Bước vào năm 2019, nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu thảo luận về vấn đề giới hạn lượng khách du lịch vào các khu du lịch nổi tiếng vì mục tiêu bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và các loài động vật quý hiếm. Nổi bật trong số đó là Công viên Quốc gia Komodo bao gồm 29 hòn đảo ở Indonesia. Nơi đây nổi tiếng với loài thằn lằn lớn nhất thế giới, còn được biết đến với tên gọi "rồng Komodo", chỉ sinh sống duy nhất ở đảo Komodo và một vài đảo nhỏ lân cận.
Tại công viên quốc gia Indonesia, khách du lịch là một trong những mối đe dọa lớn đối với thiên nhiên, theo South China Morning Post.
Rồng Komodo, loài thằn lằn có kích thước lớn nhất thế giới, đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do mối đe dọa từ con người và thiếu hụt thức ăn, đặc biệt là loài hươu ngày càng bị con người săn trộm số lượng lớn. Ảnh: South China Morning Post. |
Đóng cửa công viên để cứu rồng
Trả lời phỏng vấn tờ Tempo của Indonesia ngày 18/1, thống đốc tỉnh Đông Nusa Tenggara, ông Viktor Bungtilu Laiskodat, cho biết số lượng cá thể rồng Komodo nổi tiếng của công viên đã giảm do nạn săn bắt trộm hươu, thức ăn của rồng Komodo, ở khu vực này. "Chính quyền tỉnh Đông Nusa Tenggara sẽ tổ chức lại và cải thiện Công viên Quốc gia Komodo để có thể duy trì môi trường sống cho loài rồng này. Chúng tôi có kế hoạch đóng cửa nơi này cả năm", thống đốc nói.
Theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (World Wide Fund for Nature), rồng Komodo, với chiều dài có thể lên tới 3 m và nặng khoảng 70 kg, lại rất dễ bị tuyệt chủng do hoạt động của con người, ví dụ như việc săn bắt quá mức các loài động vật là thức ăn của rồng. Chính vì vậy các nhà môi trường học ra sức ủng hộ hoạt động bảo vệ quần thể loài bò sát khổng lồ này.
Tuy nhiên, ông Arief Yahya, Bộ trưởng Bộ Du lịch Indonesia, phản đối ý tưởng này.
"Đóng cửa Công viên Quốc gia Komodo là không cần thiết", ông Yahya nói với tờ Tempo ngày 29/1.
Phát biểu này của ông Yahya theo sau tuyên bố của bà Siti Nurbaya Bakar, Bộ trưởng Bộ Môi trường và Lâm nghiệp nước này.
"Công viên Quốc gia Indonesia là địa điểm du lịch với nhiều doanh nhân, từ bộ du lịch và các bộ khác, hoạt động kinh doanh", bà Bakar nói hôm 24/1.
Số lượng cá thể rồng Komodo trong công viên quốc gia Indonesia sụt giảm trong những năm gần đây, cảnh báo các nhà chức trách cần thực hiện chính sách bảo tồn loài động vật quý hiếm có họ hàng với khủng long này. Ảnh: South China Morning Post. |
Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp khẳng định việc đóng cửa công viên sẽ không còn là vấn đề riêng của chính quyền địa phương và sẽ trở thành mối quan tâm của trung ương. Jakarta đang thu thập thông tin để đánh giá mức độ cần thiết phải đóng cửa Công viên Quốc gia Komodo. Cuộc họp nhằm thảo luận về vấn đề này dự kiến sẽ được tổ chức trong tương lai gần, theo Jakarta Post.
Phản đối từ ngành du lịch
Theo số liệu của tỉnh Đông Nusa Tenggara được công bố trên ấn phẩm du lịch TTG Asia, năm 2018 Công viên Quốc gia Komodo đón 176.830 lượt khách du lịch, tăng 48% so với năm 2017 và con số này đi đôi với sự phát triển kinh tế địa phương. Vì vậy, hơn 4.500 cư dân tại khu vực này, vốn đa số sống nhờ kinh doanh dịch vụ du lịch, sẽ bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa công viên, theo Tempo.
Tuy nhiên, nếu kế hoạch bảo tồn rồng Komodo không được thực hiện, nhiều chuyên gia lo ngại loài vật này có thể chuyển sang ăn thịt đồng loại vì thiếu thức ăn và trong trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến tuyệt chủng. Nếu điều này xảy ra, ngành du lịch ở các đảo xa xôi sẽ không thể hoạt động, đẩy nhiều người dân sống nhờ kinh doanh du lịch vào cảnh khốn khó.
Phần lớn cư dân ở tỉnh |
Trong khi các quan chức còn mải tranh luận về cách tiến hành bảo tồn, nhiều công ty du lịch và lữ hành đang hoang mang.
"Tuyên bố này quá đường đột. Không hề có cuộc thảo luận nào với các hiệp hội thương mại du lịch hay với cộng đồng cư dân mà 70% sinh kế của họ phụ thuộc vào công viên quốc gia", Abed Frans, chủ tịch Hiệp hội các Cơ quan Du lịch Indonesia thuộc tỉnh Đông Nusa Tenggara, nói với tờ TTG Asia.
Theo Jakarta Post, ông Yahya cũng lo ngại việc đóng cửa có thể gây rắc rối cho các hãng đại lý du lịch, nhấn mạnh việc duy trì ngành du lịch quan trọng hơn so với việc bảo vệ quần thể động vật của công viên.
Cho tới nay, số phận của loài rồng Komodo nói riêng và của công viên quốc gia nói chung vẫn mắc kẹt giữa nhu cầu bảo tồn tài nguyên, môi trường và lợi ích từ kinh doanh du lịch.