Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Rủi ro bằng 0 thì lợi nhuận cũng bằng 0

Trong sách "Kỹ năng để thành công", TS Lê Thẩm Dương cho rằng muốn có lợi nhuận, bạn phải chấp nhận rủi ro. Nếu muốn rủi ro bằng 0, đương nhiên lợi nhuận cũng bằng 0.

Trong khởi nghiệp sáng tạo, khi tinh thần khởi nghiệp đạt ngưỡng tối ưu, lợi nhuận sẽ ở mức tối ưu, nhưng phải nhớ là rủi ro cũng bị đẩy lên tối đa (trong tầm chịu đựng). Muốn có lợi nhuận, buộc phải chấp nhận rủi ro. Nếu muốn rủi ro bằng 0, đương nhiên lợi nhuận cũng bằng 0.

Tôi chưa bao giờ thấy sáng tạo thực sự có giá thấp cả. Nguyễn Hà Đông là người khởi nghiệp sáng tạo thực sự. Flappy Bird là sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo thực sự. Chính vì thế, lợi nhuận Nguyễn Hà Đông thu được vô cùng “khủng”.

Chỉ có sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo mới làm ra được những thành tựu kỳ vĩ. Tôi nói nôm na như thế này, một con gà làm thịt xong, mang đi luộc thì bán được mấy đâu, nhưng trong các nhà hàng Âu, có khi một con gà làm được 20 đĩa, mỗi đĩa chỉ cần ít thịt thôi, bày cùng năm củ khoai tây, trang trí đẹp, sang trọng, sạch sẽ, bán được 10 euro một đĩa đấy. Có sáng tạo, trí tuệ phải hơn chứ.

khoi nghiep sang tao anh 1

Bộ 3 cuốn sách của TS Lê Thẩm Dương.

Chiếc laptop khi hỏng, bán đồng nát được có ba nghìn đồng, vậy mà mua mới là 20 triệu đồng, 30 triệu đồng, thậm chí còn hơn. Mấy mảnh linh kiện nhựa, nhôm, đồng này cân lên bán được vài nghìn là đúng rồi, nhưng trí tuệ, sáng tạo con người bỏ ra để biến những mảnh linh kiện nhựa, nhôm, đồng thành chiếc laptop cho bạn làm đủ thứ việc trên đời thì tôi nghĩ 20 triệu đồng, 30 triệu đồng vẫn rẻ chán.

Khởi nghiệp sáng tạo nhiều cơ hội hơn khởi nghiệp truyền thống (khởi nghiệp từ một ý tưởng cũ) nhưng rủi ro cũng nhiều và “nặng đô” hơn nhiều.

Muốn khởi nghiệp thành công, cần nâng nguồn lực, tinh thần của mình lên mỗi ngày, đồng nghĩa với tinh thần chấp nhận rủi ro song hành.

Tuy nhiên, bạn phải lưu ý điều này, nâng nguồn lực, nâng tinh thần trên cơ sở có kiến thức, kỹ năng, không phải nâng bừa. Đừng nghe người ta xúi “Làm đi, chết thì làm lại con ơi!” mà cắm đầu cắm cổ làm.

Khởi nghiệp nhiều vấn đề lắm, nên có anh nghe xong hốt quá, không dám khởi nghiệp nữa, lại quay về “tớ gặp đám đông là tớ chẳng phát biểu, có tiền là tớ đi mua vàng, tớ chẳng làm gì, thế là bọn nó chết còn tớ chẳng chết”.

Phải so cái lúc họ sống giàu có, đẳng cấp chứ. Tinh thần như này thì khởi nghiệp sao được, cuộc đời có kỳ tích sao được, quốc gia phát triển sao được.

Tinh thần khởi nghiệp có, kiến thức, kỹ năng có thì cứ từng bước mà đẩy rủi ro lên, lợi nhuận lên. Nhưng cũng như mọi thứ trong cuộc sống này, cần phải có điểm ngưỡng rủi ro, giới hạn, trong tầm kiểm soát của “người chơi”.

Lợi nhuận của khởi nghiệp sáng tạo lớn nên dễ khiến mấy anh sếp ham hố mù quáng. Ham quá đà sẽ cứ đẩy rủi ro, lợi nhuận lên mà không cần biết nguồn lực của mình như nào, khả năng kiểm soát rủi ro của mình như nào… Máu quá bán cả nhà đi lấy vốn làm ăn. Máu nữa, đi buôn thuốc phiện luôn, đời cũng lao xuống dốc luôn.

Có một số ông dạy marketing giảng về khởi nghiệp cũng nói về vấn đề rủi ro và lợi nhuận, nhưng chỉ nói một vế của vấn đề (rủi ro cao, lợi nhuận cao) chứ không cảnh báo điểm tối ưu.

Lợi nhuận cao quá điểm tối ưu thì lại tụt xuống thôi mà. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp bất động sản thường đẩy rủi ro lên quá cao, với kỳ vọng lợi nhuận vượt mức tối ưu, nên “chết” như rạ.

Bộ sách Kỹ năng để thành công của TS Lê Thẩm Dương gồm 3 cuốn: Triết lý TS Lê Thẩm Dương, Tinh thần khởi nghiệp, Người trưởng thành là người biết sợ được phát hành vào dịp 30/4. Được sự đồng ý của đơn vị giữ bản quyền là CLAZO – Thương hiệu viết sách cho người nổi tiếng và tác giả, Zing trích đăng một phần nội dung sách.

'Tiền nhuận bút viết sách rất ít trong thu nhập của tôi'

TS Lê Thẩm Dương nói nếu chỉ để kiếm tiền, ông đã không ra sách, thời gian ấy đi làm việc khác thu nhập tốt hơn.

Trích bộ sách "Kỹ năng để thành công" của TS Lê Thẩm Dương

Bạn có thể quan tâm