Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Robot ăn được’ đầu tiên trên thế giới

Đây là những thanh kẹo làm từ gelatin nhưng lại được cung cấp năng lượng, biết chuyển động, trò chuyện như người.

Robot ăn được của Nhật Bản. Ảnh: Nakata.

Một thanh kẹo hình chữ nhật màu vàng đục dài 7 cm, lắc lư từ bên này sang bên kia, vẫy 2 cánh tay sền sệt chất lỏng để chào hỏi thân thiện với mọi người xung quanh. Suốt toàn bộ quá trình, cơ thể của thanh kẹo này luôn được đặt trong một chiếc cốc. Thanh kẹo nói: "Xin chào. Tôi rất vui khi được nói chuyện với bạn hôm nay".

Theo Kyodo News, nhân vật màu vàng này là phát minh của PGS. Yoshihiro Nakata, thuộc ngành robot tại Đại học Điện - Truyền thông và nhóm nghiên cứu.

Nguồn cảm hứng từ nhân vật anime

Có tên là HERI, thiết bị này chạy bằng kỹ thuật khí nén. Để tạo ra thành phần “ăn được” của HERI, các nhà nghiên cứu đã dùng một chất giống như kẹo dẻo, được pha thêm đường và nước táo để tăng thêm hương vị.

Song, thanh chữ nhật lắc lư này không chỉ đơn giản là chiếc kẹo dẻo vị táo, mà còn là "robot ăn được" đầu tiên trên thế giới. Trong khi phần thân ăn được của robot chỉ làm từ loại kẹo bằng gelatin, điểm đặc biệt lại nằm ở phần đế - nguồn cung cấp năng lượng cho robot, giúp tạo ra chuyển động như thật.

Với 2 chấm đen nhỏ dùng làm mắt, cơ thể của robot được gắn vào một chốt kim loại làm từ thép không gỉ, sau đó đặt bên trong chiếc cốc in 3D. Các khoang bên trong thanh kẹo dẻo chứa đầy không khí và được kết nối với một ống khí nén ở đế để giúp nó chuyển động. Trong khi đó, âm thanh phát ra từ loa được kết nối với thiết bị.

‘Robot an duoc’ dau tien anh 1

Robot giúp nghiên cứu tác động của việc ăn thực phẩm trông giống đồ sống đối với tâm lý con người. Ảnh: Kyodo News.

Nhưng có thể bạn đang thắc mắc, phát minh này dùng để làm gì? Nhà khoa học Yoshihiro Nakata cho biết mục tiêu là dùng các robot ăn được để mở ra một "trải nghiệm ẩm thực chưa từng có”.

Một phần cảm hứng của thanh kẹo được lấy từ Anpanman, nhân vật anime siêu anh hùng nổi tiếng của trẻ em của Nhật Bản. Nó có hình dạng một chiếc bánh ngọt nhân đậu đỏ được nhân hóa như người thật.

Xuyên suốt bộ truyện, Anpanman thường hy sinh bản thân cho những người khó khăn, bằng cách bẻ từng mảnh khuôn mặt cho họ ăn. "Khi Anpanman xé mặt mình và đưa cho người khác, nó sẽ có vị ngon hơn bình thường và mang lại năng lượng cho mọi người", Nakata nói. Vị phó giáo sư tin rằng cách mọi người ăn sẽ thay đổi vị giác, kết cấu và tạo ra các hiệu ứng tâm lý, cảm nhận khác nhau.

Để thực hiện nghiên cứu, Nakata đã hợp tác với các nhà nghiên cứu từ Đại học Osaka. Họ lấy một phần cảm hứng từ phong tục ẩm thực truyền thống của Nhật Bản "odorigui" - ăn sống hải sản lúc chúng còn ngọ nguậy.

Loại hải sản ăn được khi còn sống có thể là bạch tuộc, mực, tôm hùm, nghêu, tôm… Tích hợp robot vào văn hóa ẩm thực này, Nakata muốn vượt qua ranh giới của odorigui, đặt cậu về việc liệu chuyển động của robot có thể thay đổi cảm giác ngon miệng của con người hay không.

Ăn kẹo chuyển động khác ăn kẹo đứng yên thế nào?

Ông đã tạo ra robot hình que vào năm 2022 để thí nghiệm phân tích nhận thức của người tham gia, cả khi hình người que chuyển động và khi chúng đứng yên.

16 người đã ăn những thanh kẹo có chứa gelatin và đường, cả khi chúng chuyển động và khi đứng yên. Sau đó, những người tham gia sẽ chọn kết cấu nào mô tả đúng nhất những gì họ trải nghiệm.

Nhiều người rằng khi robot đứng yên, cảm giác ăn khá dai, còn khi chuyển động lại trở nên đàn hồi và cứng. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng "kết cấu khi cắn và nhai các robot chuyển động khác với kết cấu khi chúng bất động”.

Trong quá trình thực hiện thí nghiệm này, các robot vẫn chưa có cánh tay hoặc đặc điểm khuôn mặt. Nhưng những nhận định như tươi ngon, thậm chí là cảm giác tội lỗi như ăn sinh vật sống, được những người tham gia cảm nhận rõ ràng hơn khi robot di chuyển.

‘Robot an duoc’ dau tien anh 2

Robot ăn được đầu tiên trên thế giới được phát triển bởi Yoshihiro Nakata. Ảnh: Kyodo News.

“Điều đó cho thấy sự tương tác với robot có thể tác động đến cảm giác ngon miệng của người”, Nakata kết luận. Nhưng ảnh hưởng của sự đồng cảm lên vị giác có thể khác nhau tùy vào mỗi cá nhân. Từ thí nghiệm, Nakata và nhóm của ông cho rằng nếu con người và robot có khả năng giao tiếp, đôi khi họ sẽ gắn bó về mặt cảm xúc với chúng. Điều này có thể ảnh hưởng đến vị giác của họ.

Nakata và nhóm nghiên cứu hy vọng rằng nếu họ có thể xác minh thành công cơ chế này ở mọi người, điều này có thể giúp chúng ta làm quen với việc ăn những món mình không thích với sự hỗ trợ của robot. Họ mong muốn áp dụng nghiên cứu ủa mình vào nghệ thuật ẩm thực, đặc biệt là ngành ẩm thực học và dược phẩm.

Những câu hỏi chúng ta phải đối mặt trong thế giới AI

Chúng ta có rất nhiều câu hỏi về thế giới AI, mà đó đều là những nghi hoặc không dễ có ngay đáp án.

Cuốn sách Thời đại AI - Và tương lai loài người chúng ta trình bày cách AI làm thay đổi mối quan hệ của chúng ta với tri thức, chính trị và xã hội. Mục tiêu tối thượng của cuốn sách này là giải thích về AI và cung cấp cho độc giả những câu hỏi mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong những năm tới lẫn bộ công cụ để bắt đầu trả lời chúng.

Thúy Liên

Bạn có thể quan tâm