Người ta nói Federer có ánh mắt của một con diều hâu, chưa bao giờ hết khát khao, chưa bao giờ ngừng toả sáng. Ngày hôm qua ở Rod Laver Arena, ánh mắt ấy đã trở lại, rực lửa hơn bao giờ hết và khi nhìn vào nó, hàng triệu, vâng, hàng triệu người bất giác đều rơi lệ.
Đấy là dòng lệ của sự yêu mến, khâm phục, trân quý và cả ngỡ ngàng. Bao nhiêu người, dù thần tượng Federer, dám tin anh sẽ lên ngôi ở Úc mở rộng năm nay? Sau những chấn thương dai dẳng, sau những thất bại tủi hờn và sau những giải đấu lỗi hẹn nối tiếp nhau…
Danh hiệu Grand Slam thứ 18 của Federer đến theo một kịch bản vốn chỉ dành để tôn vinh những huyền thoại. |
Nhưng Roger không lùi bước, không giã từ, cũng không mất niềm tin, dù thất vọng đối với anh là có thật. Anh đến Australian Open lần đầu tiên với thứ hạng 17 sau 16 năm sự nghiệp (gần nhất Federer xếp thứ 18 ATP là tháng 5/2001), đã 35 tuổi, lưng, đầu gối vẫn đang phải trị liệu hàng ngày và được “vỗ về” như một huyền thoại buổi xế chiều.
Câu trả lời của Federer, cho tất cả, là những trận đấu không dễ dàng nhưng đầy ắp quyết tâm. Dù đối thủ có là Melzer, Berdych, Nishikori, Zverev hay Wawrinka, Federer đều chơi đầy thận trọng, hợp lý và quan trọng là hiệu quả.
Tuy nhiên, Federer lại rất ít dùng những phẩm chất này cho trận quyết định với Nadal, đại kình địch luôn được đánh giá cao hơn anh ở sự chỉn chu, chặt chẽ và chính xác như một cỗ máy chơi tennis.
Suốt trận chung kết, Federer cũng có những thời điểm đua bóng bền rất lợi hại, nhưng những điểm số mà anh giành được chủ yếu đến từ sự phiêu lưu. Hẳn là những cú phải tay trong tư thế rướn, hẳn là những cú trái tay bung hết cỡ với điểm rơi nằm sát mép dây, mới có thể đánh bại được Nadal “vua cứu bóng”.
73 điểm thắng, 57 lỗi tự đánh hỏng so với 35/28 của Nadal, 29/40 điểm tràn lưới so với 10/12 của Nadal, bản thân những con số khô khan ấy cũng chỉ ra một thế trận “tất tay” mà Federer chủ động dàn dựng. Federer chấp nhận mất những điểm đáng tiếc như khi dồn ép đối thủ mà đánh ra ngoài, nhưng chỉ có cách ấy mới hạn chế tối đa khả năng phản công đáng sợ từ phía Nadal.
Cú trái 1 tay bất ngờ hồi sinh của Federer là vũ khí giúp anh thắng Nadal. |
Đó là chiến thuật tất yếu mà Federer lựa chọn từ kinh nghiệm đối đầu bất lợi với Nadal trong quá khứ (11-23), từ sự chênh lệch tuổi tác (5) và cả sự kỵ rơ trong lối đánh.
Nadal không bất ngờ với sự nhập cuộc của Federer. Vấn đề chỉ là anh không còn dẻo dai, bền bỉ như cách đây 8 năm, và Federer thì đột nhiên bùng nổ với những cú trái tay – vốn là điểm yếu chí mạng ở những lần gặp trước.
Và nói một cách đầy màu sắc thì Australian Open 2017 giống như một món quà mà định mệnh đã dành sẵn để tri ân Federer. Định mệnh đã đưa đại kình địch Nadal vào chung kết, để dù vô cùng xuất sắc, vẫn chỉ đóng vai người tô điểm cho danh hiệu lớn thứ 18 khắc tên “tàu tốc hành Thuỵ Sỹ”.
Không phải Novak Djokovic hay Andy Murray, chỉ có Nadal mới làm cho chiến thắng của Federer mang sắc màu huyền thoại. Vì đơn giản, đẳng cấp và quá khứ của họ là thứ trang trọng nhất để tôn vinh giá trị của nhau.
3 giờ 37 phút cho một trận chung kết kéo dài 5 set, trong đó Nadal luôn đóng vai người rượt đuổi từ set 1 đến set 4. Kịch tính đẩy lên cực điểm ở set thứ 5, khi Nadal sớm bẻ break và giữ nó đến nửa chặng đường.
Nhưng phần còn lại là cuộc lội dòng xứng đáng đi vào lịch sử của Fedex. Anh làm người hâm mộ nín thở với liên tục những lần bỏ lỡ cơ hội đòi break, trước khi làm được điều này ở game thứ 6 và từ chỗ san bằng tỷ số 3-3 đã vượt lên thắng một mạch 6-3.
Có lẽ đây sẽ là điểm dừng chân tuyệt vời nhất của Federer, một tượng đài sống mà thế giới tennis đã sinh ra. “Chưa biết bao giờ tôi mới lại được vào đến một trận chung kết Grand Slam nữa”, chính Federer thừa nhận thế, trong nước mắt.
Giọt nước mắt của anh, giữa đêm hạnh phúc, kéo theo cả triệu trái tim bỗng rưng rưng. Đấy hẳn là thứ mà Nole, Murray hay Wawrinka dù vô địch thêm nhiều Grand Slam nữa, cũng chỉ có thể ngước nhìn…