Thần đồng trẻ với giọng nói nhẹ nhàng và thân hình như đô vật hạng nặng ngày nào đã đeo băng đội trưởng của cả MU và nước Anh. Ở cả hai, Rooney đều là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử. Với tuyển quốc gia, anh khoác áo nhiều hơn bất cứ ai.
Huyền thoại Quỷ đỏ và biểu tượng xứ sương mù
Anh giành được tất cả những gì một cầu thủ mong muốn, ít nhất là với MU: 5 chức vô địch Premier League, một cúp FA, một cúp Europa, một vương miện Champions League, và chức vô địch thế giới các CLB (FIFA Club World Cup).
Khi Alex Ferguson thuyết phục được Everton bán Rooney với giá gần 27 triệu bảng (34,9 triệu USD) năm 2004, ông tin rằng mình đã ký được “cầu thủ trẻ xuất sắc nhất mà nước Anh từng có trong 30 năm”.
Rooney có thể trở về với Goodison Park, về CLB anh từng ủng hộ từ nhỏ và gia nhập từ năm lên 9, một cách hạnh phúc khi đã dành được tất cả, xứng với những tài năng cùng kỳ vọng xưa.
Tuy vậy, khi ai cũng rõ Rooney sẽ rời Old Trafford nhưng không tìm đến những "hoàng hôn vàng" kiểu như Chinese Super League (Trung Quốc) hay MLS (Mỹ), mà là về với Everton - nơi mọi thứ bắt đầu, và nơi mọi thứ có thể kết thúc, cách mọi người đánh giá anh cũng không hề đơn giản.
Với Everton, đội bóng đang ấp ủ tham vọng và hồi sinh, sự góp mặt của Rooney có thể mang đến một cú đột phá. Rooney dù sao mới chỉ 31 tuổi, vẫn được cựu đồng đội ở MU, Ander Herrera, và nhiều người khác coi là cầu thủ vĩ đại nhất nước Anh từng sản sinh.
Thế nhưng, quyết định chi hàng triệu bảng của Everton để mời gọi Rooney phải thẳng thắn nhìn nhận là quyết định của trái tim hơn là lý trí. Tệ hơn, có thể coi đó như màn vung tiền, một quyết định tốn kém khi Rooney xuất hiện có thể mang đến những rào cản vô hình.
Một phần, đây là bóng đá, là thực tế thường gặp trong thể thao: tàn nhẫn, nơi hoàn toàn không có chỗ dành cho cảm xúc. Nơi mà tương lai không thể bám tựa chút nào vào quá khứ.
Rooney đã và đang lụi tàn nhanh chóng. Không phải ngẫu nhiên Jose Mourinho dần đẩy "gã Shrek" lên băng ghế dự bị trong cả mùa giải vừa qua. Dấu ấn thời gian hiển hiện ngày càng rõ với Rooney, thậm chí là tàn nhẫn hơn nhiều so với những ngôi sao khác. Đà xuống dốc nhanh chóng đó đã được dự đoán từ trước. Anh có bộ mặt, thể hình của cầu thủ sẽ bùng sáng rực rỡ, nhưng ngắn ngủi.
Thế mạnh của R10 nằm ở sức mạnh, sức bùng nổ, sự năng động. Nhưng 2-3 năm gần đây, tất cả đã mất đi. Rooney của hôm nay, ngày mai sẽ không bao giờ trở lại như quá khứ.
Nhưng cũng có điều gì đó đặc trưng rất riêng của Rooney: sẵn sàng, thậm chí có thể nói là vui vẻ chấp nhận việc anh bị loại bỏ dần, tin tưởng rằng sẽ không có màn vinh danh cuối hay khúc khải hoàn hoàn mỹ.
Đó như là đặc trưng từ chính nơi anh sinh ra, là bản chất của anh, một cầu thủ đến từ Liverpool - nơi vẫn tự hào mình khác tất cả phần còn lại của nước Anh.
Năm 2004, tại giải vô địch EURO, Rooney lần đầu trình làng với bóng đá thế giới. Khi đó, anh đã được coi là ngôi sao đang lên của nước Anh trong gần hai năm, kể từ khi anh ghi bàn thắng trước Arsenal khiến Arsene Wenger phải tuyên bố đây là cầu thủ U20 “xuất sắc nhất” ông từng thấy kể từ khi tới Anh.
EURO năm đó, Rooney mới chỉ 18 khi anh tung hoành vòng bảng, phong độ khiến đồng đội Steven Gerrard phải ca ngợi anh là “cầu thủ có phong độ xuất sắc nhất châu Âu” khi đó.
Chấn thương của anh ngay phút 27, trong trận thua ở tứ kết trước Bồ Đào Nha, được coi là khúc ngoặt. Nhưng chỉ với những gì đã đóng góp, HLV tuyển Anh khi đó, Sven-Goran Eriksson đã so sánh chàng thanh niên trẻ với Pele của Brazil ở World Cup 1958.
Sự so sánh có những điểm đúng: nước Anh cuối cùng cũng tìm được cầu thủ tài năng đủ lớn, ngang tầm với những huyền thoại vĩ đại khác.
Những năm tháng sau đó, cổ động viên của MU sáng tác một bài hát vinh danh anh, trong bài anh được ví là “Pele trắng”.
