Theo Financial Times, siêu sao người Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo vừa có trận ra mắt mĩ mãn cùng các đồng đội tại CLB Manchester United hôm 11/9. Đây là trận đấu đầu tiên của cầu thủ này sau 12 năm rời sân Old Trafford.
Quyết định quay trở về Man Utd của Ronaldo phải kể đến sự tác động của Sir Alex Ferguson cùng các danh thủ trong CLB. Trước đó, Ronaldo và người đại diện đã có ý định chuyển đến đối thủ cùng thành phố Manchester City.
Lợi ích vô hình từ Ronaldo
Tuy đã 36 tuổi, Ronaldo đang là cầu thủ nhận lương cao nhất giải Ngoại hạng Anh, khoảng 560.000 bảng/tuần (sau thuế) theo thông tin của Telegraph. Do đó, Man Utd phải đảm bảo việc chiêu mộ Ronaldo sẽ giúp CLB gặt hái nhiều giá trị thương mại.
Những nguồn tin trong CLB ví bản hợp đồng này như “nuốt chửng một con cá voi”. Trong vòng 2 năm tới, Man Utd sẽ tiêu tốn ít nhất 60 triệu bảng (tương đương khoảng 5% doanh thu dự kiến của MU) cho tiền đạo người Bồ Đào Nha.
Đây là khoản chi tương đối đắt đỏ, ngay cả doanh thu bán áo đấu hoặc tài trợ cũng khó lòng bù đắp được.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo của CLB đang tính đến những lợi ích vô hình nhiều hơn. Bằng cách nào đó, sự trở lại của Ronaldo có thể nâng cao tiêu chuẩn của đội bóng, lôi kéo thế hệ người hâm mộ mới trên toàn thế giới cũng như “làm lành” với những cổ động viên phản đối việc CLB tham gia vào dự án lùm xùm European Super League.
Sự trở lại của Ronaldo sẽ thu hút nhiều người hâm mộ bóng đá mới. Ảnh: Manchester United. |
Đội ngũ tuyển dụng của CLB hiện do Phó chủ tịch điều hành sắp mãn nhiệm Ed Woodward, Giám đốc bóng đá John Murtough và Trưởng bộ phận tuyển trạch Steve Brown phụ trách. Bên cạnh đó, HLV Ole Gunnar Solskjaer cũng có quyền phủ quyết đối với các bản hợp đồng tiềm năng.
3 tháng trước khi kỳ chuyển nhượng hè bắt đầu, lãnh đạo CLB sẽ liệt kê danh sách các cầu thủ tiềm năng. Trước Ronaldo, Man Utd đã có 2 bản hợp đồng giá trị là Jadon Sancho từ CLB Borussia Dortmund và Raphaël Varane từ CLB Real Madrid. Cũng trong tháng này, ban tuyển dụng của CLB sẽ thảo luận về những mục tiêu trong mùa hè tới.
Việc ký hợp đồng với Ronaldo diễn ra nhanh hơn dự kiến. Để đưa thân chủ rời khỏi Juventus, "siêu cò" Jorge Mendes - người đại diện của Ronaldo - đã tổ chức hàng loạt cuộc thảo luận với các CLB lớn. Nhưng, Mendes chỉ nhắn nhủ quyết tâm rời Juventus của Ronaldo vào ngày 24/8 với ban lãnh đạo Man Utd.
Sau khi từ bỏ mục tiêu mua Harry Kane từ CLB Tottenham Hotspur, Man City cũng nhanh chóng có cuộc thảo luận hợp đồng với cầu thủ người Bồ. Mặc dù vậy, thương vụ này nhanh chóng bị Man Utd "nẫng tay trên”.
CLB nhanh chóng có được cái gật đầu của Juventus sau khi đề nghị khoản phí chuyển nhượng 15 triệu euro trả dần trong 5 năm, đi kèm khoản tiền thưởng thành tích lên tới 8 triệu euro.
Đối với Ronaldo, anh nhận được bản hợp đồng 2 năm kèm tùy chọn gia hạn thêm 1 năm với Man Utd. Ngoài ra, lương của cầu thủ này sẽ thấp hơn một chút so với số tiền 31 triệu euro/năm tại Juventus.
