Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Rộ xu hướng 'trường trong trường đại học'

Nhiều trường đại học đã lập hàng loạt trường "con", phát triển theo xu hướng tự chủ toàn diện để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, sáng tạo và phát triển đội ngũ.

ĐH Kinh tế TP.HCM (UEH) hôm 21/10 chính thức công bố chiến lược tái cấu trúc nhà trường, hướng đến đại học đa ngành và bền vững. GS.TS Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết trường đơn ngành không bảo đảm phát triển bền vững trong tương lai. Trên thế giới, mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực là xu hướng phổ biến giúp phát huy năng lực nghiên cứu, đào tạo, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.

Tăng quyền tự chủ cho các đơn vị

Theo kế hoạch, ĐH Kinh tế TP.HCM thành lập 5 trường trực thuộc. Trong đó, năm 2021, 3 trường đầu tiên được thành lập gồm: Trường Kinh doanh UEH; Trường Kinh tế - Luật và Quản lý nhà nước UEH; Trường Công nghệ và Thiết kế UEH.

Giai đoạn 2026-2030, thành lập Trường Quốc tế trên cơ sở Viện Đào tạo quốc tế ISB và nâng cấp phân hiệu Vĩnh Long thành trường đại học của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Ông Phong cho biết thêm rằng ĐH Kinh tế TP.HCM cấp bằng cho sinh viên chứ không phải trường trực thuộc.

GS.TS Nguyễn Đông Phong cho biết thêm rằng việc thành lập trường trong đại học cũng giúp tăng quyền tự chủ cho các đơn vị. Cụ thể, các trường sẽ được tự chủ ở hầu khắp lĩnh vực từ tuyển sinh, nghiên cứu khoa học, hợp tác, chỉ duy nhất về tài chính vẫn do ĐH Kinh tế TP.HCM chi phối.

Truong trong truong dai hoc anh 1

ĐH Kinh tế TP.HCM vừa công bố tái cấu trúc với việc thành lập 5 trường đại học. Ảnh: Người Lao Động.

Tại Hà Nội, ĐH Bách khoa vừa công bố quyết định thành lập 3 trường thuộc, gồm: Trường Cơ khí (trên cơ sở tổ chức lại Viện Cơ khí, Viện Cơ khí động lực và Viện Khoa học và Công nghệ nhiệt - lạnh); Trường Điện - Điện tử (trên cơ sở tổ chức lại Viện Điện, Viện Điện tử Viễn thông và Viện Nghiên cứu quốc tế về thông tin đa phương tiện, truyền thông và ứng dụng); Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (trên cơ sở tổ chức lại Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông).

Trước đó, ĐH Vinh thành lập 3 trường trực thuộc trên cơ sở tổ chức lại các khoa, gồm: Trường Sư phạm được thành lập trên cơ sở sáp nhập, tổ chức lại các đơn vị Viện Sư phạm Tự nhiên, Viện Sư phạm xã hội, Khoa Giáo dục, Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ sư phạm; Trường Kinh tế được thành lập trên cơ sở tổ chức lại khoa Kinh tế; Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn được thành lập trên cơ sở sáp nhập, tổ chức lại các đơn vị: Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa Luật.

Sinh viên hưởng lợi nhiều hơn

GS.TS Sử Đình Thành, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng việc thành lập trường trong trường sẽ có tác động tốt cho trường và sinh viên được hưởng lợi nhiều hơn.

Với mô hình này, việc phân cấp, phân quyền được đẩy mạnh hơn, tăng vai trò chủ động sáng tạo ở các cấp dưới, tạo động lực phát triển đến từng giảng viên. Bản thân từng trường "con" cũng phải xây dựng chiến lược phát triển, mỗi trường có một thế mạnh nên phải xác định sứ mạng của mình để cùng chia sẻ nguồn lực.

Theo ông Thành, trước đây, các khoa đào tạo theo sự định hướng chuyên môn của trường. Với xu hướng phát triển "trường trong trường", mỗi đơn vị có thể định hướng lấy chương trình đào tạo làm cốt lõi để phục vụ sinh viên.

Mô hình này cũng tạo sự liên kết giữa các trường với nhau chứ không biệt lập như khi còn là các khoa. Khi hệ thống gắn kết hơn, phát triển hơn, nhu cầu của người học được đáp ứng nhiều hơn, sinh viên được đào tạo kiến thức liên ngành chứ không phải là đơn ngành như trước đây.

"Nói dễ hiểu hơn là sinh viên kinh tế không chỉ được đào tạo chuyên biệt kiến thức kinh tế mà có cơ hội phát triển kiến thức về luật, quản lý...", ông Thành nói.

Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có 3 yếu tố cơ bản và điều kiện để tạo ra xu hướng thành lập "trường trong trường". Đó là xu hướng trao quyền và phân cấp trách nhiệm với mô hình quản lý linh hoạt đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học; đổi mới mô hình để nghiên cứu, sáng tạo hơn trong giáo dục và xu hướng mở rộng lĩnh vực của các trường đại học lớn.

Ông Sơn cho rằng xu hướng thành lập "trường trong trường" sẽ có tác động tốt vì khi phân cấp, phân quyền nhiều hơn, các trường ÐH được "bung" ra để phát triển theo xu hướng tự chủ toàn diện để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, sáng tạo và phát triển đội ngũ. Tuy nhiên, xu hướng này cũng có những khó khăn, thách thức. Trong đó, quan trọng nhất chính là năng lực đội ngũ ở mỗi đơn vị.

"Đại học mẹ" cấp bằng tốt nghiệp

Khác với mô hình ĐH Quốc gia (ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM) hay đại học vùng (ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng), các trường trực thuộc ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội hay ĐH Vinh không có tư cách pháp nhân, nên việc cấp bằng tốt nghiệp vẫn do các "đại học mẹ" thực hiện.

10 đại học danh tiếng thế giới

Đại học Harvard (Mỹ) đứng đầu xếp hạng của Times Higher Education trong 11 năm liên tiếp. Châu Á có một đại diện vào danh sách năm nay.

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/ro-xu-huong-truong-trong-truong-dai-hoc-20211030193827863.htm

Huy Lân / Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm