy chíp là vì nhìn thấy 1.000 USD người ta có cảm giác quá lớn cho một ván. Nhưng một con chíp 1.000 USD vô tri vô giác như vậy khi thua cũng không có cảm giác đau xót… Đây là một ma thuật về tâm lý học.
- Việt Nam có dễ bị ảnh hưởng không, thưa ông?
- Thường các đất nước đang phát triển, lực lượng lao động dư thừa, đặc biệt là ở những đất nước mà tin đồn thổi luôn có đất sống như ở Việt Nam chúng ta, người ta hay lao vào những gì có vẻ là dễ kiếm tiền mà không mất nhiều sức lao động. Những cái nghe mới mới như bán hàng trực tiêu… Mua bán lòng vòng người này mời người kia, người trên ăn của người dưới. Nên có vài ông kiếm vài trăm triệu đồng/tháng là nhờ có % của nhiều cấp bên dưới. Hình thức này cũng vậy.