Roman Abramovich thờ thịnh, không thờ suy
Trên lộ trình từ một đứa trẻ mồ côi trở thành phú gia địch quốc, Roman Abramovich học được rất nhiều điều từ “đại ca” Boris Berezovsky, đồng thời tránh được 2 sai lầm chết người của đầu sỏ chính trị này: kiêu ngạo và trung thành.
>> Cuộc chiến giữa hai ‘trùm sò’ Boris Berezovsky - Roman Abramovich
>> Abramovich bị kiện trong phiên xử trị giá 3,5 tỉ bảng
Bước vào Kremlin
Chính trị là sân sau của kinh tế, đó là bài học đầu tiên mà Roman Abramovich học được từ Boris Berezovsky và “bố già chính trị” Boris Berezovsky (cách nói của luật sư Jonathan Sumption tại tòa án London) là hình mẫu duy nhất mà ông chủ Chelsea muốn vươn lên vào những năm 1990 ở Nga. Xin nhắc lại, thời kỳ mà nhà báo David Satter gọi là “Darkness at dawn” (Bóng tối lúc bình minh). Theo một cựu nhân viên KGB: “Mỗi bước chân của Boris Berezovsky, Roman Abramovich đều theo sau, lặng lẽ quan sát và học hỏi”.
Boris Berezovsky |
“Bước chân” quan trọng nhất mà Abramovich - một doanh nhân trẻ theo sau “bố già” Berezovsky trong tư cách Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia là vào Điện Kremlin để gặp Tổng thống Nga khi đó là ông Boris Yeltsin. Những “bước chân”, những cái “bắt tay” ấy là hình mẫu tiêu biểu nhất cho thời kỳ “Darkness at dawn” ở Nga: chính khách - bố già - doanh nhân.
Bắt đầu từ thời điểm đó, ý thức chính trị và vị thế chính trị của Abramovich được nâng thêm một bậc, dù trước đó, ông chủ Chelsea luôn xem “chính trị là một trò chơi bẩn thỉu” trong cái thời buổi “tranh tối, tranh sáng”. Và cũng nhờ Berezovsky, nhờ dấu giày in ở Điện Kremlin, mà Viện công tố Nga đã phải hủy điều tra Roman Abramovich về những tội danh liên quan đến hoạt động tội phạm, biển thủ tài sản Nhà nước, rửa tiền, giả mạo giấy tờ… từ thời Mikhail Gorbachov kéo dài cho đến giai đoạn Boris Yeltsin.
Kremlin thời Putin
Năm 2000, ông Vladimir Putin bước vào Điện Kremlin thay cho Boris Yeltsin. Về chính sách đối nội, ông Vladimir Putin đã làm gì để khôi phục nền kinh tế Nga sau 8 năm hỗn loạn, khủng hoảng nghiêm trọng dưới thời người tiền nhiệm, để lấy lại niềm tin cho nước Nga?
Nếu như sau công cuộc “Cải tổ” (perestroika) của Mikhail Gorbachov, cũng như giai đoạn Nhà nước Nga thời Boris Yeltsin, chính sách tư hữu hóa tài sản Nhà nước khiến cho các nhà tài phiệt đáng ngờ nổi lên như nấm, mà “công dụng vĩ đại” của chính sách ấy là kéo tụt nền kinh tế Nga xuống đáy, thì Vladimir Putin đã mạnh tay thực hiện chính sách “Quốc hữu hóa tài sản nhà nước”. Kết quả là nền kinh tế Nga vượt qua được khủng hoảng, niềm tin nước Nga được khôi phục mà nói hơi bóng bẩy một chút như “các cụ nhà ta” thì “Mặt trời Nga lại bừng sáng ở phương Đông”. Nhưng chính sách kinh tế của ông Putin đã đánh thẳng vào lợi ích của các nhà tài phiệt, các bố già, các “đầu sỏ chính trị”, trong đó có Boris Berezovsky và Roman Abramovich…
Đứa con của Điện Kremlin
Khi ông bạn thân Boris Yeltsin rời Điện Kremlin, đương nhiên quyền lực của Boris Berezovsky chỉ còn biệt dựa vào “thế giới ngầm”. Và khi lợi ích bị đụng chạm, Boris Berezovsky công khai chống lại Vladimir Putin. Thậm chí, năm 2007, khi đang tị nạn tại Anh, Berezovsky còn công khai kế hoạch lật đổ Nhà nước Nga của Vladimir Putin. Ngược lại, Berezovsky là “cái gai” phải “nhổ” trong con mắt của giới cầm quyền Nga.
“Mỗi bước chân của Boris Berezovsky, Roman Abramovich đều theo sau, lặng lẽ quan sát và học hỏi”. Nhưng không phải bài học nào từ “ông thầy” Berezovsky, “cậu học trò” Abramovich cũng ghi chép một cách cứng nhắc. Tầm nhìn của Abramovich chỉ ra cho ông: thời buổi nào thì cái thuyết “chính trị là sân sau của kinh tế” cũng đúng.
Hay! Ai nghĩ ra cái thuyết ấy? Ông chủ Chelsea không cần biết, nhưng muôn năm người đó, vạn tuế người đó! Vậy thì tại sao phải tôn thờ và trung thành với 2 ông Boris, một đã về hưu, một đang bị đánh tả tơi vì đi ngược lại với lợi ích kinh tế của cả một dân tộc vĩ đại? Thế là “đàn em” Roman Abramovich dạy cho “đại ca” Boris Berezovsky một bài học đau đớn không có trong “giáo án” của bố già này: phải biết phản bội khi lòng trung thành đồng nghĩa với tự sát.
Abramovich và ngài V.Putin ở Kremlin |
Roman Abramovich ủng hộ Putin và chẳng hiểu bằng cách nào, ông lại đàng hoàng đi vào Điện Kremlin thời ông Putin, đúng như cái cách Boris Berezovsky từng bước vào nơi ấy thời Boris Yeltsin. Thậm chí ở Nga, mối quan hệ của Abramovich và ông Putin được miêu tả là “như cha với con”. Kết cục là, khi luận tội về những nhà tài phiệt từng làm lũng đoạn nền kinh tế Nga những năm 1990 thời Boris Yeltsin, giới phân tích cho rằng những kẻ ấy chết 2 lần không hết tội, thì Boris Berezovsky bị xử, phải chạy sang Anh tị nạn. Trái lại, ông chủ của Chelsea được tung hô như một người anh hùng, có công lớn với nền kinh tế Nga và thể thao Nga…
Muôn năm, muôn năm những bài học của Boris Berezovsky! Nhưng đau cho “bố già” này, bởi Abramovich đã dùng chính những bài học của Berezovsky để… chơi Berezovsky.
Đón đọc kỳ 3: Chữ thầy, trả lại cho thầy
Theo Sỹ Đoan (Thể thao 24h)