Tương tự các cầu thủ Man Utd khác, hợp đồng của Ronaldo bao gồm các điều khoản như cắt giảm lương nếu đội không đủ điều kiện tham dự UEFA Champions League, nơi 2 tỷ euro được chia cho các CLB tham gia.
”Nếu Man City thực sự muốn ký hợp đồng với anh ấy, United sẽ không đánh hơi được. Đây thực sự là một cuộc 'hôn nhân' có hậu. Không ai khác ngoài United thực sự muốn anh ấy”, nguồn tin thân cận với các lãnh đạo Man City chia sẻ.
Ronaldo giúp Man Utd trở thành CLB giàu nhất thế giới?
Man Utd đã chứng minh rằng họ là một trong số ít CLB có tiềm lực chiêu mộ Ronaldo. Với việc người hâm mộ đã có thể theo dõi tại sân vận động, Man Utd hy vọng sẽ thu về khoảng 600 triệu bảng (mức doanh thu hàng năm trước đại dịch) và trở thành một trong những đội bóng giàu nhất thế giới.
Theo Financial Times, doanh thu bán vé của Man Utd tương đối ổn định. Nhờ tung ra nhiều gói vé và dịch vụ ưu đãi, các trận đấu tại sân Old Trafford đều kín chỗ vào mỗi mùa giải. Các hợp đồng phát sóng hiện do Premier League và UEFA thực hiện.
Theo công ty tư vấn KPMG, Ronaldo từng mang lại doanh thu không nhỏ cho Juventus. Doanh thu tài trợ hàng năm của câu lạc bộ Italy đã tăng từ 143 triệu euro lên 175 triệu euro trong 3 năm kể từ ngày cầu thủ này chuyển đến.
Mặc dù vậy, sự trở lại của Ronaldo khó có thể tác động tức khắc tới doanh thu của Man Utd. Trong năm 2020, CLB thu về 279 triệu bảng từ hoạt động thương mại. Gần đây nhất, công ty công nghệ Đức TeamViewer đã ký kết hợp đồng tài trợ áo đấu cho Man Utd trong 5 năm trị giá 275 triệu euro.
Tiếng tăm của Ronaldo sẽ đảm bảo giá trị thương mại và hoạt động truyền thông của CLB. Ảnh: Manchester United. |
Phần lớn doanh thu bán trang phục thi đấu của CLB thuộc về Adidas. Nếu bán trên trang web chính thức do Fanatics, nhà bán lẻ trực tuyến có trụ sở tại Mỹ điều hành, CLB sẽ có biên lợi nhuận cao hơn.
“Khi Juventus mua Ronaldo, CLB này có mức doanh thu thương mại khá thấp. Doanh thu của United đang dẫn trước nhiều hơn, do vậy lợi ích biên sẽ không cao”, Andrea Sartori, người đứng đầu bộ phận thể thao toàn cầu của KPMG, cho biết.
Tuy nhiên, cầu thủ người Bồ vẫn có vai trò quan trọng tới công việc kinh doanh của CLB. Ronaldo hiện sở hữu hơn 340 triệu người theo dõi trên Instagram, đây là yếu tố giúp Man United thúc đẩy hoạt động truyền thông và đảm bảo giá trị thương mại.
Bên cạnh đó, cầu thủ này sẽ giúp người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới chú ý nhiều hơn đến Man Utd, CLB chưa một lần vô địch giải Ngoại hạng Anh hoặc Champions League kể từ năm 2013.
“Từ quan điểm thương mại, việc Man Utd chiêu mộ Ronaldo giống như bơm loại nhiên liệu tốt nhất vào chiếc xe nhanh nhất, nhưng đó không phải là lý do tại sao chúng tôi làm điều đó. Phẩm chất, khả năng lãnh đạo và kinh nghiệm của Ronaldo sẽ giúp đỡ các cầu thủ trẻ trong đội cũng như thúc đẩy sự thành công”, một người có kiến thức trực tiếp về thương vụ này nhận định.