Kỳ vọng quá lớn dành cho Rooney
Những so sánh và kỳ vọng đó ám ảnh Rooney mãi. Dù anh đạt được thành tựu gì - cầu thủ ghi bàn xuất sắc nhất cho tuyển Anh và CLB, biểu tượng toàn cầu - thì anh vẫn chưa bao giờ chạm ngưỡng kỳ vọng từ cổ động viên, chuyên gia, HLV cách đây hơn 10 năm.
Rooney đã có một sự nghiệp lừng lẫy ở Manchester United, nhưng anh chưa bao giờ trở thành Pele của nước Anh - và nước Anh cũng chưa bao giờ trở thành Brazil của Pele. Có những người vẫn dè bỉu Rooney chưa bao giờ phát huy hết tiềm năng của mình.
Rooney không phải cầu thủ biến tuyển Anh thành thế lực lớn của bóng đá thế giới. Rooney, giống như phần lớn thế hệ vàng vẫn được ca ngợi của tuyển Anh, đi từ thất vọng này tới thất vọng khác ở các kỳ World Cup và EURO.
Thành quả của anh bị phủ bóng bởi những gì anh chưa đạt được, và kết cục anh bị phủ nhận bởi những kỳ vọng cho rằng đáng ra Rooney phải đạt được nhiều hơn thế.
Điều đó không đúng trong tâm trí của những người yêu MU, và đương nhiên cũng không đúng với những cổ động viên trung thành của Everton. Tuy nhiên, chính những thất bại của Rooney cho tuyển quốc gia đã trở thành gánh nặng tâm lý, cả với dư luận bóng đá Anh và dư luận nói chung.
Rooney, từ giây phút anh xuất hiện như cầu thủ trưởng thành, ở tuổi 16, đã luôn bị săm soi trên từng trang thể thao mỗi tờ báo, hơn bất cứ cầu thủ Anh nào kể từ thời David Beckham.
Là cầu thủ nhưng anh bị soi như một minh tinh showbiz, và bằng sự soi chiếu khắt khe hơn nhiều. Những năm cuối sự nghiệp của anh không tươi đẹp như Beckham. Vẻ bề ngoài nam tính của Beckham đương nhiên có lợi, nhưng một phần nào đó là sự lạnh lùng cũng như việc Rooney vụng về trong việc xây dựng thương hiệu của mình.
Có những lúc chính Rooney tự hại mình, khi là sự loè loẹt hành xử thời trẻ, lúc là vụ đẩy khủng hoảng hợp đồng không cần thiết, hay nổi cáu trên sân với chính cổ động viên của mình - như ở World Cup 2010.
Nạn nhân của miệt thị vùng miền
Một phần sự khinh miệt Rooney gặp phải, rất không công bằng và dần làm anh mất hình ảnh, xuất phát từ lý do khác: gốc gác vùng miền của anh.
Nước Anh chia rẽ sâu sắc bởi đẳng cấp, bởi đầy rẫy những định kiến. Beckham, giống Rooney, xuất phát từ gia đình lao động, nhưng ít nhất Beckham có lợi thế hơn: đầy khát khao, luôn tươi cười và hào nhoáng.
Rooney thì khác. Trong khi Beckham đến từ vùng ngoại ô gần London, Rooney đến từ khu nhà trợ cấp không chỉ là ở phía bắc mà còn ở Liverpool, thành phố luôn tự hào mình khác hết thảy phần còn lại của đất nước.
Anh thông minh và thoải mái, và ngày càng thẳng thắn, khi tiếp xúc trực tiếp. Nhưng trong những cuộc phỏng vấn đầu tiên, anh luôn đầy ngượng nghịu. Điều này tạo ra định kiến không công bằng ngay lúc đó: đứa trẻ to lớn từ vùng Croxteth, não chỉ có ở... chân mà không còn ở nơi nào khác.
Giống Beckham, Rooney chưa bao giờ mang về vinh quang cho đất nước. Giống Beckham, anh bị chỉ trích và nguyền rủa nặng nề trong nhiều giai đoạn của sự nghiệp.
Nhưng không giống Rooney, Beckham chưa bao giờ bị xỉa xói vì danh tiếng hay vì sự giàu có. Vì lý do nào đó, Beckham được coi là xứng đáng với sự giàu có, còn Rooney thì không.
Việc Rooney chịu đựng tất cả mà vẫn đạt được những danh hiệu như vậy là rất đáng ghi nhận. Anh trở về Everton như một kỷ lục gia và một người tạo lịch sử, một trong những cầu thủ thành công nhất trong thế hệ của mình.
Nếu như sự trở lại có chút màu sắc của luyến tiếc quá khứ, điều đó cũng không có gì bất thường. Rooney đáng được nhớ nhung, dù chỉ là chút ít, trước khi anh rời sân cỏ vĩnh viễn.
Tạm biệt Rooney, 'Pitbull điên' của Manchester United
Hành trình đầy hạnh phúc, khổ đau, nước mắt và máu của Rooney tại MU đã khép lại. Trở về Everton nhưng hình ảnh Rooney vẫn sẽ ở lại nơi Old Trafford, ngôi nhà thực sự của anh.
4 năm qua, MU chi tiền nhiều hơn 27 năm Sir Alex tại vị
Kể từ khi Sir Alex Ferguson giải nghệ, MU vẫn loay hoay tìm lại ánh hào quang bằng cách chi thật nhiều tiền mỗi khi kỳ chuyển nhượng mở cửa.
Rooney: 'Tôi không xứng giành cú ăn 3 cùng MU'
Cựu thủ quân Man Utd chia sẻ cảm giác khó chịu khi không có nhiều đóng góp ở 2 danh hiệu Europa League và League Cup mùa trước.