Al Nassr gọi việc chiêu mộ CR7 là "thương vụ lịch sử". Đội bóng có 9 lần vô địch giải Saudi Pro League này có lý do để chi đến hơn 200 triệu USD mỗi năm nhằm đón siêu sao người Bồ Đào Nha về thi đấu.
Simon Chadwick, Giáo sư Kinh tế Thể thao và Địa chính trị tại Đại học SKEMA ở Paris (Pháp), nhận định: “Ký hợp đồng với một cầu thủ tầm cỡ như Ronaldo mang lại lợi ích về hình ảnh, danh tiếng, thương hiệu và cả thứ được gọi là quyền lực mềm".
Tham vọng của người Saudi Arabia
Giáo sư Chadwick tin rằng Al Nassr đã tính toán kỹ khi quyết định vung tiền đón siêu sao người Bồ Đào Nha về chơi bóng trong 2,5 năm. Ông phân tích: "Động thái của Al Nassr phục vụ cho nhiều mục đích. Nó thu hút sự chú ý của dư luận tới nền bóng đá Saudi Arabia, thứ mà chính phủ nước này đang tìm cách phát triển trong 5 năm qua. Các nhà chức trách không chỉ muốn các CLB cạnh tranh với những đội mạnh nhất châu Á mà còn muốn phát triển mạnh mẽ hơn về mặt thương mại".
Al Hilal là đại diện ưu tú của Saudi Pro League. Đội có 18 lần vô địch giải quốc gia và 4 lần lên ngôi tại AFC Champions League, nắm giữ kỷ lục vô địch trong lịch sử giải đấu. Về mặt thành tích, Al Hilal rõ ràng là niềm tự hào của nền bóng đá Saudi Arabia. Nhưng bản hợp đồng Ronaldo của Al Nassr có thể tạo ra bước ngoặt mới ở khía cạnh thương mại.
“Việc ký hợp đồng với Ronaldo sẽ mở ra những bước tiến thương mại mới cho cả Al Nassr và có thể là những đội bóng khác trong giải đấu", Giáo sư Chadwick nhận định thêm.
Sức hút của CR7 không cần bàn cãi. Siêu sao 37 tuổi này sở hữu hơn nửa tỷ người theo dõi trên trang cá nhân. Nếu tính tất cả tài khoản trên mọi nền tảng mạng xã hội, con số này tăng lên hơn 700 triệu người. Danh tiếng và tầm ảnh hưởng giúp Ronaldo trở thành "thỏi nam châm" thu hút người hâm mộ trên thế giới đến theo dõi giải Saudi Pro League.
Sự có mặt của Ronaldo có thể giúp giải Saudi Arabia nâng tầm. CR7 sẽ tạo ra tầm ảnh hưởng không thua kém thời điểm David Beckham khoác áo LA Galaxy năm 2007.
CĐV Saudi Arabia xếp hàng chờ mua áo đấu Ronaldo cách đây ít ngày. Ảnh: Reuters. |
Trước khi chiêu mộ Ronaldo, Public Investment Fund (Quỹ đầu tư công Saudi Arabia) từng gây chú ý khi chi 363 triệu USD để thâu tóm Newcastle United vào năm 2021. Việc các quốc gia Trung Đông như Saudi Arabia đổ tiền vào châu Âu để bành trướng thế lực không còn là điều mới mẻ.
UAE và Qatar đi trước Saudi Arabia khi Abu Dhabi United Group thâu tóm Man City tại Premier League hay PSG rơi vào tay Qatar Sports Investments của tỷ phú Nasser Al-Khelaifi. Ngoài ra, những gã khổng lồ ngành hàng không tại Trung Đông như Emirates hay Etihad đều có những hợp đồng lớn với các đội bóng nổi tiếng ở châu Âu.
Giáo sư Chadwick cho rằng với tiềm lực và quy mô nền kinh tế vượt trội Qatar và UAE, các khoản đầu tư của Saudi Arabia sẽ giúp họ vượt mặt hai quốc gia láng giềng trong tương lai. Theo số liệu từ AGBI (Arabian Gulf Business Insight), đóng góp của nền thể thao vào GDP của Saudi Arabia đã tăng từ 2,4 tỷ USD vào năm 2016 lên 7 tỷ USD hiện nay.
Giấc mơ đăng cai World Cup
Saudi Arabia sẽ tổ chức ASIAD 2029, nhiều cuộc đua F1 và các trận đấu quyền anh có sự góp mặt của nhiều tên tuổi nổi tiếng. Đồng thời, quốc gia này cũng đang tranh quyền đăng cai nhiều giải đấu bóng đá nữ trong tương lai, gồm cả Asian Cup nữ 2026.
Nhưng tham vọng lớn nhất của nhà chức trách nước này chính là đăng cai một kỳ World Cup, điều mà Qatar vừa làm trong năm 2022. Theo Mundo Deportivo, Saudi Arabia đã gửi lên FIFA bản kế hoạch để tổ chức kỳ World Cup 2030 xuyên lục địa với 3 nước đồng chủ nhà gồm Saudi Arabia (châu Á), Ai Cập (châu Phi) và Hy Lạp (châu Âu).
Ahmed Al Khateeb, Bộ trưởng Du lịch Saudi Arabia, chia sẻ hồi tháng 11: "Chắc chắn ba quốc gia sẽ đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và luôn trong tâm thế sẵn sàng tổ chức World Cup. Với riêng Saudi Arabia, chúng tôi sẽ xây dựng thêm các sân vận động và khu vực khán đài hiện đại dành cho người hâm mộ".
Ngoài việc chiêu mộ Ronaldo, các công ty của Saudi Arabia còn ký hợp đồng với Lionel Messi để quảng bá du lịch, đồng thời nuôi hy vọng đưa "El Pulga" đến thi đấu tại giải VĐQG Saudi Arabia trong tương lai.
Giáo sư Chadwick tin rằng sự kết hợp thú vị trên một phương diện khác của Ronaldo và Messi, hai siêu sao bóng đá hàng đầu thế giới trong hơn thập kỷ qua, sẽ giúp Saudi Arabia có thêm lợi thế để tranh quyền đăng cai World Cup 2030. Khi đó, giấc mơ được theo dõi ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới trên sân nhà với họ không còn là điều xa vời.
Những cuốn sách hay về thể thao
Tủ sách thể thao mang tới những câu chuyện thể thao quá khứ và hiện tại, những bí mật hậu trường, những giải đấu, ký ức của những cựu danh thủ, HLV, các huyền thoại như Sir Alex Ferguson, Steven Gerrard, Park Hang-seo, Lê Công Vinh...